Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 07/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 108
Trong bài học sáng hôm qua, có người hỏi Hòa Thượng, làm thế nào để giáo dục tốt thế hệ sau, tối hôm qua, trong bài tập luyện dịch chữ Hán, Hòa Thượng cũng dạy chúng ta cách để giáo dục thế hệ sau. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng rất nhiều người đang làm một cách lơ là, qua loa. Trước đây, Hòa Thượng từng nói: “Cái gì là bảo bối? Vàng bạc cũng không phải là báo bối, con cái của chúng ta mới là bảo bối”. Con cái là của để dành, là người sẽ tiếp nối tông đường của Tổ Tiên. Ngày nay, nhiều người để người giúp việc dạy con cái. Nếu người giúp việc có tâm hạnh tốt thì sẽ ảnh hưởng tốt đến thế hệ sau của chúng ta. Nếu người giúp việc có tâm hạnh ác thì trẻ sẽ học những tính cách này vì thời gian con chúng ta ở bên cạnh người giúp việc rất nhiều.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn dạy tốt trẻ nhỏ thì người Mẹ nhất định dạy tốt con của mình, thậm chí, thời gian đầu, người Mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc con. Người Mẹ phải chọn lựa tiết mục truyền hình có tính giáo dục, có ảnh hưởng đến mặt chánh diện của trẻ nhỏ, đây mới chân thật là yêu thương con cháu!”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải chân thật có trách nhiệm, đời sống trong gia đình nên tiết kiệm, thanh khổ một chút, không nên đua đòi, cần cầu dư thừa mà xem nhẹ đi việc giáo dục thế hệ sau. Trong xã hội hiện đại, mọi người chú trọng nâng cao đời sống vật chất, xem nhẹ việc giáo dục con cái. Tổn thất này không gì có thể sánh bằng!”. Chúng ta phải hết sức quan tâm đến việc này!
Từ ngàn xưa đến nay, Tổ Sư Đại Đức, các bậc Thánh Hiền, Phật Bồ Tát đều hết sức xem trọng giáo dục. Ngày nay, giáo dục cốt lõi ngày càng bị xem nhẹ. Chúng ta xem nhẹ giáo dục thì chúng ta sẽ phải trả giá. Cách đây hơn 20 năm, tôi đã nói nếu chúng ta không chú tâm đến việc giáo dục con cái thì chúng ta hãy: “Từ từ mà hưởng “phước”!”. Tôi nói câu nói này vì tôi nhìn thấy thế hệ sau của mọi người có dấu hiệu là những đứa trẻ động loạn, bất trị. Chúng ta dùng tiền tài, vật chất dạy trẻ thì chúng ta sẽ phải mang họa. Chúng ta đã làm như thế nào thì chúng ta hưởng kết quả như vậy, chúng ta không thể than trời, oán đất. Nhiều người tu hành không tán thán thậm chí chướng ngại, phá hoại việc chúng ta làm giáo dục. Nhân quả của việc làm này không nhỏ, nhất định họ phải ở trong Địa ngục A-tỳ vô lượng kiếp.
Gần đây, tôi quay về tổ chức lớp “Kỹ Năng Sống” ở Vĩnh Long là để tri ân nơi tôi đã từng được học tập. Ban đầu, mọi người không tin là chúng ta có thể mở được lớp học, buổi học đầu tiên, mọi người đã đến chật kín hội trường, những đứa nhỏ được học tập đã thay đổi và trở thành những đứa trẻ tốt. Hòa Thượng nói: “Trẻ nhỏ dễ dạy đến như vậy mà tại sao có người nói là khó dạy!”. Chúng ta cảm thấy trẻ nhỏ khó dạy là do chúng ta không dạy, nếu chúng ta chú tâm dạy thì chúng ta sẽ cảm thấy chúng rất dễ dạy. Lớp “Kỹ Năng Sống” ở Vĩnh Long có khoảng gần 40 cháu, hiện nay, các con đều đã rất thuần. Tôi đã phải đến đó nhiều lần để thuyết phục mọi người mở lớp học, tôi đã gây dựng nền móng cho lớp học từ cách đây hơn 10 năm bằng cách là tôi thường xuyên qua lại, thăm hỏi, cúng dường mọi người. Dạy bảo các con không khó nhưng thuyết phục mọi người đồng ý mở lớp học mới khó!
Ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đã mở các trường học, mở các lớp học ở các nơi một cách tốt đẹp, đây là chúng ta xây dựng nền móng để chúng ta mở được lớp dạy kỹ năng ở Thủ Đức, quận 9. Mở các lớp học khó nhưng dạy các con không khó, các con thiên tánh rất hồn nhiên, các con mới chỉ bị ô nhiễm ở bên ngoài, sự ô nhiễm này giống như lớp sơn mỏng có thể cạo đi được. Đây chính là dạy trẻ nhỏ không khó, dạy người lớn mới khó, người lớn ngoan cố, cứng đầu! Vì sự cố chấp của người lớn mà trẻ nhỏ mất đi cơ hội học tập! Người thế gian ngoan cố là điều bình thường, thế nhưng lại có người đã nhiều năm học tập Phật pháp mà vẫn cố chấp. Khi tôi nhìn thấy những người cản trở việc phát huy văn hóa truyền thống, tôi cảm thấy như nước mắt không chảy từ khóe mắt mà chảy từ trên đầu xuống.
Chúng ta đã nhận ra việc làm của chúng ta sẽ mang lại kết quả rất tốt, những học trò được học tập trong các ngôi trường đã được sự chấp nhận của cộng đồng, xã hội. Có một học sinh trong hệ thống của chúng ta, nhờ luôn cúi đầu chào cung kính đã được một vị Chủ tịch hội đồng quản trị của một trường Quốc tế tặng học bổng toàn phần. Một người Mẹ học tập văn hóa truyền thống đã dạy con có thái độ lễ phép, cung kính với mọi người, nhờ thái độ lễ phép này mà người con cũng đã được vị chủ tịch hội đồng quản trị của trường này tặng học bổng 50%.