Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 06/12/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 107
Trong Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh, nói pháp trong suốt 49 năm, Ngài đã nói ra tất cả các Kinh pháp, trong số các Kinh pháp này chúng ta tỉ mỉ quan sát thì thấy “Kinh Hoa Nghiêm” là quan trọng nhất, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói, sau cùng tất cả Bồ Tát trên hội Hoa Nghiêm đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. “Kinh Vô Lượng Thọ” là đệ nhất Kinh của Tịnh Độ, tinh hoa của “Kinh Vô Lượng Thọ” là 48 nguyện, trong đó nguyện trung tâm là nguyện thứ 18: “Trì danh niệm Phật”. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật lấy niệm Phật làm trung tâm, Mười Phương tất cả chư Phật đều lấy niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ làm mục tiêu tu hành, cho nên công đức niệm Phật là vô cùng siêu thắng không gì sánh bằng.
Tổ Sư Đại Đức Tịnh Độ nói: “Mọi sự, mọi việc trên thế giới đều là giả, chỉ có niệm phật là thật”. Hòa Thượng Hải Hiền cũng từng nhắc đến câu nói này. Hiện tại, chúng ta niệm Phật chưa tốt nhưng chúng ta phải tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật. Trong tu hành, tuổi thọ là vô cùng quan trọng, nếu chúng ta không có tuổi thọ thì chúng ta không có đủ thời gian tu hành, không đủ thời gian để có thành tựu. Lão Hòa Thượng Hải Hiền có đến 92 năm niệm Phật, chúng ta phải biết cách điều thân, tâm để có sức khỏe, tuổi thọ. Chúng ta cần thời gian để tu hành, để hy sinh phụng hiến, tích công bồi đức. Người thế gian mong cầu tuổi thọ, sức khỏe để hưởng thụ. Hòa Thượng Tịnh Không có gần 70 năm, Hòa Thượng Hải Hiền có 92 năm để công phu, làm công quả. “Công quả” là tích công bồi đức, làm việc lợi ích chúng sanh. “Công phu” là chúng ta tu hành, hàng phục tập khí, loại bỏ tập khí, phiền não. Hằng ngày, tôi vẫn còn nhiều phiền não, vọng tưởng nhưng tôi ngày càng xiết chặt, kiểm soát chúng hơn. Chúng ta cần có thời gian để tu học, nếu chúng ta mất thì chúng ta chưa có đủ công phu, công quả. Chúng ta biết mình không còn nhiều thời gian thì chúng ta sẽ dùng nhiều thời gian hơn để điều tâm.
Ngày nhỏ, tôi niệm Phật với Bà nội, Bà tôi không học giáo lý nhưng mỗi ngày bà đều công phu hai thời, khi công phu, bà cũng thắp hương lạy Ông Bà, bái lạy tứ phương và niệm Phật. Tôi đã biết đến câu “A Di Đà Phật” hơn 40 năm, tôi niệm Phật nhiều năm nhưng tâm tôi vẫn phiền não, vọng động. Nếu tâm chúng ta vọng động, tâm chúng ta xen tạp nhiều pháp thì chúng ta không thể có thành tựu. Nếu chúng ta không đủ thời gian thì công phu chúng ta chưa có lực vậy thì chúng ta sẽ như Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Chúng ta đáng đọa lạc như thế nào sẽ phải đọa lạc như thế đó, đáng sinh tử như thế nào sẽ phải sinh tử như thế đó”.
Trong tu hành, điều quan trọng nhất là chúng ta phải: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. “Trường kỳ” là thời gian dài. Chúng ta phải tin được sâu, nguyện thiết, chỉ có một hướng Tây Phương để đi. Hiện tại, chúng ta hành chưa miên mật nhưng chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ dần dần làm được. Hiện tại, chúng ta có nhiều thứ để “miên mật” nên chúng ta chưa thể “miên mật” với câu “A Di Đà Phật”. Thí dụ, chúng ta miên mật với “ảo danh, ảo vọng”, “tài, sắc, danh, thực, thùy”.
Chúng ta phải có niềm tin xác quyết với pháp môn Tịnh Độ. Trên Kinh nói, nếu Thích Ca Mâu Ni Phật hiện ra trước mặt nói với chúng ta rằng, chúng ta không nên tu pháp môn Tịnh Độ, thì chúng ta cũng sẽ nói là chúng ta sẽ không thay đổi pháp môn. Bởi vì chúng ta biết chắc chắn vị Phật hiện ra nói với chúng ta như vậy không phải là Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật luôn khuyên chúng ta niệm “A Di Đà Phật”, cầu sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong Đại tạng Kinh, có hơn 200 bộ Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhắc đến thế giới Tịnh Độ. Chúng ta phải xây dựng niềm tin vững chắc với pháp môn Tịnh Độ. Khi chúng ta đứng trước ranh giới của sinh tử, nếu có người khuyên chúng ta niệm thứ khác chúng ta cũng không nghe theo. “Nguyện tha thiết” là chúng ta chỉ có một hướng Tây Phương Cực Lạc để đi, một lòng một dạ với thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Hiện tại, người niệm Phật có niềm tin, chí nguyện không rõ ràng nên không thể hành miên mật. Trước tiên, chúng ta phải tin sâu, trước đây tôi chưa tin sâu, sau khi dịch đĩa Hòa Thượng nhiều năm, tôi nhìn thấy bức tranh về cuộc đời Hòa Thượng, Ngài đã diễn bức tranh đó hơn 70 năm nên tôi tin Ngài. Tôi tin Hòa Thượng nên tôi tin Phật, tin pháp môn Tịnh Độ. Trước đây, Bà nội bảo tôi niệm Phật thì tôi niệm, niềm tin của tôi chưa có nền tảng mà tôi niệm Phật chỉ vì tôi có sẵn thiện căn.