65Thứ Năm, 12/12/2024, 15:12
113 · Phật Pháp Vấn Đáp - 113

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 12/12/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 113

Tổ Sư Ấn Quang dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Một hành giả niệm Phật phải dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình. Người niệm Phật mà không thực hiện vai trò, bổn phận của mình vậy thì chúng ta không phải là đệ tử của Phật, chúng ta không đủ tư cách vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta chỉ niệm Phật mà bỏ qua vai trò, bổn phận của mình thì thế hệ sau sẽ nương vào đâu? Chúng ta không truyền thừa Phật pháp, không thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền thì thế hệ sau sẽ không có chỗ nương vào.

Thời đại mà Thầy Lý Bỉnh Nam sống chưa có Internet, con người chưa bị xen tạp nhiều nhưng trong số 300.000 học trò của Ngài cũng chỉ có khoảng 30 người vãng sanh. Người thời nay bị ô nhiễm, xen tạp hơn người thời trước rất nhiều, đây là lí do, ngày nay, người niệm Phật nhiều nhưng người vãng sanh thì gần như không có. Bài học hôm qua, một người hỏi Hòa Thượng, họ muốn niệm Phật vãng sanh nhưng họ phải chăm sóc Mẹ già, đi làm kiếm sống, họ sợ rằng, nếu họ không chuyên tâm niệm Phật thì họ sẽ không đủ tiêu chuẩn để vãng sanh. Hòa Thượng nhắc họ phải nghe pháp nhiều, mỗi ngày nghe pháp khoảng 2 giờ, sau nửa năm đến một năm thì họ sẽ biết cách phải làm như thế nào. Tổ Sư Ấn Quang đã dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Chúng ta dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình, khi rảnh rỗi, không phải làm việc chuyên môn thì chúng ta chú tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Các Ngài không dạy chúng ta bỏ trách nhiệm, bỏ vai trò để niệm Phật. Chúng ta khi cần tập trung làm việc thì lại niệm Phật, khi rảnh rỗi thì tâm chúng ta lại tạp loạn, nói chuyện thị phi.

Tôi đã chứng kiến nhiều người niệm Phật nhưng không làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình nên thế hệ sau của họ động loạn, phá gia chi tử. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta đừng nghĩ chúng ta độ chúng sanh, chúng ta không làm phiền lòng chúng sanh là tốt cho chúng sanh rồi”. Gia tộc của chúng ta không cần làm được những việc lớn lao cho Tổ quốc, chúng ta chỉ cần sống một cuộc sống yên lành, không khiến người khác bận tâm thì như vậy đã là tốt rồi! Nhiều người tưởng rằng mình tu hành tốt nhưng con cái của họ thì phá gia chi tử, phá làng, phá xóm. Đây là vấn nạn nghiêm trọng của những người đang niệm Phật.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con rất ghét thị phi, nhân ngã, con không muốn đi làm việc mà muốn ở nhà tự tu thế nhưng, Cha Mẹ muốn con phải làm việc vậy thì con phải làm như thế nào cho tốt?”.

Người này tu hành nhưng họ khiến Cha Mẹ bất an. Nếu Cha Mẹ của chúng ta an tâm về chúng ta thì chắc chắn Cha Mẹ sẽ không yêu cầu chúng ta ra ngoài làm việc. Chúng ta tu hành nhưng kinh tế gia đình chúng ta ổn định, việc tu hành của chúng ta khiến mọi người có niềm tin thì Cha Mẹ sẽ tin tưởng vào chúng ta. Chúng ta tu hành một cách mờ mịt, chúng ta không biết làm việc, bất tài, vô dụng, lười biếng thì chúng ta sẽ khiến Cha Mẹ bất an. Năng lực của tự tánh vốn sẵn đầy đủ, chúng ta chỉ cần khơi dậy tâm chân thành lo nghĩ cho chúng sanh thì năng lực của tự tánh sẽ tự hoàn thiện. Tôi có cảm nhận rất sâu sắc về việc này! Chúng ta làm việc, lao động một thời gian thì chúng ta sẽ có cảm ngộ này. Chúng ta lười biếng thì chúng ta sẽ sinh tâm chán ghét, bất mãn, thù hận. Người chân thật làm việc, luôn nghĩ về người khác thì họ sẽ luôn khởi lên niệm tri ân. Nếu chúng ta luôn sống trong niệm tri ân thì khi chúng ta nhìn thấy người xấu, ác chúng ta cũng sẽ khởi niệm cảm ơn họ vì họ đã làm ra tấm gương xấu ác để chúng ta nâng cao cảnh giác.

Khi lần đầu Ngũ Tổ gặp Lục Tổ, Ngài đã hỏi Lục Tổ: “Ông đến đây làm gì?”. Lục Tổ trả lời: “Con đến đây để làm Phật”. Một lần khác, Lục Tổ nói với Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sinh trí tuệ”. Chúng ta chưa sinh được trí tuệ nhưng trong tâm chúng ta phải thường sinh niệm tri ân. Nếu hằng ngày, chúng ta khởi được niệm tri ân thì mọi việc sẽ thuận lợi, luôn có niềm vui. Hằng ngày, chúng ta không có tâm tri ân thì khi chúng ta làm việc, chúng ta không có niềm vui. Nếu chúng ta làm việc bằng tâm tri ân thì chúng ta mệt ở thân nhưng chúng ta chỉ cần nghỉ một chút là chúng ta sẽ khỏe. Nếu chúng ta mệt trong tâm thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi.

Hôm qua, hơn 23 giờ đêm, tôi mới đến thành phố Đà Nẵng, vì tôi lạ chỗ nên tôi khó ngủ, tôi niệm Phật một lúc nhưng vẫn không ngủ được, tôi phải tự nhắc mình, tôi không rảnh, sáng mai 3 giờ 20 phút tôi đã phải thức dậy, sau đó thì tôi ngủ được luôn. Chúng ta phải luôn gắn cho mình vai trò, trách nhiệm để tự nhắc nhở mình. Chúng ta dùng tâm chân thành vì người lo nghĩ thì năng lực của tự tánh sẽ tự biết phải làm gì.

Trước đây, tôi cũng không biết làm gì, tôi không được ai dạy, tôi lớn lên như cây ngô đồng mọc dại, hiện tại, tôi có thể làm được mọi sự, mọi việc là do năng lực của tự tánh. Chúng ta không khơi dậy được năng lực của tự tánh vì chúng ta chưa dụng tâm. Chúng ta dụng tâm vì người khác thì năng lực của tự tánh tự hoàn thiện. Nhiều người nói với tôi, hằng ngày họ không biết làm gì! Sáng hôm qua, có người mời tôi đi ăn nhưng tôi từ chối, tôi nói, tôi phải chuẩn bị đồ cho chuyến đi. Hôm qua, tôi ra vườn hái các loại rau, tôi đã chuẩn bị được 2 thùng rau để mang tặng, đây là tâm cho đi, tâm nghĩ đến người khác. Điều quan trọng là chúng ta có khởi được ý niệm vì người, ý niệm tri ân, báo ân không.

Nếu chúng ta không thích thị phi, nhân ngã thì chúng ta đừng nói chuyện thi phi, nhân ngã. Chúng ta có thể tự nhắc nhở mình bằng cách, nếu hằng ngày, chúng ta nói chuyên thị phi, nhân ngã của người thì chúng ta tự đánh vào miệng mình. Chúng ta rảnh rỗi thì chúng ta mới có thời gian nói chuyện phải trái, tốt xấu của người, chúng ta có nhiều việc để làm thì chúng ta sẽ không có thời gian nói chuyện người. Ngài Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Nhược chân tu hành nhân bất kiến thế gian quá”. Người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian. “Không thấy lỗi thế gian” là chúng ta không để ý, không quan tâm đến lỗi của người mà chúng ta chỉ quan tâm đến lỗi của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta thấy người có lỗi đó thì chúng ta quán sát xem mình có lỗi đó không. Nếu chúng ta có lỗi đó thì chúng ta mau mau sửa, nếu chúng ta không có lỗi đó thì chúng ta nhắc nhở mình không nên phạm phải lỗi”.

Một số người nói rằng, họ muốn mời tôi uống một ly trà hay một ly cà phê cũng khó! Tôi thường nói với họ: “Bác thông cảm, con phải tranh thủ làm xong việc để con còn đi chỗ khác!”. Chúng ta có thời gian “trà dư tửu hậu” thì chúng ta mới có thời gian nói chuyện thị phi. Nếu chúng ta không thích thị phi thì khi thị phi đến với chúng ta thì chúng ta để chúng kết thúc, không tiếp nối chúng nữa.

Hôm trước, tôi đang ở trong nhà thì có người chạy đến nói, hôm nay có một người trong xóm chửi thẳng tên của tôi. Tôi nói, tôi không quan tâm đến những việc đó. Người chạy đến nói với tôi điều đó là một người đang tu một pháp mà họ cho rằng, pháp đó “cao cấp” hơn pháp niệm Phật. Người chửi tôi là một người luôn trong trạng thái say, họ thường mắng chửi tất cả mọi người trong làng. Hòa Thượng nói: “Khi thị phi đến với chúng ta thì chúng ta nên kết thúc”. Chúng ta không nên tiếp nối thị phi, thậm chí, khi những ân oán đến với chúng ta thì chúng ta cũng nên kết thúc chúng. Tổ Sư Tịnh Độ nói: “Nghiệp tận, tình không ta về nơi ấy”. Nếu nghiệp không tận, tình không không, chúng ta vẫn “vương mang” thì chúng ta sẽ luôn ở trong cõi “vương mang” này.

Hòa Thượng Hải Hiền 112 tuổi, Ngài vẫn leo lên cây hồng hái quả, Ngài tu hành rất tốt, niệm Phật tự tại vãng sanh, lưu lại toàn thân xá lợi. Nhiều người còn trẻ, khỏe nhưng không muốn lao động mà muốn ở nhà tu trong phòng có máy lạnh, ăn cơm do Cha Mẹ nấu.

Hòa Thượng nói: “Bạn nên nghe lời của Cha Mẹ, cố gắng đi làm việc, khi làm việc bạn sẽ thể hội được giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta cũng không thể rời khỏi công việc. Thích Ca Mâu Ni Phật không bỏ làm việc, suốt 49 năm, Ngài bôn ba khắp nơi giảng Kinh, nói pháp, không có một ngày nghỉ hè nào”.

Thích Ca Mâu Ni Phật không làm ruộng nhưng Ngài làm công việc giáo dục. Ngày trước, có một người nông dân đến mắng Phật, họ cho rằng Phật không lao động. Phật nói: “Ta cũng đang làm việc, đất đai của ta là tâm của chúng sanh”. Phật mang những tư tưởng thiện lành gieo trồng trong tâm chúng sanh. Nhiều lần, bên ngoài tôi mặc đồ vest nhưng bên trong tôi vẫn đang mặc bộ đồ lao động, móng tay của tôi vẫn còn bùn đất.

Nếu mọi người đều muốn bỏ việc để tu hành thì xã hội sẽ ra sao? Thế giới Cực Lạc có thể tiếp nhận những người như vậy không? Ngày trước, tiền thân của Phật A Di Đà là Tỳ Kheo Pháp Tạng phát nguyện: “Con muốn thiết lập một thế giới trang nghiêm làm thắng địa cho chúng sanh tận hư không khắp pháp giới tu hành”. Đức Phật Thế Tự Tại Vương nói: “Con phát tâm làm việc đó thì con phải dùng công đức tu hành của chính mình”. Tỳ Kheo Pháp Tạng đã dùng công đức tu hành vô lượng kiếp kiến tạo nên thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngày nay, nhiều người không có trách nhiệm với con cái, họ cho rằng, con cái của họ có nghiệp chướng nặng nên chúng đọa lạc, nếu họ có suy nghĩ như vậy thì họ không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta chậm đi một ngày thành tựu thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ”. Thân bằng quyến thuộc của chúng ta đang mong chờ chúng ta từng giây, từng phút giống như những người đang ở trong tù mong đợi từng giây để được gặp người thân, được người thân gửi cho một chút đồ. Chúng ta có biết người thân của chúng ta, những người đang đọa lạc trong cõi khổ, đang mong chờ chúng ta nhiều như thế nào không? Lời của Tổ Sư như giống như gió thoảng qua tai chúng ta, chúng ta chỉ “hiểu hiểu” chứ không “thật hiểu”. Nếu chúng ta “thật hiểu” thì chúng ta đã “thật làm”.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con trai của bạn con bị bệnh nặng, con đã nhận lời sám hối và tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, đem nước vô lượng thọ cho con của người bạn đó uống. Bệnh tình của người đó tiến triển tốt, hiện tại, người đó đã hết bệnh nhưng trái lại thì con gặp nhiều tai họa, có phải là oan gia trái chủ của người đó đã tìm đến con hay không?”.

Nước vô lượng thọ” là ly nước để trên bàn thờ Phật khi mọi người tụng Kinh Vô Lượng Thọ”,  sau khi mọi người tụng Kinh xong, mọi người thường mang ly nước cúng Phật cho người bệnh uống. Chúng ta tụng Kinh bằng tâm chân thành, thanh tịnh, chánh giác, bình đẳng, từ bi thì ly nước đó mới là nước vô lượng thọ. Chúng ta tụng Kinh bằng tâm thị phi, nhân ngã, tạp loạn thì ly nước đó là nước nhiễm ô.

Nếu chúng ta làm bằng tâm chân thành, từ bi, thanh thịnh, vô tư, vô cầu thì oan gia trái chủ sẽ không tìm đến chúng ta đòi nợ thậm chí còn tri ân chúng ta. Nếu chúng ta lấy việc đó để đề cao bản thân, cho rằng mình có năng lực thì oan gia trái chủ sẽ tìm đến chúng ta. Ngày nay, nhiều người làm việc tốt vẫn gặp họa vì họ không thật làm, họ làm cho dễ coi. Chúng ta cho rằng chúng ta tu hành tốt, oan gia trái chủ không dám đến phá thì oan gia trái chủ sẽ đến tìm chúng ta. Nhiều người cho rằng mình là nhà đại tu hành, oan gia trái chủ không dám đến phá vì họ có ý niệm như vậy nên một thời gian ngắn sau thì họ đã phải trả giá. Chúng ta đừng bao giờ lo sợ là chúng ta làm việc tốt thì chúng ta phải gánh lấy việc xấu của người! Không bao giờ có việc đó! Người xưa nói: “Oan có đầu, nợ có chủ”. Hay người xưa cũng nói: “Ma bắt xem mặt người”. Trước khi bắt hay dọa người, Ma phải xem mặt người đó. Nhiều người ngần ngại khi làm việc tốt vì họ sợ vị vạ vây. Chúng ta chỉ cần chân thành làm là được!

Tôi từng khuyên một người rất thẳng thắn nhưng họ rất giận khi nghe lời khuyên của tôi, vì từng có một vị rất nổi tiếng nói việc làm của họ là rất tốt. Hiện tại, vị nổi tiếng đã không còn được mọi người tin tưởng, chắc người đó đang nghĩ lại lời khuyên của tôi. Ban đầu tôi cảm thấy e ngại khi đưa ra lời khuyên, vì thế lực của họ rất lớn nhưng sau đó, tôi tự chấn tĩnh mình là tôi chỉ cần nói bằng tâm chân thành là được. Người đó đã xây dựng một ngôi nhà để tưởng niệm chồng con, bên trong, họ dựng tượng chồng, con, dùng tro cốt đắp vào tượng và gửi một khoản tiền lớn vào ngân hàng để duy trì ngôi đền đó mãi mãi. Tôi nói với họ, con người không ai thoát được Sinh – Lão – Bệnh – Tử, thế gian không có gì trường tồn, họ làm như vậy là đắm chấp, lưu luyến. Chúng ta làm bằng chánh tâm, giúp người khác bằng tâm chân thành thì chúng ta mạnh mẽ mà làm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm việc tốt thì chúng ta nhất định có kết quả tốt. Hiện tại chúng ta gặp quá nhiều việc xấu thì đó là nghiệp báo trong đời quá khứ đã hiện tiền. Tôi khẳng định, không phải do bạn làm việc tốt mà bạn bị quả báo xấu!”. Chúng ta gặp quả báo xấu do nghiệp xấu trong đời quá khứ mà chúng ta đã tạo. Có người cả đời làm việc tốt nhưng quả xấu vẫn đến. Chúng ta trả quả báo xấu để nghiệp tận, tình không, trả xong những gì chúng ta đã vay mượn thì chúng ta mới có thể vãng sanh. Chúng ta phải tin vào nhân quả, nhân tốt thì nhất định được quả tốt. Chúng ta phải làm mọi việc trên nền tảng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Chúng ta làm mà việc chưa tốt thì đó là do tâm chân thành của chúng ta chưa đủ, chúng ta phải sửa lại tâm.

Hòa Thượng từng nói: “Oan gia trái chủ họ từ bi hơn chúng ta nhiều”. Họ không muốn đến lấy mạng chúng ta, nếu chúng ta thật làm thì họ mong chúng ta làm một cách dài lâu, chúng ta có thành tựu thì họ mới được nương nhờ. Chúng ta lười biếng, chểnh mảng, không nỗ lực, họ không có chỗ nương nhờ nên họ mới tìm đến chúng ta “tính sổ”. Đạo lý này rất rõ ràng! Chúng ta chân thành làm thì chắc chắn oan gia trái chủ sẽ cảm động. Chúng ta chỉ làm cho dễ coi thì oan gia trái chủ không nhẫn nại, không thể chờ được chúng ta. Chúng ta chân thật hy sinh phụng hiến thì oan gia cũng sẽ đến làm hộ pháp trợ lực để chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh tốt hơn, chúng ta làm tốt, chúng ta có công đức, phước báu thì họ sẽ được nương nhờ. Người khác làm mọi việc hanh thông, chúng ta làm mọi việc đều có chướng ngại là do chính chúng ta, chúng ta phải quán sát lại khởi tâm động niệm của mình.

Hòa Thượng nói nhiều lần: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Cảnh chưa chuyển thì chúng ta xem lại tâm chúng ta đã chuyển chưa! Hòa Thượng nói: “Tâm chúng ta chuyển thì hoàn cảnh nhất định chuyển”. Người xưa cũng nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu do tâm ta”. Tâm chúng ta chuyển tốt thì mọi cảnh duyên tự nhiên sẽ chuyển tốt. Tâm của chúng ta phải thật sự chuyển, phải thường hằng thì cảnh mới có thể chuyển tốt. Người thế gian thường sợ làm người tốt sẽ thiệt thòi nên họ không muốn làm việc tốt. Chúng ta phải mãi mãi làm những việc tốt, không làm việc xấu thì hoàn cảnh nhất định sẽ chuyển!

*******************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!