Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 13/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 114
Nhà Phật nói: “Tội từ tâm khởi phải từ tâm diệt, tâm diệt hết tội thì tội liền tiêu”. Tội từ nơi tâm khởi mà chúng ta không từ nơi tâm diệt thì chúng ta vĩnh viễn không thể chuyển đổi được cảnh giới nội tâm. Hôm qua, mọi người lấy lời giảng của tôi làm nhạc chuông nhưng sáng nay, tôi vẫn chỉ thấy 137 người đã lên học đúng giờ, đến cuối giờ thì sẽ có khoảng 200 người, nếu “thuốc” này thật sự hiệu nghiệm thì bây giờ số người học tập đã đông đủ. Nếu chúng ta không chuyển đổi nội tâm thì cho dù Thích Ca Mâu Ni Phật hay vua Diêm La đến ngay trước mặt chúng ta cũng không có tác dụng. Chúng ta thật chuyển đổi nội tâm thì chúng ta mới chuyển đổi được tập khí. Chúng ta làm gì cũng có sự mong cầu, sự mong cầu của chúng ta vượt hơn sự nỗ lực nên mong cầu trở thành tham cầu, vọng cầu, ảo cầu. Nếu sự nỗ lực của chúng ta vượt qua mong cầu thì chúng ta mới có thể làm thành công. Các bậc Tổ Sư Đại Đức, Thánh Hiền nỗ lực hết sức mình nên các Ngài mới có thành tựu. Chúng ta mong cầu nhiều nhưng sự nỗ lực của chúng ta rất nhỏ. Đây là vấn đề then chốt quyết định chúng ta thành công hay thất bại.
Khi chúng ta tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát, những giáo huấn này đều có căn cứ và đã được các Ngài chứng thực, chúng ta chỉ cần tin, nỗ lực làm thì chúng ta nhất định sẽ thành công. Nếu chúng ta không nỗ lực thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta thường vừa làm việc thiện vừa lo sợ không biết việc đó có mang lại kết quả tốt hay không. Những người đã học Phật lâu năm cũng có tâm cảnh này. Chúng ta học Phật pháp càng học lâu thì những kết quả chúng ta có được càng mờ nhạt, trong khi đó những người mới học Phật thì thường có được những kết quả trác tuyệt. Thí dụ như, vừa qua người trong hệ thống của chúng ta niệm Phật cho hai trường hợp, trường hợp thứ nhất là một ông cụ đã mất và nằm ở ngoài vườn nhiều giờ, mọi người niệm Phật cho ông 25 giờ thì người ông mềm, khuôn mặt ông tươi đẹp hơn cả bình thường. Trường hợp thứ hai là một bà cụ ở tỉnh Bắc Giang, sau khi mọi người hộ niệm cho bà 15 giờ thì thân bà trở nên rất mềm, Camera trong nhà bà có ghi lại được hình ảnh một vầng hào quang giống như hoa sen. Một người bình thường nhưng khi mất được niệm Phật mà có kỳ tích như vậy! Người học Phật lâu năm nhưng không có kỳ tích do họ không tin sâu, nguyện không thiết, hành không miên mật. Mọi sự, mọi việc đều bắt đầu từ tin sâu!
Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Niềm tin là nguồn gốc sinh ra mọi công đức, phước lành. Chúng ta tin thì chúng ta mới thật làm. Chúng ta chưa tin thì chúng ta sẽ chưa thật làm. Người xưa nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Chúng ta trồng cây dưa thì cây dưa không thể ra trái cà-phê, chúng ta trồng cây đậu thì cây đậu không thể ra trái sầu riêng. Đạo lý này tưởng chừng như chúng ta đã tin nhưng chúng ta chưa thật sự tin, nếu chúng ta thật tin thì chúng ta đã thật làm.
Trước đây, Bà Hứa Triết nói: “Cả đời tôi chỉ lo cho người”. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Bà chỉ lo cho người vậy thì ai sẽ lo cho Bà?”. Bà nói: “Ông Trời sẽ lo cho tôi!”. Thánh Hiền xưa cũng đã nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, đệ tử đã học Phật 3 năm, đệ tử một lòng một dạ cầu vãng sanh. Hằng ngày, đệ tử sớm tối đều đọc Tâm Kinh, đọc “Kinh Vô Lượng Thọ” và đọc “Chú Vãng Sanh”, có người nói, đệ tử Phật nhất định phải học chú ngữ của “Chú Đại Bi” và các thần chú khác như vậy có chính xác không?”.
Người này không nắm được cương lĩnh tu hành. Nếu chúng ta có nền tảng tu hành thì chúng ta sẽ không có những câu hỏi mơ hồ như vậy! Trên “Tâm Kinh” hay “Kinh Bát Nhã” nói, mọi sự, mọi việc đều là không, chúng ta phải cố gắng quán không. Nguời xưa kể câu chuyện, có hai Thầy trò tu hành trên núi, một hôm Sư phụ có việc đi xuống núi, người học trò ở lại chùa, hôm đó, có một đoàn khách đến thăm quan chùa trong đó có một cô gái rất đẹp. Người học trò nhìn thấy cô gái rất đẹp nên đã tương tư. Khi Sư phụ trở về, Sư phụ nhận thấy tiếng chuông chùa đã không còn khoan thai như thường lệ, người học trò thú nhận với Thầy là hôm nay đã nhìn thấy một người nữ rất dễ thương. Sư phụ nói với người học trò: “Đó là cọp đấy con!”. Người học trò quán mãi vẫn không thấy người nữ đó giống cọp.