Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 18/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 119
Có người trong câu hỏi với Hòa Thượng đã khẳng định là trong “Tín Giải Hành Chứng” thì “Hành” là việc khó làm nhất. Đây là bốn việc mà bất kỳ hành giả nào cũng phải trải qua khi tiếp cận Phật pháp. Do đó, nếu ai nói chúng ta tin Phật là mê tín thì chính họ mới là mê tín vì họ không hiểu biết mà đã nói như vậy. Nếu chúng ta “Tín” mà không “Giải” – không “Hiểu” thì chẳng khá nào chúng ta đang phỉ báng Phật pháp. Thích Ca Mâu Ni Phật tựng nói rằng: “Nếu tin ta mà không hiểu ta thì cũng bằng phỉ báng ta”.
Nhiều người làm rất nhiều việc từ thiện lợi ích xã hội, bố thí, phóng sanh, cúng dường nhưng không làm theo lời Phật dạy mà làm với tâm “tự tư tự lợi”, thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”. Họ thậm chí không có trí tuệ khi làm các công việc lợi ích đó, ví dụ như khi đi phóng sanh, họ thả cá nước ngọt vào nước mặn, thả cá nước mặn vào nước ngọt, hay cá nước lợ thì chỉ ở nước lợ nhưng họ thả ở mặn hoặc ở ngọt thì cá đều chết. Họ còn thả ốc ra giữa hồ khiến nó không thể vào bờ, cuối cùng cơ hội sống mong manh, chỉ là thức ăn cho các loài khác.
Phật dạy chúng ta có đạo lý rõ ràng bởi mọi điều Ngài nói đều lưu xuất từ tự tánh thanh tịnh, phù hợp với căn tánh của mỗi chúng sanh, tuy nhiên, họ tiếp nhận đạo Phật một cách phiến diện hoặc thông qua sự truyền đạt sai lầm cho nên họ có “Tín” nhưng không có “Giải” và “Hành” không đến nơi đến chốn nên “Quả” cũng không có.
Chúng ta hãy nhìn vào bức tranh đời sống của Hòa Thượng, Ngài đã biểu diễn một đời tu hành để chúng ta thấy và làm theo. Hòa Thượng Hải Hiền cũng biểu diễn cho chúng ta thấy cả đời làm việc và tu hành như thế nào. Hai tâm gương của hai vị Hòa Thượng cho chúng ta thấy “Tín Giải Hành Chứng” rất rõ ràng. Hòa Thượng Hải Hiền kể chuyện người ta không cho Ngài lễ Phật niệm Phật thì Ngài niệm thầm và khi mọi người đi ngủ hết thì Ngài lễ Phật. Kết quả là tự tại vãng sanh, lưu lại toàn thân xá lợi. Những ai từng hãm hại cản trở Ngài sẽ nhận ra rằng họ đã cản trở một bậc Thánh Hiền.
Cho nên phải bắt đầu từ niềm tin, trước đây, tôi không tin Phật. Bà nội bảo tôi niệm Phật thì tôi niệm, tuy nhiên, sau nhiều năm tôi phiên dịch đĩa giảng pháp của Hòa Thượng, tôi có thể cảm nhận được bức tranh cuộc đời của Ngài trong hơn 70 năm được rút lại chỉ còn 15 năm. Từ đó tôi tin Hòa Thượng. Tin Hòa Thượng cho nên tôi tin Phật. Niềm tin của tôi có cơ sở, có nền tảng.
Niềm tin phải có cơ sở vững chắc không phải tin vào một người đẹp trai, người nói hay, người có danh vọng địa vị cao. Đây là loại niềm tin của cảm tình vọng động và khi gặp một người đẹp trai hơn, nói hay hơn, danh vọng địa vị cao hơn thì niềm tin sẽ dễ dàng tan vỡ.
Trong Kinh nói rằng: “Niềm tin là mẹ đẻ, là suối nguồn của mọi công đức”. “Tin” rồi phải “Hiểu”, “Hiểu” để chứng thực cái “Tin” của mình có đúng không chứ không tin hàm hồ. “Hiểu” rồi thì phải “Hành” để biết cái “Hiểu” của mình có chắc thật không hay là hiểu qua loa? “Hành” thấu đáo sẽ có kết quả nhằm chứng thực việc “Hành” của mình là đến nơi đến chốn, đúng như lý như pháp. Nếu chúng ta có đầy đủ “Tín Giải Hành Chứng” như lý như pháp thì cho dù chúng ta có ở trong hoàn cảnh ác liệt đến đâu đi nữa thì hoàn cảnh đó không làm chúng ta mệt mỏi mà là phấn chấn.
Hơn hai mươi năm trước, tôi đã được học trò tặng bốn chữ: “Giáo nhân bất quyện” – Dạy người không biết mệt mỏi. Dạy người, phục vụ người, cống hiến cho người không mệt mỏi vì mọi việc ấy khiến ta có niềm vui từ trong nội tâm. Thân mệt thì nghỉ một lúc sẽ hết mệt nhưng mệt tâm thì mệt rất lâu. Trong “Tín Giải Hành Chứng” thì “Tín” là khó nhất, nếu ban đầu không “Tín” thì không thể làm được việc gì.
Ví dụ có người cho rằng Văn hóa Truyền thống chẳng giúp ích cho họ thì họ không thể làm Văn hóa Truyền thống được. Hay giả dụ như có người nói “Niệm Phật không thể vãng sanh” chắc chắn sẽ khiến mọi người dao động. Hoặc mọi người đang yên đang lành niệm Phật rất tốt nhưng chúng ta nói với họ rằng niệm Phật không đủ, phải lạy Địa Tạng Chiêm Sát Sám Nghi thì mới tiêu nghiệp. Thầy Định Hoằng đã đề cập đến Địa Tạng Chiêm Sát là để khen ngợi tại một đạo tràng cụ thể chứ không phải Thầy đề xướng việc đó cho người niệm Phật. Tôi từng nói chuyện với Thầy Chung Mao Sâm về chủ đề chánh tu và trợ tu.