Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 02/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 103
Người học tập Phật pháp phải thể hội giáo lý nhà Phật từ trong nội tâm và phải biết thực tiễn những lời dạy của Phật vào trong đời sống. Học tập Phật pháp mà thể hội ở bề ngoài thì đó chỉ là vọng tưởng, tham cầu nên chắc chắn sẽ không bền lâu. Chúng ta đến với Phật pháp vì cảm tình và khi hết cảm tình thì chúng ta sẽ ra đi. Nếu chúng ta đến với Phật pháp từ nội tâm thể hội sâu sắc thì cho dù thân mạng có mất, chúng ta cũng không bỏ Phật pháp.
Phật pháp là chân lý, không bao giờ có tác dụng phụ, không bao giờ dạy chúng ta làm điều sai trái. Nếu chúng ta là người học Phật chân chánh thì cho dù chúng ta ở quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ xem trọng chúng ta, công nhận chúng ta là công dân danh dự, thậm chí trên phạm vi toàn cầu. Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ rằng đệ tử của Phật A Di Đà được 10 phương tất cả chư Phật đều hoan nghênh. Cư dân của thế giới Tây Phương Cực Lạc là cư dân ở tận hư không khắp pháp giới. Nếu chúng ta ở thế giới Ta Bà mà học Phật đúng như lý như pháp thì chúng ta là công dân toàn cầu.
Việc tu hành ở nơi nhà Phật, phải được thể hội bằng sự tu hành chân thật của mỗi người. Tôi đã dành hơn 30.000 giờ để phiên dịch đĩa giảng của Hòa Thượng và học tập hơn 2000 giờ không trễ một phút nào lời dạy của Ngài. Tuy là tôi thật sự cũng đã trải qua mấy chục năm rồi nhưng vẫn chỉ là “tinh tướng” chứ chưa “tinh tấn”. Cho nên, “thật làm” là việc không dễ, rất cần có thời gian mới chứng minh cho mọi người thấy.
Có người mới nổi một chút thì đã chẳng xem ai ra gì, cao ngạo, phạm thượng hoặc có người từng nói rằng Hòa Thượng Tịnh Không chỉ có pháp giải, không có pháp hành. Hiện tại, cũng có nhóm người đang công phu thời khóa nhưng liệu họ sẽ kéo dài trong bao lâu nếu tu hành không có pháp hỷ. Nếu không có pháp hỷ thì mỗi thời tu hành đều trở nên khốn khổ. Cái thân, tâm này cứ luôn mặc cả với chúng ta, thế mới biết rằng chúng ta không thể xem thường tập khí.
Hiện tại có rất nhiều giáo phái tà tri, tà kiến xuất hiện nhằm thỏa mãn tham cầu, dục vọng của mỗi chúng sanh. Từng có một hiện tượng xảy ra là có nhóm cho rằng chỉ cần bảy ngày tu là đạt được nhất tâm bất loạn và nhiều nhất là hai tuần, ba tuần thì đạt bất niệm tự niệm. Rất nhiều người chạy theo, cuối cùng chẳng ai ra thứ gì. Tu hành thì chí ít chính mình phải lợi lạc và người xung quanh mình phải cảm nhận được sự lợi lạc đó.
Y báo tùy theo chánh báo chuyển, y báo là hoàn cảnh xung quanh và chánh báo là chính mình. Chính mình tốt thì hoàn cảnh sẽ tốt. Chính mình siêng năng cần mẫn thì hoàn cảnh xung quanh mình, kể như cây cối cũng sẽ tươi tốt. Tôi đi công tác nửa tháng thì có mấy câu su su sắp chết và khi tôi trở về, ngày nào cũng tưới nước thì cây ra trái rất tốt. Khu vườn nhà tôi, kể cả sân bê tông đều kín mít các cây bắp cải, xu hào, các loại cây đậu que, đầu ngự v..v… Chúng đều đang trải lá vươn mình.
Để có được như vậy, con người sống trong hoàn cảnh đó chắc chắn không thể lười biếng mà phải siêng năng cần mẫn. Hiện khu nhà này chưa có nước máy nên việc có nước cũng là một vấn đề, có nước rồi thì ngày ngày đều đặn tưới hai lần. Tu hành cũng vậy! Ngày ngày chúng ta có tưới cho nội tâm của mình không? Chúng ta có làm cho nội tâm mình thanh tịnh, tươi mát hay không? Nếu tu hành mà 7 ngày tinh tấn, 3 ngày chểnh mảng thì 7 ngày tinh tấn coi như mất hay 3 tháng tinh tấn nhưng có 3 tuần chểnh mảng thì 3 tháng tinh tấn kia xem như không còn gì hay thậm chí 3 năm tinh tấn nhưng có vài ngày “tinh tướng” chểnh mảng thì 3 năm tinh tấn cũng chỉ là không.
Tu hành là để đối trị với tập khí phiền não của chính mình cho nên nếu chúng ta không tinh tấn mà “tinh tướng” hay nói cách khác là để tập khí tiếp tục dấy khởi trong vài ngày hay vài tuần thì công trình tu hành dù là 3 năm hay 30 năm vẫn là thất bại, vẫn phải làm lại từ đầu. Tổ sư Đại đức trong nhà Phật thường ví tu hành như kéo lửa. Chúng ta kéo một lúc tạo ra ma sát khiến đám bùi nhùi cỏ khô nóng lên và sắp tạo ra lửa thì mệt quá nên nghỉ một chút, cứ vậy, sắp tạo ra lửa thì lại nghỉ, do đó, lại phải kéo lại từ đầu.
Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng “Tài Sắc Danh Thực Thùy là địa ngục ngũ điều căn” tức là dính vào một thứ nào trong số những tập khí phiền não này sẽ khai một đại lộ đi thẳng vào địa ngục. Ban đầu nghe điều này, tôi không phục nhưng sau khi trải qua năm tháng “lên bờ xuống ruộng” và khi tuổi đời càng cao thì tôi càng cảm nhận được sự cảnh báo này là thiết thực.