Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 21/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 122
Trong bài học hôm qua, có một người nữ hỏi Hòa Thượng, họ nhìn thấy chồng làm nhiều việc bố thí nên họ sợ việc này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của gia đình. Khi chúng ta bố thí hay làm việc từ thiện xã hội thì chúng ta phải hết sức khéo léo hay như nhà Phật nói là chúng ta phải có trí tuệ. Nếu chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta sẽ làm những việc khiến mọi người cảm thấy bất an. Chúng ta khiến mọi người cảm thấy bất an vì những việc mình đã làm thì chúng ta đã sai.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, đối với người tự sát mà chết thì phải nên làm như thế nào để giúp họ?”.
Hòa Thượng từng nói: “Tốt nhất là tôi khuyên mọi người đừng tự sát vì việc này rất phiền phức”. Người tự sát thì sau 7 ngày thì họ phải diễn lại cái chết đó một lần. Ví dụ, nếu họ nhảy cầu tự sát thì 7 ngày họ phải nhảy cầu một lần, nếu họ uống thuốc độc tự sát thì sau 7 ngày họ phải uống thuốc độc một lần. Thân trung ấm của họ tự cảm nhận và lặp lại việc làm đó.
Hiện tại, rất nhiều người tự sát, nếu chúng ta không cần thân mạng này nữa thì chúng ta nên dùng thân mạng này hy sinh phụng hiến vì xã hội. Bà Hứa Triết cả đời phục vụ người già, người bệnh, những người không có người chăm sóc hay không tự chăm sóc được mình. Rất nhiều người trong xã hội cũng đang làm giống như bà Hứa Triết.
Chúng ta có phước thì chúng ta mới làm được việc thiện. Người nhận được sự giúp đỡ của người khác là người có phước nhưng người có phước thì mới làm được việc thiện. Có những người cho rằng họ đang làm việc thiện, nhưng họ chỉ đang lãng phí tiền bạc vì những việc này không lợi ích được chúng sanh. Chúng ta phải có trí tuệ thì chúng ta mới làm được việc thiện đạt đến tiêu chuẩn của nhà Phật hay chính là chúng ta có phước thì chúng ta mới làm được việc thiện theo đúng giáo huấn của Phật Bồ Tát. Thông thường, chúng ta chỉ làm được việc thiện ở mức độ dễ coi, để thỏa mãn “cái ta”, thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, không phải vì tâm từ bi mà xuất phương tiện.
Hằng ngày, chúng ta có rất nhiều việc để làm nhưng nhiều người nói rằng, họ cố gắng nghĩ nhưng họ vẫn không có việc gì để làm. Mỗi ngày, từ sáng đến chiều tôi có rất nhiều việc để làm, thậm chí, tôi không đủ sức, không đủ thời gian để làm hết. Tôi tự làm sau đó tôi hướng dẫn nhiều người biết cách để làm. Hôm qua, chúng tôi gói bánh sắn, mọi người phân công nhau, người thì say sắn, người thì nhóm lửa, người thì rửa lá, mỗi người một khâu rất nhịp nhàng, sau một thời gian ngắn thì chúng tôi đã gói xong 50kg sắn.
“Bố thí nội tài” là chúng ta bố thí trí tuệ, năng lực, sức khỏe. “Nội tài” của chúng ta là vô tận nhưng chúng ta thường hoang phí chúng. “Ngoại tài” là tiền tài, vật chất, “ngoại tài” của chúng ta thì có hạn. Chúng ta tận tâm tận lực làm việc giúp ích mọi người chính là chúng ta bố thí nội tài. Chúng ta thường hoang phí “nội tài”. Ví dụ, trước đây, chúng ta dành nhiều giờ sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, sống ảo. Chúng ta sống trong cuộc đời thật mà mọi thứ cũng không phải là thật vậy mà nhiều người thích sống ảo. Nhiều người dùng App để chụp ảnh để họ trông xinh đẹp, đây cũng là chúng ta lừa gạt người.
Ngày trước, khi Hòa Thượng giảng pháp trên truyền hình, mọi người yêu cầu Hòa Thượng thoa một chút phấn để hình ảnh đẹp hơn nhưng Hòa Thượng nói: “Nếu hình ảnh thật của tôi mà không lên được truyền hình thì thôi, tôi không cần làm giả!”. Chúng ta phải dùng nội tài để giúp ích chúng sanh.
Thầy Thái từng kể câu chuyện, có một người Cha cầm một cây gỗ dài 1 mét đưa cho người con trai xem, sau đó, người Cha chặt đi 20cm và nói: “Từ lúc con sinh ra đến khi 20 tuổi, con chưa làm được gì cho xã hội nên khoảng thời gian này coi như không tính”. Sau đó, người Cha chặt đoạn cây thêm 20cm và nói “20 năm cuối đời con không làm được gì”. Người Cha chặt tiếp 20cm vì đây là 20 năm người con dành cho việc ăn, ngủ, cuối cùng, người Cha chặt đoạn cây thêm 20cm, đó là thời gian người con dành để đi chơi.
Nhiều người hoang phí nội tài thậm chí họ không muốn sống nên họ tìm cái chết, họ sợ sống. Tôi đã đến Đà Nẵng khoảng 10 ngày, hằng ngày, tôi đi thăm các nơi, nói chuyện động viên, tặng quà các cô giáo, tôi đã gói được 20kg gạo nếp, 100kg sắn và tôi vẫn lễ Phật, học tập. Chúng ta không có ngoại tài thì chúng ta dùng nội tài, dùng sức khỏe, năng lực, trí tuệ để phục vụ mọi người. Những người tìm đến cái chết là những người dại khờ!