15Thứ Hai, 16/12/2024, 11:06

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 14/12/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 115

Nhà Phật nói: “Phật pháp vô nhân giảng tuy trí vô năng giải”. Phật pháp không có người giảng giải thì cho dù người có trí, có học thức cao cũng không thể hiểu, hiểu lầm, hiểu sai. Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta, khi Ngài đã 90 tuổi, Ngài vẫn thường nói: “Thầy của tôi nói!”, “Giáo sư Phương Đông Mỹ nói”, “Lão sư Lý nói”, “Đại sư Chương Gia nói”. Người ngày nay không có thành tựu vì không chịu nghe lời. Trong suốt quá trình giảng Kinh, Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại nhiều câu nói của những vị Thầy của mình. Nếu chúng ta không nghe theo lời dạy của các vị Thầy thì chúng ta dễ bị lừa gạt, dễ bị động tâm.

Nếu có người hỏi tôi, một việc nào đó là đúng hay sai, tôi sẽ không trả lời mà tôi hỏi họ là điều đó ai nói. Nếu đó là lời của Phật nói thì Phật đã nói ở trong Kinh nào, nếu là lời của Hòa Thượng nói thì Hòa Thượng đã nói ở bộ đĩa nào. Nếu đó là lời của người khác nói thì tôi bảo họ đi hỏi người đó. Tôi không trả lời những câu hỏi vu vơ như vậy! Chúng ta rất dễ dàng dao động, nghe theo lời người khác cho dù lời nói đó không có căn cứ. Người ngày nay thường nói về “Hiệu ứng đám đông”, hiệu ứng này có nghĩa là vì nhiều người tin theo nên chúng ta cũng tin theo, cho dù chúng ta không biết điều đó đúng hay sai.

Hòa Thượng từng nói, khi chúng ta chọn trường cho con học thì chúng ta phải hết sức cẩn trọng, chúng ta phải chọn lựa môi trường, chọn lựa phương pháp giảng dạy phù hợp. Khi chúng ta hoạch định cho một hành trình thì chúng ta đều cẩn trọng, nhưng khi chúng ta hoạch định cho tiến trình tu hành, vãng sanh của mình thì chúng ta lại làm một cách rất hời hợt, tùy tiện.

Ngày trước, tôi hỏi một người, vì sao họ nhận vị đó làm Thầy, người đó nói vì người Thầy đó đẹp trai, nói hay, dễ thương. Họ đơn giản đến mức tùy tiện, đây đều là cảm tình vọng động. Đối với việc liễu thoát sinh tử, ra khỏi sáu cõi luân hồi, chúng ta phải hết sức nghiêm túc. Nếu chúng ta không nghiêm túc thì chúng ta sẽ không có cơ hội.

Có những người tiếp nhận pháp của Hòa Thượng, tu học cũng có thành tựu nhưng sau đó họ tin theo những lời không có căn cứ, họ cho rằng một người nào đó đã chứng đạo. Thời kỳ Mạt pháp, lòng người tà ác đến mức nghiêm trọng, chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Có người kể với tôi, họ nhìn thấy một người bị ngã xe nên bất tỉnh nhân sự, sau đó, có một người đến đọc câu thần chú, ngay lập tức, người bị bất tỉnh có thể ngồi dậy. Họ cho là người đọc câu thần chú khiến người bị bất tỉnh có thể ngồi dậy là người đã chứng đạo. Chúng ta làm cho một người con nghịch tử trở thành một người con ngoan hiền thì đó mới là kỳ tích.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Người ngày nay không thích tiếp nhận những lời chân thật. Tôi nghe nói, có những người tập hợp những người giàu có thành một nhóm để cùng tu hành, người đứng đầu nói rằng, họ là Bác sĩ, họ đã bán bệnh viện để tập trung vào việc tu hành, họ nói như vậy để chiêu dụ những người giàu. Phật pháp chân chính sẽ gần gũi với chúng sanh, nhất là những chúng sanh khổ nạn. Chúng ta chỉ tin những lời dạy mà có ghi chép trên Kinh điển, đã được Tổ Sư Đại Đức thực nghiệm, thậm chí được xã hội, đại chúng công nhận. Chúng ta chỉ tin theo những giáo phái được Giáo hội phật giáo, luật pháp Quốc gia công nhận. Nếu chúng ta không cẩn thận thì chúng ta sẽ trở thành công cụ cho người khác lợi dụng.

Trước đây, có những người niệm Phật rất tốt nhưng sau đó, họ bỏ niệm Phật để đi theo một nhóm người, hiện tại, đời sống của họ rất vất vả, họ không có niềm vui và đã bị mất đi niềm tin. Mọi sự, mọi việc trên thế gian đều là nhân trước, quả sau. Chúng ta tạo nhân tốt thì chúng ta mới được nhận quả tốt. Chúng ta tiếp nhận Phật pháp phải có căn cứ, hay như trong nhà Phật nói là phải có sự truyền thừa. Hòa Thượng học với Ngài Lý Bỉnh Nam, Ngài Lý Bỉnh Nam là học trò của Tổ sư Ấn Quang, Tổ sư Ấn Quang là Tổ sư thứ 13 của Tịnh Độ. Chúng ta được tiếp nhận sự giáo huấn theo một mạch truyền thừa.

Chúng ta tiếp nhận sự giáo huấn thì chúng ta phải xem giáo huấn đó có mạch truyền thừa không. Thí dụ, người dạy chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ có tu pháp môn Tịnh Độ không? Ngày trước, có người nói, niệm Phật trong 7 ngày hay 14 ngày sẽ đạt được nhất tâm, nhưng sau đó họ công bố, nếu chỉ niệm Phật thì chưa đủ mà phải trì chú. Người nói lời này không có sự truyền thừa.