Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 04/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 105
Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta rằng mình là người học Phật thì phải xem xét giáo lý, giáo nghĩa, giáo điều của nhà Phật có hay không? Người học Nho giáo hay Thiên Chúa Giáo cũng đều phải như vậy. Hòa Thượng dạy chúng ta rằng khi chúng ta học Phật thì chúng ta phải làm theo lời Phật dạy thì mới đúng là đệ tử Phật, chúng ta học Nho thì phải làm theo lời răn dạy của Khổng Lão Phu Tử, chúng ta học đạo Chúa thì làm theo lời răn của Chúa.
Ngày nay, có tôn giáo mượn nhờ nhưng cắt chương đoạn ngữ giáo lý của nhà Phật, nhà Nho, nhà Đạo, Thiên Chúa Giáo, mỗi nơi một chút. Như vậy đây không phải là chánh giáo! Những nhóm tôn giáo kiểu này lại tin theo một người nào đó tự tôn là giáo chủ. Như vậy là sai rồi!
Các vị giáo chủ ở các đạo chính thống không bảo chúng ta học theo các Ngài. Thích Ca Mâu Ni Phật khẳng định Ngài chỉ trùng tuyên lại những gì bảy đời chư Phật đã nói, Khổng Lão Phu Tử cũng khẳng định Ngài chỉ thuật lại chứ không sáng tác những lời người xưa dạy. Lời người xưa dạy đã trở thành chân lý, được minh chứng qua thời gian và không gian. Đây là chỗ chúng ta phải đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, người ngày nay, không có điểm tựa để nhận ra nên dễ bị lừa.
Bài học hôm qua có câu hỏi đề cập đến Nhất Quán Đạo, một nhóm tự thành lập hợp nhất trên năm đạo gồm Phật giáo, Nho giáo, Kito giáo, Đạo giáo và Is-lam giáo. Nhóm này tự cho mình là chánh đạo, là sáng lập ra đa nguyên văn hóa. Tuy rằng họ nói là hợp nhất từ năm đạo chính thống nhưng họ không qua lại với năm đạo và không được năm đạo công nhận. Những người thiếu hiểu biết, không học Phật pháp nên mới bị lừa mà tin vào những nhóm kiểu này. Mặt khác, những nhóm này ban đầu sẽ khuyến khích chúng ta làm từ thiện, sau đó ban cho chúng ta một chút ân huệ nhưng ân huệ này cũng là của người khác mà họ vận động chứ bản thân họ lại chẳng bỏ ra đến một đồng. Điều này cũng giống như lời Hòa Thượng từng nói rằng có người bảo người khác bố thí nhưng bản thân lại không bố thí mà tiền vào túi họ càng nhiều càng tốt.
Cho nên chúng ta là người học Phật thì phải triệt để làm theo lời Phật dạy. Hòa Thượng từng nói rằng Ngài đọc Thánh Kinh thì Ngài là học trò của Chúa, Ngài đọc Kinh Cô-ran thì Ngài là học trò của Thánh A La. Ngài đem tâm cung kính, không có phân biệt để tiếp nhận giáo lý. Trong Mười Hạnh Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát có “Nhất giả lễ kính chư Phật” – Một là kính lễ chư Phật. Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật, sẽ thành Phật và tự tánh của chúng sanh vốn dĩ thuần tịnh, thuần thiện nên cần phải cung kính chúng sanh như Phật. Hiện tại chúng sanh chưa là Phật nhưng tương lai sẽ là Phật. “Nhị giả xưng tán Như Lai” – Hai là xưng tán Như Lai. Tất cả chúng sanh hành đúng lý, đúng pháp thì chúng ta mới gần gũi, mới học tập còn người không đúng lý đúng pháp thì không gần gũi, không học tập nhưng vẫn kính trọng, không chê bai.
Nhà Phật có giới luật rất nghiêm túc dành cho hàng tại gia và dành cho hàng xuất gia. Chúng ta thường được Hòa Thượng chỉ dạy là Kinh Anh Lạc dạy Bồ Tát giới tại gia rất nhiều điều, trong đó có nhắc đến chúng ta không được trốn thuế, không được vi phạm pháp luật. Do đó, chúng ta sử dụng phương tiện giao thông mà không đội mũ bảo hiểm hay lái xe quá tốc độ là đã phạm giới. Giới điều của Bồ Tát giới dành cho người xuất gia là không được làm giặc quốc gia và không được nói xấu lãnh đạo.
Nếu chúng ta là người chân chính học Phật thì dù ở quốc gia nào chúng ta cũng đều được hoan nghênh cho nên Hòa Thượng đi đến đâu cũng được người ta phong tặng là công dân danh dự, các trường đại học còn tặng cho Ngài danh hiệu tiến sỹ danh dự. Nhà Phật có phương pháp đạo lý rõ ràng tường tận, còn nhóm tự thành lập đạo riêng rồi lấy một chút đạo lý ở đạo này, một chút đạo khác là quá sai rồi. Một người quân tử cũng sẽ không làm như vậy vì người quân tử được dạy là “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ.” Đồ của người khác mà mình lén lấy làm đồ của mình thì không đáng mặt quân tử. Hòa Thượng thường nói quân tử còn không đáng mặt, ở đâu mà làm được Phật Bồ Tát.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Tín đồ Phật giáo đốt giấy tiền vàng bạc cho người thân đã chết thì người chết có nhận được không, có cần thiết phải đốt giấy tiền vàng bạc không? Nếu chúng ta đốt giấy tiền vàng bạc mà người thân ở địa ngục hay ở đường súc sanh thì làm sao có thể nhận được?”