Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 23/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 124
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều việc có thể do oan gia trái chủ gây nên hoặc do nghiệp chướng nhiều đời hoặc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó. Chúng ta không cần phải dính mắc vào những việc đó. Chúng ta đã có mục đích, lý tưởng nên cho dù là hiện tượng lạ hay hiện tượng tốt hoặc xấu diễn ra, chúng ta chẳng cần để ý đến.
Dân gian có câu: “Chim sa cá nhảy” cho nên khi có một con chim bay vào trong nhà rồi lăn ra chết hay đang đi mà gặp cá nhảy lên rồi chết thì người ta cho là điềm cực xấu. Những sự việc này có thể là điềm báo nhưng cũng có thể là sự việc ngẫu nhiên, thế nhưng, cho dù là thế nào thì chúng ta cũng không cần để ý đến vì chúng ta đã rõ mục tiêu, phương hướng của mình nên không có gì phải sợ. Một ngày còn sống ở thế gian thì một ngày chúng ta tận tâm tận lực và khi đến ngày ra đi thì chúng ta ra đi, mọi thứ huyễn hoặc chẳng làm ảnh hưởng đến chúng ta.
Có nhiều yêu ma quỷ quái, tà thần quỷ vật gây phiền chúng ta. Họ cũng giống như bao nhiêu chúng sanh thường tình, không được tu học nên không hiểu nhân quả, cứ hễ có duyên thì kiếm chuyện. Nhiều lần tôi cũng có cảm giác như mất ngủ, tôi lúc ấy nói với họ rằng: “Ngày mai tôi còn phải đi dậy học nha, hôm nay tôi không ngủ được thì nhân quả của ngày mai mỗi người phải gánh lấy đấy nhé!” Nếu chúng ta sanh tâm sợ hãi sẽ là kẽ hở để họ có cơ hội kiếm chuyện nhiều hơn.
Vì sao con người hay sợ bóng gió, sợ việc không đâu? Bởi vì họ sống mông lung, mờ mịt, không có mục tiêu, phương hướng. Do đó, chúng ta phải thiết lập cho mình một mục tiêu, phương hướng và nếu đời này không vãng sanh thì đời sau chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện những mục tiêu và phương hướng đã hoạch định. Nếu chúng ta được vãng sanh thì sau khi gặp Phật, nhờ có chí nguyện độ sanh, chúng ta có thể quay lại được nhanh hơn để thực hiện chí nguyện của mình. Người không có mục tiêu phương hướng sẽ sống rất bất an.
Có những người trông lúc nào cũng không có sức sống vì họ không có mục tiêu, không có phương hướng, chúng ta có giống như họ không? Người tu Tịnh Độ có mục tiêu là đời này vãng sanh Cực Lạc, không phải là mong khỏe mạnh, tuổi thọ, bình an, mọi sự đãi ngộ trong cuộc sống hay mua may bán đắt. Những thứ đó do phước báu an bài nên chúng ta không cần phải lo lắng mà chỉ hướng đến mục tiêu cùng phương hướng của tự thân và mục tiêu cùng phương hướng cho chúng sanh.
Hòa Thượng nói Ngài chỉ đi một con đường, là con đường Tây Phương Cực lạc và Văn hóa truyền thống có thể cứu chúng ta, cứu xã hội, cứu thế giới. Rõ ràng Ngài đã thiết lập mục tiêu phương hướng cho mình và mục tiêu phương hướng cho chúng sanh. Người có mục tiêu rõ ràng thì họ ít mộng mị, Ma sẽ tránh xa, không dám đến nhiễu nhương.
Tâm Ma nên bị Ma nhiễu loạn. Hằng ngày, chúng ta sống trong ảo vọng, vọng tưởng, tham cầu, chấp trước nên bị nhiễu loạn, còn nếu chúng ta sống với tâm Phật, tâm luôn vì chúng sanh mà lo nghĩ thì tà ma quỷ quái không đến gần và những khó khăn chướng ngại cũng sẽ trở nên nhỏ đi. Vì sao? Vì các vị hộ pháp, quỷ thần sẽ hỗ trợ. Chúng ta hãy tự quán sát sẽ thấy rằng từ nơi tâm của chúng ta mà những chướng ngại lớn có thể hóa nhỏ hoặc ngược lại, chướng ngại nhỏ có thể sẽ chuyển thành lớn.
Chúng ta gặp chướng ngại, gặp tà ma ngoài đạo là do tâm của chúng ta không chánh đại quang minh. Người có tâm tà vạy thì luôn “tự tư tự lợi”, “ảo danh ảo vọng”. Người chánh đại quang minh thì không muốn nghe mùi danh lợi. Người xưa có kể lại câu chuyện về Châu Do lúc đang dắt trâu thì nghe thấy có người nói đến chuyện danh lợi nên liền dắt trâu xuống sông để rửa lỗ tai trâu. Có người ra sông lấy nước thấy vậy không lấy nước nữa vì nước này có mùi danh lợi. Người như thế mới là chánh đại quang minh.
Người mới nghe thấy mùi tiền mà sung sướng như có điện đi trong người thì chắc chắn là tà tri tà kiến. Thời gian vừa qua chúng ta thấy có nhiều người vì danh lợi, vì tiền mà làm đổ vỡ hết những chiến công hiển hách, những công danh sự nghiệp và tương lai của biết bao nhiêu thế hệ liên quan đến mình. Cho nên người xưa nói: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”.