Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 08/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 109
Tất cả pháp môn tu tập nơi nhà Phật đều là giúp hành giả chế ngự phân biệt chấp trước, do đó, phương pháp nào giúp chúng ta đối trị được những thứ này thì chính là diệu pháp, đương nhiên đó không phải là thứ pháp cao siêu hiện đại hay đòi hỏi người phải có học thức mới tu được.
Tuy nhiên, ngày nay, có người lại không chọn phương pháp tu hành giúp đối trị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà chọn pháp tu nào đó phải xứng tầm với họ, thể hiện đẳng cấp của họ. Có người từng nói rằng học Phật pháp phải vui, ngày nào nghe pháp cũng giống như hành tội nên họ không muốn nghe. Thật ra, lời giảng của Hòa Thượng nói rõ cho chúng ta biết cách phân biệt những hành động nào khiến chúng ta trở nên có trí tuệ hay hành động nào khiến chúng ta trở nên ngu si chứ không phải là lời mắng. Ngu si là điên đảo, là tà chánh bất phân, phải quấy tốt xấu đều không biết.
Người nghe Phật pháp ngày nay chỉ thích nghe tán thán bản thân cho nên Hòa Thượng thường nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Tập khí phiền não xấu ác ngày ngày vẫn đang diễn ra trong chính họ nhưng họ chỉ thích nghe tán tụng chứ không thích nghe khuyên. Nếu có ai đó nói chúng ta thật tự tại thì chúng ta tự biết chúng ta chẳng được như vậy, hữu danh vô thực. Chỉ có chúng ta mới hiểu rằng ngày ngày “danh vọng lợi dưỡng”, “tài sắc danh thực thùy”, “tham sân si mạn” vẫn đang bức bách chúng ta.
Đệ Tử Quy có câu: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”, chúng ta biết tập khí của mình đầy rẫy, khởi tâm động niệm và hành động tạo tác của chúng ta vẫn hiện ra những điều xấu ác. Kết quả của những điều xấu ác này là họa chắc chắn sẽ đến. Tuy nhiên, hiện tại do chúng ta còn phước thừa nên họa chưa đến. Vì họa chưa đến nên vẫn tồn tại những người ác, người làm sai thậm chí phá trai, phạm giới mà vẫn ngông cuồng chỉ trích người này, nói lỗi người kia. Một khi họa đến thì xoay chuyển không còn kịp.
Tại sao người khác không sợ hãi trước lỗi lầm còn chúng ta lại sợ? Vì chúng ta hiểu được nhân – quả, chúng ta biết chắc nghiệp họ tạo ra sẽ có kết quả đáng sợ. Có lẽ họ không biết nên họ không sợ. Trong định luật nhân – quả, dù sợ hay không sợ thì mọi thứ vẫn diễn ra y như vậy, vẫn vận hành theo nhân – quả. Người biết sợ thì sẽ thúc liễm thân tâm, sẽ dè dặt trong khởi tâm động niệm và hành động tạo tác. Một ngọn rau, một trái ớt họ cũng thận trọng. Người không sợ, không biết đến nhân – quả thì sẽ túng tình, sẽ thả rông, thích làm gì thì làm, thậm chí còn phá trai phạm giới, phá hoại đoàn thể, phá sự hòa hợp.
Do đó chúng ta cần phải “bạn lành nương cậy, thầy tà tránh xa”. Chúng ta đem chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền ra soi chiếu thì có thể biết rõ ai là tà chánh? ai là phải quấy? Tuy nhiên người không học, không nghe Kinh pháp thì không biết, vẫn là mơ mơ hồ hồ. Thậm chí, chỉ có một chút thần thông huyễn hoặc do yêu ma quỷ quái tạo nên mà họ không nhận ra nhưng lại ngỡ bản thân đã chứng đạo.
Tại sao chúng ta biết là yêu ma quỷ quái chứ không phải họ đã chứng đạo? Chúng ta hãy nhìn vào Tổ Ấn Quang thì sẽ thấy rõ. Ngài tu hành với đời sống thanh đạm vô cùng, học trò đến thăm, Ngài thậm chí nói rằng: “Vừa năm ngoái thăm rồi thì năm nay thăm làm gì nữa?” Ngài lo cho người học trò không đủ thời gian tấn tu đạo nghiệp, Ngài bảo học trò ở yên mà tu đạo, đi lại nhiều sẽ động tâm, phiền não nhiều. Cho nên làm gì có chuyện người đã chứng đạo mà ai rủ đi chơi đâu cũng đi.
Bản thân tôi chẳng chứng gì cả nhưng gần 20 năm nay kể từ khi tôi bắt đầu dạy lớp sơ cấp ở Tân Bình, tôi đã thẳng thắn nói rằng: “Có hai điều mà tôi không bao giờ buồn khi mọi người không nhớ đến tôi. Một là đừng mời tôi đi ăn uống và thứ hai là đừng mời tôi đi chơi, đi tham quan. Tôi không buồn đâu! Đừng mời tôi!” Sau khi tôi đọc Phật Kinh, đọc lời giảng dạy trong Phật pháp, tự nhiên tôi thấy lối sống bấy lâu nay, không phải của mình và tôi rất trăn trở. Do đó tôi lập tức chuyển ăn chay và cắt hết các mối quan hệ. Khi nghe Hòa Thượng nói rằng chúng ta phải là người đi tặng quà chứ đừng làm người chờ nhận quà, quà nhiều người ta sẽ vui, bất cứ ai nhận quà cũng vui, vì vậy tôi đi đến đâu tôi cũng tặng quà.