28Thứ Hai, 02/12/2024, 20:58

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 30/11/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 101

Trong bài khai thị sau cùng của Hòa Thượng mà gần đây chúng ta dịch, Hòa Thượng nói một câu mà chúng ta cần ghi nhớ và dùng làm phương châm tu học. Hòa Thượng nói: “Không phải chúng ta giảng Phật pháp mới là chúng ta nói pháp, chúng ta nói chuyện cũng là chúng ta diễn giải Phật pháp, chúng ta không nói chuyện, chúng ta im lặng, chúng ta làm việc thì cũng là chúng ta đang diễn Phật pháp”.

Tôi thường nhắc, nếu chúng ta có dịp có mặt ở các buổi tiệc, chúng ta phải là người dẫn đầu câu chuyện. Chúng ta không nói chuyện thời sự quốc tế, không nói những chuyện lớn lao của quốc gia mà chúng ta nói về việc làm thế nào dạy con tốt, làm thế nào để có một gia đình hạnh phúc, làm thế nào để giúp ích cho cộng đồng, cho những người xung quanh.

Khi tôi có dịp về quê, tôi vẫn ngồi vào bữa tiệc như mọi người, tôi có thể nhấp môi hay uống một ly rượu nhỏ với mọi người để tôi có thể nói chuyện với họ. Ban đầu họ ngồi nghe tôi nói, sau đó, có một số người say, có một số người đi nơi khác, có hôm có người nói: “Như Thầy Hai lại là sướng!”. Họ gọi tôi là Thầy Hai. Họ ngồi uống rượu, hò hét nhưng họ không hề cảm thấy vui sướng. Hôm trước, tôi ngồi cùng một số người, tôi uống một ly cùng mọi người, sau đó họ mời tôi uống thêm ly thứ hai nhưng tôi nhất định từ chối. Nếu tôi uống thêm ly thứ hai, ly thứ ba thì chắc chắn tôi sẽ bị mọi người kéo vào buổi nhậu của họ.

Lời khai thị của Hòa Thượng rất thiết thực, giá trị đối với chúng ta. Hòa Thượng nhắc, khi chúng ta nói chuyện cũng là chúng ta giảng Kinh, thuyết pháp, diễn giải giáo huấn của Phật, giáo huấn của Thánh Hiền; Khi chúng ta không nói chuyện, chúng ta im lặng làm việc, cũng là chúng ta giảng Kinh, thuyết pháp.

Trước đây, khi tôi nghe một vị phiên dịch nổi tiếng nói rằng tôi dịch sai, họ nói không có bộ Kinh nào tên là “Kinh Đại Tập”. Tôi luôn thầm trách mình vì sai sót này, tôi đã áy náy trong nhiều năm. Nếu chúng ta có sai phạm thì chúng ta phải hết sức phản tỉnh, chúng ta không thể tùy tiện. Chúng ta nói chưa đúng, hiểu chưa tới mà chúng ta nói ra thì nhân quả đó rất khôn lường. Hôm qua, tôi có ý định xin lỗi đại chúng nhưng trong bài, tôi đọc thấy Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật trong “Kinh Đại Tập” tán thán pháp môn niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền”. Ngày trước, khi làm công tác phiên dịch, nếu tôi phát hiện mình dịch sai một chữ thì cho dù bài dịch đã đưa lên mạng, tôi cũng sẽ gỡ xuống để sửa lại. Khi đó, việc tải bài xuống và đưa lại bài dịch lên trên mạng mất rất nhiều giờ đồng hồ.

Nhiều học trò đã đi theo tôi nhiều năm nhưng sau đó bỏ đi, tôi không xem họ là học trò mà tôi xem họ là đồng tu, cùng niệm Phật, họ nhắc nhở tôi tinh tấn tu học. Hai mươi năm trước, những người đó đã xuất hiện để giúp tôi, họ giống như những vị Bồ Tát, hiện tại, tôi cũng không biết họ đã đi đâu. Mười năm gần đây tôi chưa từng phải nhờ sự giúp đỡ của người nào, tôi luôn giữ tâm vì người khác mà lo nghĩ, không vì mình. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có những đồng tu tinh tấn thì chúng ta sẽ không thể giải đãi”.

Chúng ta mới biên dịch xong một đoạn khai thị ngắn mà Hòa Thượng nói trước khi Ngài vãng sanh, tôi đã để video này vào góc phải trên trang “Tinhkhongphapngu.net”, mọi người nên nghe qua đoạn khai thị này vài chục lần. Đoạn khai thị sẽ giúp chúng ta tăng tín tâm đối với pháp môn Tịnh Độ, đối với việc hoằng truyền văn hóa truyền thống. Hòa Thượng nói: “Mỗi người đều có gốc văn hóa truyền thống, chúng ta phải quay về để phát huy văn hóa truyền thống của chính mình”.

Hôm qua, tôi làm câu đối Tết, trong đó có nói, văn hóa truyền thống chính là “gia tổ nghiệp”. “Gia” là quốc gia, gia đình. “Tổ” là cửu huyền thất tổ, là tổ tiên nhiều đời của chính mình. Chúng ta phải kế thừa gia nghiệp của tổ tông, kế thừa sự nghiệp của quốc gia, dân tộc. Lời dạy của Hòa Thượng ngắn nhưng rất tâm huyết, cả cuộc đời của Ngài chỉ làm việc vì mọi người, vì quốc gia, vì dân tộc. Người xưa nói: “Lời trăn trối nhất định là lời chân thật”.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, Ngài giải thích như thế nào về hiện tượng nhân cơ bản, nó có mâu thuẫn đối với nhân quả, luân hồi hay không?”.