17Thứ Năm, 05/12/2024, 21:30

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 05/12/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 106

Phật pháp nói chúng sanh đến thế gian này đều là “nhân sanh thù nghiệp”. Chúng sanh đến thế gian này đều là vì để báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Tất cả đều là nhân trước, quả sau. Nếu chúng ta biết rõ điều này thì chúng ta sẽ hết sức cẩn trọng trong khởi tâm động niệm. Người thế gian tùy thuận theo tập khí, phiền não, khi phải nhận quả thì họ mới sợ hãi. Người thế gian nói: “Sắp chết mới ôm chân Phật”. Khi nhân quả đến mà chúng ta mới quay đầu thì lúc đó đã không còn kịp. Chúng ta đến thế gian không phải do đại lực, đại nguyện, không phải do mong cầu của Cha Mẹ mà chúng ta đến thế gian do nghiệp lực. Chúng ta đến không phải do tự chủ, nếu đến khi chúng ta ra đi, chúng ta vẫn mơ hồ, không tự chủ thì cuộc đời này sẽ không có giá trị!

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không thể tự chủ thì cuộc đời chỉ là một mảng không”. Chúng ta đến do dẫn nghiệp, đến để thọ báo nhưng chúng ta phải chuyển đổi thân nghiệp lực thành thân nguyện lực, không để nghiệp dẫn dắt chúng ta. Chúng ta không vượt qua được tập khí, phiền não thì chúng ta giống như bèo lục bình trôi vào, trôi ra tùy thuận dòng nước trên sông.

Hòa Thượng từng nói, Ngài đã cải tạo được vận mạng của chính mình. Ngài đến Đài Loan một mình, ban đầu Ngài không có phước báu, không có sức khỏe, không có tuổi thọ nhưng Ngài đã chuyển thân nghiệp lực thành thân nguyện lực. Trong bài học hôm qua có người hỏi Hòa Thượng, ý nghĩa của việc con người đến thế gian này là gì. Nếu chúng ta chỉ lo việc ăn uống, ngủ nghỉ, mưu cầu danh lợi thì cuộc sống của chúng ta không có ý nghĩa. Ông Bà ta cũng đã nói: “Hùm chết để da, người chết để tiếng”. Chúng ta phải có sự cống hiến nhất định cho thế nhân. Những tấm gương đức hạnh của Việt Nam đã để lại cho hậu thế những di sản rất giá trị. Chúng ta nghe theo lời Phật, lời Thánh Hiền thì cuộc đời này của chúng ta sẽ rất có ý nghĩa. Chúng ta tùy thuận theo nghiệp thì chúng ta sẽ làm những việc sai trái phục vụ bản thân. Chúng ta chuyển thân nghiệp lực thành thân nguyện lực bằng cách là chúng ta làm những điều tốt đẹp phục vụ xã hội.

Hòa Thượng từng nói, nếu chúng ta tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát thì chúng ta mới có thể giải thoát; Nếu chúng ta tùy thuận tập khí, thói quen thì chúng ta sẽ đọa lạc. Chúng ta tùy theo mười điều ác là chúng ta tùy thuận nghiệp lực. Thân chúng ta sát, đạo, dâm là chúng ta đang tùy thuận theo nghiệp lực. Nếu chúng ta thân không sát, đạo, dâm; ý không tham, sân, si; Miệng không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác là chúng ta đang làm theo nguyện lực.

Hôm qua, có người nói với tôi là tôi nên trồng rau và gửi tặng khoảng 1800 cụ già đang gặp hoàn cảnh khó khăn, không có người chăm sóc. Tôi nói, tôi trồng rau để tặng tất cả mọi người, không phục vụ cho riêng ai. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, chúng ta phải chuyển đổi thân, khẩu, ý nghiệp thì những việc chúng ta làm mới chân thật lợi ích chúng sanh. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chuyển đổi thân, khẩu, ý nghiệp lực thành thân, khẩu, ý nguyện lực. Phật pháp dạy chúng ta: “Cần tu Giới – Định- Tuệ, diệt trừ Tham – Sân – Si”.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con thời khóa sớm tối sau đó hồi hướng cầu vãng sanh Tây Phương như vậy có phải là con chấp trước không?”.

Hòa Thượng nói: “Đó đúng là chấp trước nhưng chúng ta nên chấp trước việc này vì trên “Kinh A Di Đà” dạy chúng ta nên chấp trì danh hiệu. Đối với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian chúng ta đều không thể chấp trước nhưng đối với Tây Phương Tịnh Độ của A Di Đà Phật thì chúng ta nên chấp trước, chấp trước mới có thể vãng sanh. Chúng ta chấp trước vãng sanh thì chúng ta chỉ có thể sinh phàm thánh đồng cư độ. Nếu chúng ta có thể trừ bỏ chấp trước thì phẩm vị vãng sanh của chúng ta sẽ được nâng lên cao. Hiện tại, căn tánh của chúng sanh mà trừ bỏ đi sự chấp trước này thì không được!”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn độ vãng sanh, Phàm Thánh Đồng Cư Độ là thấp nhất. Chúng ta không thể trừ bỏ ý niệm vãng sanh, nếu chúng ta không có chấp trước này thì chúng ta không thể vãng sanh, chúng ta phải luôn gắn chặt trong lòng rằng chúng ta chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc để trở về. Hiện tại chúng ta không thể không chấp trước việc này.