Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 15/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 116
Chúng ta đa phần hay tùy thuận theo cảm tình chứ chưa xuất phát từ tự tánh thanh tịnh khi làm việc và khi khởi tâm động niệm. Cho nên, chúng ta tuy là có nhắc đến hai chữ “tùy duyên” nhưng lại thực hành hai chữ này một cách tùy tiện.
Uống rượu, ăn nhậu, ăn chơi, người ta cũng dùng hai chữ “tùy duyên”, điều này chứng tỏ rằng những danh từ Phật pháp được sử dụng rộng khắp ở nhân gian. Người ta học lỏm rồi truyền đạt lại hai chữ này nhưng giải thích ý nghĩa của “tùy duyên” hoàn toàn ngược với điều Phật dạy cho nên nhiều người “tùy duyên” rồi dính luôn theo duyên. Thậm chí người ăn chay cũng bị người ta dắt đi. Đặc biệt là ở miền quê, ít nhất một tuần là có một đến ba đám giỗ, lúc đầu chúng ta chỉ một đến hai ly rượu và gắp rau đậu để ăn, nhưng lần hai thì 3,4 ly rượu và tùy duyên uống rượu ăn thịt luôn.
Chúng ta phải nhớ rằng người ta thuận vòng sanh tử thì người ta tùy tiện, còn chúng ta ngược dòng sanh tử, muốn ra khỏi luân hồi, muốn đến Tây Phương Cực Lạc thì mọi việc lớn phải hết sức cẩn trọng, ngay đến khởi tâm động niệm cũng phải kiểm soát. Việc này không khó lắm, chỉ cần chúng ta thật làm thì sẽ chuyển đổi một cách hết sức ngoạn mục.
Mấy ngày nay, tôi ở Đà Nẵng. Rất bận rộn! Hôm qua gần như cả ngày tiếp khách và đi lại rất nhiều từ sáng đến 9 giờ tối mới nghỉ. Thế nhưng, sáng nay, tôi vẫn dậy sớm trước giờ chuông báo thức. Rõ ràng thân của chúng ta đã có sự chuyển đổi mặc dù tâm có khi còn trách thân vì sao dậy sớm thế, chuông báo thức chưa reo mà. Cho nên, vấn đề là ở chỗ chính chúng ta không muốn chuyển đổi.
Hòa Thượng thường nhắc nhở rằng tự tánh vốn thanh tịnh, vô nhiễm, cho nên khi chúng ta trở về với tự tánh thì cũng giống như mở cửa bước vào nhà mình. Việc này không quá khó như mọi người nghĩ! Kẻ ăn trộm muốn vào nhà mới khó còn chúng ta muốn bước vào nhà mình thì không khó. Tự tánh vốn dĩ thuần thiện thuần tịnh nhưng nếu chúng ta không chịu buông bỏ những thứ làm cho mình nhiễm ô thì chúng ta sẽ thấy khó.
Chúng ta phải hiểu được chữ tùy thuận. Đó là những gì phù hợp với tự tánh thì chúng ta tùy thuận, nhất định không tùy thuận với các việc làm ác hạnh, ác sự thậm chí là ác duyên cũng tránh ngay. Các duyên ác có thể ban đầu chưa dẫn chúng ta làm các hành động ác, tuy nhiên, gặp duyên ác lâu ngày như thường xuyên ngồi nhậu với mọi người thì những lần đầu tiên, lần thứ hai, thứ ba chúng ta chưa bị cám dỗ, nhưng lần thứ tư thì đã nhiễm ô và chúng ta khó cưỡng lại được.
Tùy thuận với cái thiện là phù hợp với tự tánh, do đó, chúng ta lấy Thập Thiện để soi chiếu: “Thân không sát đạo dâm, ý không tham sân si, miệng không dối nói, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác”. Trong đó, hằng ngày chúng ta rất dễ phạm phải lời nói thêu dệt. Thập Thiện không tách biệt mà trong một điều có chín điều, cho nên chúng ta không nên xem nhẹ bất kỳ điều nào trong 10 điều thiện từ nơi ba nghiệp “Thân Khẩu Ý” của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng tập khí nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta đã quá quen với cái ác vì thế chúng ta nhất định không tùy thuận điều nào trái với 10 thiện.
Chúng ta hằng ngày “nói lời thêu dệt, nói lời không thật, nói lời đôi chiều hay nói lời ác ý” và chúng ta cho rằng những việc đó không phải là “tham sân si” hay “sát đạo dâm”. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng những việc đó sẽ dẫn khởi “tham sân si”, sẽ dẫn khởi “sát đạo dâm” cho nên Phật chỉ dạy chúng ta rằng 10 thiện là đại pháp tu hành của hành giả tu học Phật pháp bắt đầu từ lúc phát tâm cho đến suốt qua trình dài trở thành Phật.
Ngày trước, khi mới phát tâm dịch Thập Thiện, tôi nghĩ rằng Thập Thiện không khó phiên dịch, tuy nhiên, khi phiên dịch đến đĩa giảng thứ 6 thì tôi đã phải vận dụng hết sức mình để hiểu. Tôi cảm nhận rằng phiên dịch Thập Thiện khó hơn dịch Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ. Lúc này, tôi mới thay đổi cách nghĩ của mình. Chúng ta tùy thuận với 10 thiện và những gì ngược lại với 10 thiện thì chúng ta không tùy thuận. Chúng ta phải phải viễn ly 10 ác, tốt nhất là tránh xa chúng vì chúng ta là phàm phu, chưa đạt được chừng mực tu hành nhất định, kể cả Tu Đà Hoàn chúng ta cũng chưa chứng cho nên chúng ta không đủ sức đương đầu. Chúng ta không nên tạo cho mình cơ hội tiếp cận sự cám dỗ.