24Thứ Ba, 24/12/2024, 06:16
123 · Phật Pháp Vấn Đáp - 123

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 22/12/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 123

Hòa Thượng chỉ dạy rằng khi người sắp lâm chung chỉ cần một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng, không cần thiết phải nhắc nhở họ là hãy đi vào ánh sáng mạnh, đừng đi vào ánh sáng yếu, đừng đi đến chỗ mình ưa thích v..v.. Nếu có người bên cạnh nhắc nhở họ niệm “A Di Đà Phật” thì người lâm chung như người đang chới với giữa dòng nước vớ được chiếc phao.

Tuy nhiên, có nhiều người không để ý, tự làm theo cách hiểu của mình khiến làm lỡ việc của người lâm chung. Cụ ngoại tôi khi sắp lâm chung, người nhà thay phiên nhau niệm Phật cho cụ, đến ca niệm Phật của tôi thì cụ ra đi. Bản thân tôi ngày hôm trước vừa có cuộc phẫu thuật nhỏ ở lợi nên niệm một lúc thì chảy máu nên tôi buộc phải ngừng lại và nhóm khác đến hộ niệm cho Bà. Lúc này tôi quan sát thấy khuôn mặt Bà khó coi, xung quanh mọi người nói chuyện rất nhiều và còn thăm khám thân thể Bà. Cho nên chúng ta phải cẩn thận, chính mình niệm cho người thân của mình là an toàn nhất.

Hôm nay có một người hỏi Hòa Thượng một câu rất hay: “Kính bạch Hòa Thượng, thời kỳ Mạt pháp làm thế nào có thể tu hành bài trừ được phiền não, được nhiễu loạn?

Xã hội càng hiện đại, khoa học xã hội càng tiên tiến sẽ không giúp ích cho tâm thanh tịnh của mỗi con người mà chỉ làm cho họ thêm xáo động, nhiều ưu tư phiền não. Hiện đang là thời đại 4.0, con người đang phụ thuộc vào công nghệ AI nhưng họ cũng lo sợ trong tương lai, đến một lúc nào đó họ không kiểm soát được công nghệ này, chính nó sẽ tự điều hành. Những kẻ xấu có thể sẽ cài đặt và vận hành nó theo chiều nghịch thì rất nguy hiểm. Máy tính rất thuận tiện cho con người nhưng những hacker máy tính có thể làm nên những chuyện đau lòng.

Hòa Thượng trả lời câu hỏi này như sau: “Muốn bài trừ những sự nhiễu loạn, bất an này là rất khó. Việc này cần phải xem nhân duyên, phước đức của mọi người. Nếu chúng ta có thể rời khỏi, biết cách viễn ly tất cả những hoàn cảnh, nhân sự, mọi sự mọi việc gây nhiễu loạn thì chúng ta mới có thể bài trừ được.

Có người từng trăn trở rằng làm thế nào để lớp trẻ tránh được sự ô nhiễm? Câu trả lời là đừng nên phát truyền hình. Điều này thật khó thực hiện. Truyền hình, Internet đang phát chiếu những bộ phim đều đang gây ô nhiễm về “sát đạo dâm vọng”. Mặt khác, các nhà viễn thông còn cung cấp ra thị trường những gói hàng 100 kênh khiến mọi người chìm đắm ở trên đó để xem phim hết kênh này đến kênh khác. Như vậy thì làm sao mà tránh được nhiễu loạn. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, mỗi phòng đều có Ti vi, ai cũng tưởng đó là sang cả nhưng lại là cơ hội để con trẻ trong nhà nhiễm ô.

Gia đình mà tôi đang có mặt ở đây không có ti vi, không có điện thoại, trẻ con trong nhà học xong thì giải trí bằng cách chơi cờ vua. Chúng không bị nhiễm ô, không bị nhiễu loạn là do sự định đoạt của cha mẹ chúng. Nếu cha mẹ cho con ô nhiễm từ nhỏ thì khi lớn lên, không thể cạo rửa được sự ô nhiễm đó. Trong nhà tôi không có truyền hình do đó, hai đứa con tôi khi nhỏ cũng không thích xem truyền hình, nhờ đó tránh bớt sự nhiễu loạn.

Hòa Thượng tiếp lời: “Trong xã hội hiện đại, người có hoàn cảnh thanh tịnh để tu hành là người có đại phước báu và phần nhiều người ta không tìm được một hoàn cảnh như thế. Nếu muốn tu hành được tốt thì phải tìm đến hoàn cảnh thanh tịnh, tránh xa nhiễu loạn. Ở nơi một hoàn cảnh tu hành, làm sao nên ít qua lại với mọi người. Nếu bạn ở một nơi xa xôi đi lại bất tiện thì bạn ít bị làm phiền vì người ta cũng ít tìm bạn còn nếu bạn ở nơi thuận tiện thì chắc chắn người ta sẽ tìm đến bạn.

Tuy rằng chúng ta tìm hoàn cảnh thanh tịnh để tu hành nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm phải tịnh. Phải tập buông xả, nhìn thấy mọi sự mọi việc phải biết quán chiếu. Như vậy thì mình mới có thể an ổn giữa những sự bất ổn. Làm thế nào có thể buông xả được tất cả, trong tâm chỉ còn lại một câu A Di Đà Phật?

Việc buông xả phải trải qua nhiều ngày nhiều tháng, ban đầu buông xả cái nhỏ rồi dần dần buông xả cái lớn. Những việc gì tốt, cần thiết thì chúng ta tiếp xúc, tuy nhiên, chúng ta không nên khô cứng, không nên đắp nặn ra một phong thái riêng của mình, phải biết tùy duyên. Chúng ta tu hành Phật pháp Đại thừa, ngoài việc tự tu, chúng ta phải biết giúp đỡ cộng đồng, xã hội. Cho nên nếu áp dụng hình thái khô cứng của mình thì không thể tiếp độ được chúng sanh. Chỉ cần chúng ta gần người, làm ra điều tốt thì sẽ ảnh hưởng được người.