12Thứ Ba, 17/12/2024, 20:44

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 17/12/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 118

Tu hành phải chuyển đổi được nội tâm thì mới có thể chuyển đổi được tất cả cảnh giới. Việc này cần phải có thực nghiệm, thực chứng thì chúng ta mới có niềm tin. Hòa Thượng là một tấm gương để chúng ta soi rọi, Ngài từng là người không có sức khỏe, không tuổi thọ, không phước báu nhưng thực tế nhờ sự thật tu, thật làm của Ngài mà chúng ta thấy Ngài đã chuyển đổi ngay trong cuộc sống hiện thực, đạt được tuổi thọ cao và có phước báu.

Ngài là một thanh niên lưu lạc từ Đại Lục, không có người thân nương tựa, thậm chí không có nơi ăn nhờ ở đậu. Chúng ta có xuất phát điểm cao hơn Ngài vì còn có người thân nương tựa, có hoàn cảnh tốt để tu tập. Vậy mà Ngài vẫn chuyển đổi được hoàn cảnh tốt đến như vậy. Đâu phải Phật A Di Đà hay long thiên hộ pháp thiên vị cho Ngài. Tất cả đều ở Ngài thật tu, thật làm với tâm chân thành, thanh tịnh.

Hôm nay là ngày 17/11 âm lịch là ngày vía đức Phật A Di Đà. Ngày này không phải là ngày sinh nhật của Phật A Di Đà mà là ngày Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ vãng sanh. Trong sách ghi chép lại là Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ chính là Phật A Di Đà. Chúng ta phải làm gì để tri ân Phật A Di Đà? Lạy 500 lạy, lạy 1000 lạy là tri ân ư? Việc đó quá nhỏ trong khi Phật A Di Đà phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên.

Khi còn trong nhân địa, Phật A Di Đà khi đó còn là Pháp Tạng Tỳ Kheo, hướng đến Lão sư của mình là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, nói rằng Ngài muốn kiến tạo thế giới Tây Phương Cực lạc làm thắng địa tu hành cho chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Nghe học trò nói, lão sư đồng ý ngay và từ đó Pháp Tạng tỳ kheo đã không ngừng tu tập và Ngài đã dùng công đức tu hành trong vô lượng kiếp của mình để kiến tạo nên thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta kiến tạo gì cho hoàn cảnh sống này của chúng ta, cho xã hội mà mình đang sống? Đức Phật A Di Đà trải qua vô lượng kiếp để thực hiện nguyện vọng đó. Ban đầu chỉ là vọng khởi lên sau đó nỗ lực thực hành cho bằng được thì đó không còn là vọng nữa mà trở thành nguyện lực. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm cho hoàn cảnh sống của mình tốt hơn không?

Hòa Thượng từng nói rằng: “Hằng ngày chúng ta không làm phiền chúng sanh là tốt rồi chứ đừng nói đến độ chúng sanh.” Chúng ta đang làm phiền hay đang giúp ích cho chúng sanh? Kỷ niệm ngày vía Phật A Di Đà là chúng ta phải phát được tâm giống như Phật A Di Đà. Nếu chỉ dập đầu lạy Phật 500 lạy, 1000 lạy rồi chúng ta vẫn tự tư tự lợi, hưởng thụ năm dục sáu trần, ảo danh ảo vọng, vẫn là tham sân si thì chẳng ích gì. Điều quan trọng nhất là chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải có hằng tâm.

Câu chuyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo, cũng chính là Phật A Di Đà sau này, đã dạy chúng ta bài học về việc duy trì một hằng tâm, bài học về việc phát ra một nguyện lực bất khả tư nghì. Khi con người ở trong bất cứ một phương diện nào chỉ cần có hằng tâm, có nguyện lực thì có đầy đủ sức khỏe và có thể làm được bất cứ việc gì.

Đã nhiều năm tôi dẫn mọi người lễ Phật nhân ngày vía này nhưng tôi nhận ra rằng vẫn chỉ là ảo danh ảo vọng cho nên lần này tôi không dự định đến nơi nào đó để tổ chức lễ vía Phật A Di Đà. Rõ ràng khi chúng ta cố tình sắp xếp thì sẽ có chút vọng tưởng, cưỡng cầu. Hằng năm, vào ngày này, chúng ta phát rất nhiều quà và năm nay, chúng tôi cũng sắp xếp xem người nào thật sự thiếu hụt thì lập tức giúp họ.

Hòa Thượng thường dạy chúng ta phải có tâm, có nguyện, có hạnh của Phật. Tâm nguyện hạnh của chúng ta không giống với Phật, không tương ưng với Phật thì lúc nào mới về được thế giới của Phật? Lìa được 16 chữ, không “tự tư tự lợi”, không “danh vọng lợi dưỡng”, không hưởng thụ “năm dục sáu trần”, không “tham sân si mạn” là chúng ta có thể đạt được sự tương ưng.

Cụ thể hơn nữa, Hòa Thượng dạy chúng ta “Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi” chính là giúp chúng ta đạt được tâm nguyện hạnh giống Phật. Quan trọng là “chân thành” cho nên nếu hằng ngày chúng ta khởi tâm sợ được mất, lời lỗ, hơn thua thì không còn tâm “chân thành”.

Tu hành phải ở nội tâm chứ không ở hình thức, nếu chỉ ở hình thức là lừa gạt mình cũng là lừa gạt mọi người. Họ cũng nói “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định” nhưng họ không làm. Người như thế không biết rõ mình ở mức độ nào trong tiêu chuẩn có thể vãng sanh. Cách đây 7-8 năm, tôi chỉ đạt 1-2% của tiêu chuẩn đó nhưng bây giờ có thể đã là 7-8% nhưng như thế chưa đủ, phải đạt được 20% thì được hạ phẩm hạ sanh, 30% là hạ phẩm trung sanh, 40% là hạ phẩm thượng sanh. Năm mươi phần trăm thì đạt hạ phẩm trung sanh, 60% thì đạt trung phẩm trung sanh, 70% thì đạt trung phẩm thượng sanh. Tám mươi phần trăm thì đạt hạ phẩm thượng sanh, 90% là trung phẩm thượng sanh và 100 % thì thượng phẩm thượng sanh. Đó là tiêu chuẩn mà Kinh Vô Lượng Thọ đã nói.