Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 11/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 112
Hòa Thượng nói rằng Ngài chỉ đi một con đường, đó là con đường của “A Di Đà Phật” và Ngài sách tấn chúng ta ủng hộ Tịnh tông để Tịnh tông ủng hộ cho Tịnh Độ và Tịnh Độ sẽ tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Ngài cũng nói Văn hóa Truyền thống có thể cứu chúng ta, có thể cứu gia đình chúng ta, có thể cứu quốc gia, có thể cứu cả thế giới. Chúng ta nghe lời dạy này của Hòa Thượng thì không nên mơ hồ.
Vừa qua, Thủ Tướng của nước ta đã làm một việc chấn động các nước lân cận khi Ngài dẫn vị CEO nổi tiếng thế giới đến đền Ngọc Sơn dâng hương và đi dạo phố để thưởng thức những món ăn ẩm thực đường phố. Đấy là văn hóa dân tộc chúng ta. Động thái này khiến các nước lân cận có ấn tượng về một vị Thủ tướng sao mà giản dị và chân thành đến thế. Sự giản dị và đơn sơ ấy lại đậm tình nghĩa, đậm bản sắc dân tộc sẽ làm cho vị CEO nổi tiếng ấy không bao giờ quên. Vị CEO này đã thiết lập nhà máy rất lớn tại Việt Nam.
Chúng ta đâu cần biểu hiện điều gì đó đặc biệt, chỉ cần là nêu bật những nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Đến thăm Ngọc Sơn dâng hương chính là tâm tri ân với các bậc tiền nhân mà các bậc tiền nhân là quá khứ vô tận, vị lai vô chung. Qua đây, chúng ta thấy rằng bao lâu nay chúng ta nỗ lực phát triển Văn hóa Truyền Thống thật không hề lãng phí song vẫn thấy hối hận vì chúng ta chưa dụng tâm mạnh mẽ hơn.
Những người tiếp nhận chuẩn mực Thánh Hiền, tiếp nhận Văn hóa Truyền thống, biết đến “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” chân thật là đã có hạnh phúc. Ngày Tết đối với họ là cơ hội gắn kết tình thân, là ngày con cái quây quần bên trưởng bối cùng dâng hương tới tổ tiên, là ngày tri ân báo ân khi con cái lễ lạy chúc tụng cha mẹ hiện tiền, anh em chúc tụng nhau, cuối cùng là sự quan tâm chăm sóc như rửa chân, bóp chân tay. Qua đó, sự liên kết trong gia đình ngày càng sâu sắc.
Chính vì vậy mà tôi đã sớm nhận ra hướng đi của Khai Minh Đức một cách rõ ràng. Tôi đã sớm đăng ký sở hữu bản quyền cho cái tên Khai Minh Đức 3-4 năm trước khi hệ thống này được thành lập vì không muốn ai đó lấy tên này để làm hoen ố chuẩn mực Thánh Hiền và đương nhiên những người làm việc trong Khai Minh Đức cũng phải đi đúng hướng như vậy chứ không thể sử dụng cái tên Khai Minh Đức một cách tùy tiện.
Trong clip được ghi hình vào những lúc cuối đời của Hòa Thượng mà gần đây chúng ta vừa phiên dịch và cho phát hành, Hòa Thượng vẫn vì chúng sanh mà tận tâm tận lực sách tấn. Ngài khẳng định hai điều, điều thứ nhất là Ngài chỉ đi một con đường của “A Di Đà Phật” và điều thứ hai là Ngài nhắc đến Văn hóa Truyền thống. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có Văn hóa Truyền thống của riêng mình.
Lời dạy của Khổng Lão Phu Tử là di sản của thế giới chứ không phải của một quốc gia, cho nên chúng ta tiếp nhận lời dạy của Ngài cũng chính là tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới và quan trọng hơn, lời dạy của Ngài đã góp phần giúp khơi dậy tinh hoa văn hóa dân tộc trong mỗi chúng ta.
Từ thực tế này cho thấy con đường chúng ta đi không hề mơ hồ, không hề xen tạp. Chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, vậy có bao nhiêu người đủ tiêu chuẩn vãng sanh? Có những người suốt ngày chỉ lo niệm Phật, không để ý đến công tác giáo dục, cuối cùng để cho thế hệ sau, con cái họ là một đống bầy nhầy. Một người niệm Phật từng gọi cho tôi nói là con cô ấy 13 tuổi đã bỏ nhà đi rồi. Một người khác thì con cái bán hết tài sản, nhà đất, cửa hàng, không còn thứ gì và cũng bỏ xứ đi luôn. Bỏ đi rồi mà vẫn làm bá chủ một phương.
Tu hành là ở trong mỗi nội tâm của chúng ta, đường đi nước bước rất rõ ràng nhưng không phải là ai cũng niệm Phật vãng sanh. Chúng ta niệm Phật đã nhiều năm, vậy niệm với trạng thái gì? Vẫn là niệm với tâm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, trạo cử, tán loạn. Đó là chưa nói đến những người lâu lâu mới niệm Phật một lần thì họ nhận được gì? Cho nên nếu như không có Văn hóa Truyền thống mang đến chuẩn mực để đối nhân xử thế, để hành động tạo tác làm sao cho phù hợp thì chúng ta chẳng ra thứ gì cả. Hòa Thượng nói khiến tôi rất cảm xúc: “Cả đời tôi chỉ đi một con đường, con đường A Di Đà Phật”.