28Thứ Hai, 02/12/2024, 20:58

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 01/12/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 102

Thời kỳ Mạt pháp, chúng sanh rất cần những tấm gương cho nên những người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền cần làm ra được việc này để mọi người có thể soi chiếu. Trong nhiều năm giảng dạy Phật pháp, Hòa Thượng tích cực khuyên bảo mọi người phải tu bắt đầu từ tâm “chân thành, thanh tịnh, từ bi”. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng mỗi hành động tạo tác đều là đang giảng pháp, đều là đang biểu pháp. Khi chúng ta nói thì phải nói lời Phật pháp hoặc chuẩn mực Thánh Hiền, không nói những lời thị phi nhân ngã.

Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều người thích nghe những câu nói thị phi nhân ngã. Họ có thể ngồi rất đông để nghe một câu chuyện không có đạo lý nhưng vui vẻ để cùng cười với nhau. Do đó Hòa Thượng từng khẳng định rằng chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên. Tình hình Phật pháp trong tương lai thật đáng lo ngại! Trình độ nhận thức của người học Phật quá cạn cợt, chỉ đơn giản ở chỗ tin Phật, niệm Phật để được phước hay niệm Phật thì chắc chắn vãng sanh nhưng khi dụng công niệm Phật lại niệm trong vọng tưởng, niệm ở tham cầu.

Trước thực trạng này, Hòa Thượng thường nhắc nhở rằng giáo dục cần phải quay về đúng với bản chất của nó. Đã là giáo dục chuẩn mực Thánh Hiền thì phải giáo dục cho tới, cho ra chuẩn mực Thánh Hiền chứ không phải ở trên bề ngoài là cho học trò mặc đồ lễ phục cổ giống như đệ tử của Thánh Hiền xưa hay ra giá một khóa học là bao nhiêu tiền. Đó chỉ là giả chứ không thật chất!

Thế mà ngày nay có rất nhiều người tin theo hình thức này bởi họ có quá nhiều tiền và họ quan niệm rằng càng đóng nhiều tiền thì càng có danh phận. Phụ huynh ngày nay mắc một tâm bệnh là xúm nhau, chen lấn vào những trường thu tiền đóng học phí cao bởi ngôi trường đó mới có đẳng cấp. Thậm chí ở Hà Nội có bán bát phở 800 ngàn nhưng không phải người sang cả đến đó ăn mà là người không có tiền. Họ đến ăn đơn giản chỉ vì muốn chứng minh đẳng cấp của mình. Đấy là tâm bệnh của chúng sanh ngày nay.

Ngày xưa tôi có quen một người mà con của cô đã bỏ ra vài chục tỷ chỉ để trang trí mặt bằng thuê. Những người đến đó cũng để chứng minh đẳng cấp xã hội của họ. Một chai rượu trong một bữa tiệc từng tổ chức ở đây có giá 200 triệu đồng. Chai rượu được đưa đến bằng xe 16 chỗ với 4 nhân viên đi theo áp tải, đưa vào và đứng hầu rót. Riêng tiền rượu đã 200 triệu đồng thì thức ăn và mọi thứ khác sẽ là bao nhiêu tiền? Tính sơ sơ số tiền cũng tương đương 20 tấn gạo mà nhiều người đói kém đang rất cần ở thời điểm đó.

Chỉ trong thời gian ngắn thì siêu nhà hàng này bị phá sản, không ai có thể đến đó để chứng minh mình là siêu đẳng cấp nên nhà hàng không đủ tiền trả chi phí mặt bằng và tiền lương nhân viên. Chỉ riêng chi phí mà nhà hàng này phải trả tiền thuê nhà tại ở Quận 1-Thành phố Hồ Chí Minh cho người đầu bếp trưởng đã dao động từ 1800-2000 đôla Mỹ. Đấy chính là “ảo danh ảo vọng”.

Nếu chúng ta không quán sát thì cũng ảo tương tự như vậy. Nhà Phật có câu “tu mà không học thì tu mù luyện quáng” nên nếu chúng ta mơ mơ hồ hồ mà tu thì cũng sẽ dạy ra nguyên một nhóm cũng mơ mơ hồ hồ và chắc chắn cùng dắt tay nhau về thế giới mơ mơ hồ hồ. Ngược lại, học mà không tu, không làm thì chỉ nói thao thao bất tuyệt cho người khác làm, chỉ là cái đãy đựng sách.

Cho nên, thật là may mắn khi chúng ta gặp được Hòa Thượng. Ngài đã làm biểu pháp cho chúng ta trong suốt 70 năm trường, biểu pháp đến tận lúc vãng sanh. Cuộc đời của Hòa Thượng “đẹp không tỳ vết”. Làm được giống như Ngài thật không khó như mọi người nghĩ! Tự tánh của chúng ta vốn là thuần tịnh thuần thiện như Ngài Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Bổn lai vô nhất vật hà sứ nhá trần ai” - vốn dĩ không có một vật thì làm gì có dính bụi trần hay Khổng Lão Phu Tử nói: “Nhân chi sơ tánh bản thiện, tánh tương cận tập tương viễn” - tự tánh vốn dĩ thuần tịnh thuần thiện còn tập tánh là do huân tập. Cho nên, chúng ta cứ quay về với tự tánh thì cũng sẽ “đẹp không tỳ vết”.

Cuộc đời của chúng ta rất là may mắn bởi có hai tấm gương biểu pháp rất lớn. Một là Hòa Thượng Tịnh Không gương sáng về tu hành giảng pháp, một đời hoàn thiện chính mình để hoàn thiện chúng sanh. Hai là Hòa Thượng Hải Hiền, một đời không giảng Kinh thuyết pháp nhưng lao động tích cực làm ra nhiều lương thực ngũ cốc để cúng dường cho mọi người. Ngài trải qua 92 năm niệm Phật, khi 112 tuổi, Ngài vẫn leo lên cây hái trái hồng cho Phật tử và những người đến thăm.