Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 16/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 117
Phật pháp thường nói: “Cảnh tùy tâm chuyển” cho nên cha mẹ và người thân của chúng ta là hoàn cảnh xung quanh mình. Nếu chúng ta chân thật thay đổi từ bất hiếu thành hiếu, tận tâm tận lực đối đãi với ông bà cha mẹ thì sẽ khiến người thân cảm thấy lạ. Khi người thân biết sự thay đổi hoàn toàn khác của chúng ta là do chúng ta học Phật pháp thì mọi người trong nhà sẽ tự khắc thay đổi mà không cần nói một lời khuyên đổi.
Đó là nói trên tướng còn nói trên lý, chúng ta và cha mẹ là một thể nên trong sợi dây liên kết đó, nếu chúng ta chuyển đổi thì cha mẹ chúng ta cũng chuyển đổi. Lực chuyển đổi đó tất nhiên không mạnh bằng tự lực chuyển đổi. Người ta luôn dùng cách cưỡng ép cha mẹ để cha mẹ nghe theo ý mình. Tập khí nghiêm trọng của con người là có thái độ khống chế chiếm hữu, luôn muốn người khác phải nghe theo mình, chứ không phải là làm ra biểu pháp để người khác mến phục và họ tự hồi tâm chuyển ý.
Có rất nhiều người khi tôi đối diện với họ, tôi chẳng nói, tôi chỉ làm nhưng họ đã chuyển đổi. Từ người tự tư ích kỷ, luôn tìm cách hại người hay từ một người không biết cho đi thì nay họ không dám làm điều ác và luôn cho đi. Trên Đệ Tử Quy có câu “Thế phục người người không phục, Lý phục người tâm mới phục”. Khi chúng ta dùng đức thì có thể triết phục được lòng người.
Các câu chuyện dùng đức để chuyển đổi những người ác có rất nhiều. Người xưa từng dạy: “Đừng nghĩ đến việc hằng ngày người ta có làm hay không, mà nghĩ đến việc mình có làm hay không, làm một cách triệt để hay qua loa?” Nếu chúng ta làm một cách thành tâm thì chắc chắn sẽ chuyển đổi được người khác. Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta hãy tặng quà, tặng quà nhiều người ta sẽ thích.
Trong năm nay, tôi đã nghe lời Hòa Thượng nên tặng các Thầy cô khắp mọi nơi những gì ngon, những gì tinh sạch. Mở mắt buổi sáng, hằng ngày, chúng ta nên nghĩ đến việc gì đó lợi ích cho mọi người. Sáng nay tôi nghĩ là ngày mai nên gói bánh tặng mọi người. Sở dĩ chúng ta nghĩ không ra được việc gì đó để đãi ai, để biếu cho tặng mọi người vì chúng ta có năng lực hạn chế, chúng ta bất tài, vô dụng. Tôi nói vậy không phải mắng người mà là khơi dậy lòng tự tin ở mỗi người.
Bản thân tôi trước kia đã đặt câu hỏi rằng vì sao mình vô dụng đến vậy? Và tôi đã phát hiện ra là do chính mình hư tình giả ý, là do sự dụng tâm chưa đến của cá nhân mà thôi. Sự cẩn trọng của chúng ta sẽ giúp mọi việc dần dần trở nên hoàn hảo tốt đẹp. Tất cả là do làm nhiều thành thói quen, chẳng ai tài hơn ai, hay chẳng ai giỏi hơn ai đâu! Trong lúc làm việc, chúng ta rút ra kinh nghiệm làm thế nào để làm nhanh nhất, kết quả tốt nhất. Có người cho rằng vì chiều cao cân nặng nên họ có thể làm hơn chúng ta, nhưng sự thực đâu phải như thế! Từ xưa đến giờ, các vị nguyên thủ của chúng ta như Bác Hồ, Bác Trọng trong dáng người nhỏ bé mà đã xử lý những khối lượng công việc quá khủng khiếp.
Có những người khi nghĩ đến các việc giúp đỡ mọi người, thường bao giờ cũng nghĩ vừa đủ chứ không theo sự tham cầu, tham vọng mà nghĩ. Hãy nghĩ bằng chân tâm của mình! Chẳng hạn sáng nay tôi nghĩ đến việc gói bánh trong 10kg nếp và 20kg sắn thì thực lực cho thấy tôi có khả năng mua được nếp và sắn, sức lực của tôi có thể chuẩn bị và gói mà chẳng phải nhờ ai. Nếu nhờ mà mọi người bận, không ai giúp được, thì việc nghĩ kia của chúng ta chỉ là vọng tưởng.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kinh bạch Hòa Thượng, con bị bệnh trầm cảm, tâm rất là tán loạn, vọng tưởng rất nhiều. Có lúc con chấp trước, lặp đi lặp lại việc đó nhiều lần. Xin hỏi con phải làm như thế nào?” Đây là căn bệnh của rất nhiều người, cho dù họ chưa phát thành bệnh. Hằng ngày, họ nghĩ rất nhiều nhưng không làm được việc gì. Nếu có làm thì chỉ là làm cho dễ coi thôi. Khởi vọng rồi chấp trước vào vọng và không thực hiện được nó thì chính mình trở nên đau khổ, tự mình rầy xéo mình, không gì thoát ra được.
Hòa Thượng trả lời: “Bạn vọng tưởng quá nhiều, trong tình huống này, niệm Phật là cách đối trị tốt nhất. Bạn đem tất cả vọng tưởng đổi thành A Di Đà Phật, không nên nghĩ đến bất cứ thứ gì mà chỉ chuyên nghĩ đến A Di Đà Phật. Đây là dùng một niệm để đối trị tất cả các niệm.” Dĩ nhiên là khó, ban đầu niệm là khó vì Phật hiệu thì lạ mà niệm hời hợt nhưng vọng niệm thì quen thuộc và quá sâu đậm. Cho nên có rất nhiều người nói rằng không cách gì dùng Phật hiệu đánh bạt được vọng niệm.