6531/08/2024, 18:31 05/09/2024, 09:34
11 · Phật Pháp Vấn Đáp - 11

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 31/08/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 11

Nhiều người học Phật có tâm cảnh: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật ngoại hiên, tam niên Phật thăng thiên”. Năm đầu Phật ở ngay trước mắt, năm thứ hai Phật ở ngoài hiên, năm thứ ba thì Phật đã thăng thiên. Chúng ta không có thọ dụng từ nội tâm nên chúng ta thường bị thối lui, tâm chúng ta lui sụt. Chúng ta dũng mãnh tu hành, hoàn thiện chính mình để giúp người thì chúng ta dần sẽ có thọ dụng. Chúng ta có thành tựu thì chúng ta tự nhiên sẽ tăng thêm tín tâm.

Hòa Thượng thường nhắc chúng ta: “Tự hành giúp cho hóa tha, hóa tha giúp cho tự hành”. Chúng ta thành tựu cho người chính là thành tựu cho chính mình, chúng ta thành tựu cho chính mình cũng chính là thành tựu cho người. Chúng ta có tâm vì người, muốn người thành tựu thì chúng ta sẽ có động lực phải thành tựu chính mình. Chúng ta phải “Vì người diễn nói”. “Diễn” là làm ra. “Nói” là diễn đạt. Chúng ta không chỉ diễn đạt trên mặt ngôn ngữ mà chúng ta diễn đạt bằng cách thật làm. Nếu chúng ta chỉ diễn đạt trên lời nói mà chúng ta không làm bằng hành động thì chúng ta giống như nhà Phật nói: “Năng thuyết bất năng hành”. Nói được nhưng không làm được.

Hôm qua, có người hỏi Hòa Thượng, tâm họ muốn làm theo tâm nguyện của Pháp sư, của đại chúng nhưng trong lúc làm việc họ gặp rất nhiều chướng ngại. Nhiều người cho rằng mình làm rất nhiều việc lợi ích chúng sanh nhưng họ gặp chướng ngại nên họ sinh tâm nghi ngờ. Với câu hỏi này, Hòa Thượng nói, chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân của chướng ngại là từ nơi chúng ta hay từ nơi người. Đa phần chướng ngại đều từ do tâm của chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ban đầu, chúng ta làm theo sự chỉ dạy của Sư phụ, sau một thời gian, chúng ta cảm thấy mình đã làm giỏi hơn, sự chỉ dạy của Sư phụ đã không còn phù hợp. Đây là chúng ta đã có tâm cống cao, ngã mạn. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cha Mẹ lỗi khuyên thay đổi”. Cha Mẹ có lỗi chúng ta cũng không được có thái độ nghịch mãn. Điều này chúng sanh ngày nay rất khó thực hiện, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng ta không có thành tựu.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Người tại gia khi lâm chung ngoài việc mặc áo tràng, có cần đội nón, đeo tràng hạt và mang giày hay không? Nếu như không tìm mua được giày vải thì có thể mang giày cao su được không?”. Có nhiều nơi chấp trước rằng, người mất phải đội mũ vải, đeo tràng hạt, mang giày vải gai. Nhiều người học Phật lâu năm nhưng hiểu đạo lý nhân quả một cách hời hợt, trong nội tâm không có thọ dụng. Chúng ta phải hiểu rằng, tất cả đều do nghiệp, nghiệp thiện kết thành quả thiện, nghiệp ác kết thành quả ác.

Hòa Thượng nói: “Học Phật nhất định phải y theo giáo huấn trên Kinh Phật đã nói, những việc này trên Kinh điển Phật không nói vậy thì bạn làm như thế nào cũng được, tất cả là tùy thuận phong tục tập quán, không cần thiết phải cưỡng cầu một cách riêng biệt”. Chúng ta phải dựa theo giáo huấn của Phật mà làm, không làm vì danh vọng, vì cái ta, cái của ta. Nếu một phong tục là thuần phong mỹ tục thì chúng ta nên tiếp nối, những việc mê tín thì chúng ta không nên làm. Thí dụ, ở một số nơi, họ cho rằng, khi một người mất thì phải đốt tờ quy y, sau đó để tro vào túi đỏ buộc vào tay người mất làm giấy thông hành. Khi người mất gặp Ngưu Đầu Mã Diện thì Ngưu Đầu Mã Diện biết đây là đệ tử Phật. Nếu chưa quy y thì họ sẽ làm thủ tục tức thời quy y để có giấy quy y mang đốt. Có nơi có phong tục, khi một người mất, mọi người sẽ giết con cóc, viết bùa chú để thông quan và liệm con cóc chung với người mất. Những điều này trên Kinh không dạy và cũng không phù hợp với đạo lý nhân quả vì vậy chúng ta không nên làm.

Trong lúc gia đình có tang, mọi người đều rất bối rối, mơ mơ, hồ hồ. Những người còn sống đáng ra càng phải tỉnh táo, rõ ràng, tường tận để có thể làm những việc phù hợp đạo lý nhân quả, phù hợp lời dạy của Phật. Chúng ta làm theo những lời bày vẽ của một số người thì chúng ta sẽ mất tiền mà không mang lại lợi ích. Chúng ta nên làm những việc mang lại lợi ích thiết thực, lợi lạc dài lâu cho người mất. Ngày nay, mọi người không thích nghe lời khuyên thành thật mà chỉ thích nghe những lời khuyên giả dối.