Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 29/11/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 100
Chư Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức đều mong muốn chúng ta chân thật giải thoát. Các Ngài không bao giờ muốn chúng ta hưởng phước ở một cõi nào đó sau đó lại phải trầm luân trong vòng luân hồi sinh tử. Đây cũng là tổng cương lĩnh của nhà Phật, chúng ta phải đặc biết chú ý điều này. Tà Ma ngoại đạo luôn đưa ra những cám dỗ để mê hoặc chúng ta. Thí dụ, họ nói nếu chúng ta tu theo họ thì chúng ta sẽ không bị bệnh, không bị già. Rất nhiều người thích tu những pháp này vì khi họ tu những pháp này, họ vẫn có thể thỏa mãn “tài, sắc, danh, thực, thùy”.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Có người cho rằng tu hành không cần phải xả bỏ tham, sân, si, hay thậm chí có người nói: “Tham là động lực cho xã hội phát triển”. Hôm qua, chúng ta học “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Hòa Thượng nói, chỉ có khoảng 300 người đến cư sĩ Lâm, trong số những người học Phật, chỉ có khoảng 4/5 người được tiếp nhận Phật pháp thuần chánh; trong số những người được tiếp nhận Phật pháp thuần chánh, những người có thể thực tiễn Phật pháp trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thì càng ít hơn. Ngày nay, người chân thật tu hành rất ít!
Chúng ta tu hành, mục tiêu sau cùng của chúng ta là gì? Công phu của chúng ta đã khắc chế được phiền não chưa? Điều quan trọng nhất là chúng ta phải đạt được quả vị Phật, nếu chúng ta chỉ chứng được Tứ Thánh quả, là Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A – La – Hán, hay chứng quả Thanh Văn, Duyên Giác thì vẫn là chưa đủ. Chúng ta tu hành, chúng ta cũng không cần cầu có cơm ăn, áo ấm. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa cơm, một giọt nước đều do tiền định. “Tiền định” là do phước báu trong mạng chúng ta đã định, chúng ta không cần phải cầu xin ai. Chúng ta cầu xin Phật Bồ Tát thì các Ngài cũng không thể ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần tích cực làm theo lời Phật dạy, các Ngài dạy chúng ta bố thí thì chúng ta tích cực bố thí, chúng ta bố thí tiền tài thì chúng ta có tiền tài; bố thí năng lực, bố thí thông minh, trí tuệ thì chúng ta được thông minh, trí tuệ; bố thí sự an lành cho người thì chúng ta nhất định khỏe mạnh, sống lâu.
Đã từ rất lâu, tôi không bao giờ khởi lên ý niệm cầu xin Phật Bồ Tát, Tổ Tiên, tôi chỉ nỗ lực làm những việc thiện lành. Tất cả những gì chúng ta đang nhận đều là “tiền nhân hậu quả”. Chúng ta tạo nhân tốt thì chúng ta nhận quả tốt, chúng ta tạo nhân xấu thì chúng ta phải nhận quả báo xấu. Tôi tích cực làm những việc có thể chăm lo cho mọi người.
Hiện tại đã gần đến Tết, mọi người nhắc tôi làm câu đối, sáng nay khi lạy Phật, tôi vẫn vọng tưởng, tôi nghĩ ra câu đối gồm có hai câu, câu thứ nhất là: “Mừng đất nước phồn vinh, mừng xuân hiếu hạnh”. Ông Bà, Cha Mẹ chúng ta phải sống trong chiến tranh, khổ đau, chúng ta được sống trong thời kỳ đất nước phồn vinh. Câu thứ hai là: “Người người trung hiếu kế thừa gia tổ nghiệp”. Chúng ta trung với quốc gia, hiếu với Ông Bà, Cha Mẹ, kế thừa gia tổ nghiệp. “Gia” là gia đình, quốc gia. Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đang có chiến tranh, chúng ta may mắn được đón một mùa xuân phồn thịnh. Tôi tâm đắc nhất với câu đối mà tôi đã nghĩ ra cách đây mấy năm, đó là: “Người xưa gương sáng trang sử Việt, khai minh đức sáng mãi nối truyền”.
Khi nhỏ, tôi thường chỉ được nghe “Xuân Di Lặc”, “Xuân Hoan Hỷ”, vào dịp Tết mọi người luôn cầu sự hoan hỷ, tiền tài cho bản thân, đây là tâm tham vọng. Chúng ta không dạy trẻ nhỏ trung, hiếu thì trong tâm chúng sẽ không có trung, hiếu. Chúng ta muốn tương lai đất nước luôn tươi đẹp thì chúng ta phải dạy trẻ nhỏ trung hiếu. Người thế gian chỉ quan tâm đến cuộc sống hiện tại được no ấm, vui vẻ, chúng ta vui với hiện tại nhưng chúng ta không quên lập định cho tương lai. Hiện tại, trong xã hội, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, do vậy con cái thiếu sự dạy dỗ của Cha Mẹ. Hòa Thượng nói: “Mỗi gia đình như một tế bào trên thân thể, nếu một tế bào bị ung thư thì sẽ di căn đến cả cơ thể”. Chúng ta phải kiện toàn tất cả các tế bào, các cơ quan trên thân thể.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, làm thế nào để được thiền định? Ở Phật đường niệm Phật có đạt được thiền định hay không?”.
Người hỏi Hòa Thượng câu này có rất nhiều vọng tưởng. Ngày trước, người thợ vá nồi không hỏi Hòa Thượng Đế Nhàn là: “Thầy ơi, niệm Phật có đạt được thiền định hay không?”. Khi đó, Hòa Thượng Đế Nhàn chỉ nói với người thợ vá nồi: “Ông lớn tuổi rồi, không thể làm việc cùng đại chúng, ông nên về ngôi chùa nhỏ để niệm Phật, niệm Phật mệt thì đi nghỉ, nghỉ khỏe thì mau mau niệm Phật”. Ông thợ vá nồi nghe theo lời Hòa Thượng Đế Nhàn, lão thật niệm Phật, sau 3 năm, ông đứng vãng sanh. Công phu này của người thợ vá nồi, nếu xem ở góc độ thiền là vô thượng thâm diệu thiền, nếu xét ở góc độ định là đại định.
Hòa Thượng nói: “Trước tiên, chúng ta phải hiểu được thiền định là gì? Đại sư Huệ Năng, lục tổ của Thiền Tông trong “Đàn Kinh” giải thích: “Thiền là ngoài không dính tướng, định là trong không động tâm”. Cũng có thể gọi là tọa thiền, tọa chính là định”. Đại sư Huệ Năng là từ nơi “Kim Cang Bát Nhã” mà có thể ngộ nhập, cho nên Ngài nói ra từ “Kinh Kim Cang”. Trong “Kinh Kim Cang”, sau cùng, Thế Tôn dạy tôn giả Tu Bồ Đề, phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện hoằng pháp lợi sinh, đó chính là: “Bất thủ y tướng như như bất động”.
“Ngoài không dính tướng” là chúng ta không thấy người dễ thương, người dễ ghét, không chấp trước vào vật, việc. Đây không phải là chúng ta không biết gì, chúng ta giống như gỗ đá mà chúng ta biết rõ tường tận nhưng chúng ta không dính mắc. “Tôn giả Tu Bồ Đề” là một đệ tử trong số mười đại đệ tử của Phật. “Thủ” là lấy.“Bất thủ y tướng” là không dính mắc ở nơi tướng. Chúng ta đối với tất cả sự vật, hiện tượng phải như như bất động vậy thì việc hoằng pháp lợi sinh của chúng ta mới không bị chướng ngại. Hằng ngày, chúng ta làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải “như như bất động”, chúng ta làm mọi việc một cách rõ ràng, tốt đẹp nhưng chúng ta không thấy mình là người làm, không dính mắc, vướng bận trong tâm. Hiện tại, chúng ta làm mọi sự, mọi việc đều không có chướng ngại, đủ duyên thì chúng ta làm. Phật dạy chúng ta rất cẩn thận, Tổ Sư Đại Đức nhiều đời đã thực chứng lời Phật dạy cho chúng ta. Đây là các Ngài “chứng chuyển”. Hòa Thượng Tịnh Không dùng cách nói: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Đây cũng chính là dùng lời của người hiện đại để diễn đạt câu: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Chúng ta nỗ lực làm việc lợi ích chúng sanh, không phan duyên, cưỡng cầu, không vì công đức mà làm.
Hòa Thượng nói: “Bất thủ ư tướng” chính là ngoài không dính tướng. “Như như bất động” chính là trong không động tâm. Hai câu nói này nếu dùng lời hiện đại mà nói thì là: “Nội bất khởi thị phi, nhân ngã, tri kiến. Bất sinh tham, sân, si, mạn nghi chi tưởng”, đây mới gọi là định. Bên ngoài không bị mê hoặc bởi “năm dục sáu trần”, đây mới gọi là thiền”.
“Nội bất khởi thị phi, nhân ngã, tri kiến; Bất sinh tham, sân, si, mạn nghi chi tưởng” là bên trong không thấy phải trái, tốt xấu, ta người; Không khởi tham, sân, si, mạn, nghi. Người ngày nay nghĩ rằng tu thiền là ngồi yên một chỗ đây là họ không hiểu được thiền định nghĩa là gì. Chúng ta ngoài thì dính mắc tất cả mọi sự, mọi việc, trong thì khởi tâm động niệm.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta hiểu được ý nghĩa chân thật của thiền định thì mới hiểu được tám vạn pháp môn ở nhà Phật đều là tu thiền. Tổng cương lĩnh tu hành của Phật pháp là Giới – Định – Huệ, tam học. Nhân giới được định. Nhân định được huệ. Thiền định là thuộc về định học. Đây là hạt nhân, cương lĩnh tu hành của nhà Phật”.
Chúng ta niệm Phật, tụng Kinh là để tâm được định. Chúng ta vừa tụng Kinh vừa mong cầu hiểu nghĩa lý, mong cầu có phước thì chúng ta đã sai. Tất cả pháp môn trong nhà Phật đều là để chúng ta đạt đến thiền định. Nếu tập khí, thói quen của chúng ta dần tan nhạt; các tập khí “Tự tư tự lợi”, “Danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn” vẫn còn nhưng không khởi tác dụng, đây là chúng ta đạt được thiền định.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta cho rằng chúng ta ngồi xếp bằng là thiền định sao? Chúng ta ngồi đó không vọng tưởng thì cũng ngủ gục”. Trước đây, khi tôi đi dạy ở một nơi mọi người thường ngồi thiền định, tôi quan sát, trong số hơn 20 người ngồi thiền, chỉ có Sư bà ngồi giống như tượng, không dao động, những người còn lại, người thì vừa ngủ vừa ngáy, người thì ngủ gục xuống sàn. Sư bà đã 87 tuổi, Sư bà vẫn thức dậy từ 2 giờ sáng để học bài, đến 3h30 thì Sư bà lên thiền đường, Sư bà luôn giơ tay trả bài một cách cung kính. Khi Sư bà nói chuyện với tôi, Sư bà đều xưng “con”, tôi cảm thấy rất ái ngại nhưng Sư bà nói Sư bà đã quen xưng như vậy. Trong lớp học, Sư bà xưng em và gọi tôi là Thầy, Sư bà giơ tay và nói: “Em xin trả bài!”. Sư bà rất tinh tấn.
Chúng ta hiểu được như thế nào là “thiền định” thì chúng ta mới có thể làm được thấu đáo. Chúng ta ngồi một chỗ không phải là chúng ta thiền định. Có người cho rằng khởi niệm Phật là khởi vọng tưởng. Hòa Thượng nói: “Ban đầu, chúng ta khởi niệm Phật đây là khởi vọng nhưng chúng ta dùng vọng niệm này để khắc chế tất cả những vọng niệm khác”. Khởi niệm Phật là khởi vọng nhưng vọng này sẽ khắc chế tất cả những vọng khác. Chúng ta niệm Phật đạt đến công phu thành khối, bất niệm tự niệm thì khi đó chúng ta không phải là khởi vọng nữa. Cảnh giới này rất cao. Hiện tại, chúng ta chỉ cần khởi câu Phật hiệu để hàng phục những niệm khác. Từ sáng đến chiều, tôi thường không nhớ niệm Phật, thậm chí trước khi đi ngủ tôi cũng quên niệm Phật, khi nào nhớ đến câu Phật hiệu thì tôi niệm bù. Thí dụ, buổi sáng khi thức dậy, nếu tôi nhớ là tối hôm qua tôi chưa niệm thì tôi sẽ niệm liên tiếp 30 câu Phật hiệu.
Tôi đã hơn 20 năm nghe pháp của Hòa Thượng, tôi đã biết niệm Phật từ hơn 40 năm trước, khi còn nhỏ, tôi theo bà nội niệm Phật, khi đó, tôi chưa hiểu niệm Phật là gì, tôi nghe mọi người nói, niệm Phật nhiều thì hoa sen tươi, không niệm Phật thì hoa sen héo nên tôi niệm Phật.
Hòa Thượng nói: “Tám vạn bốn ngàn pháp môn của nhà Phật là tu thiền định, tuy rằng mỗi phương pháp không giống nhau, nhưng kỳ thật mục đích là giống nhau. Bất cứ một pháp nào cũng có thể thành tựu được thiền định, đều có thể giúp chúng ta “trong không động tâm, ngoài không dính tướng”. Cho nên niệm Phật đường đương nhiên có thể thành tựu được thiền định, không những thành tựu thiền định mà còn thành tựu được thiền định bậc cao, thiền định rất sâu”.
Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật trong “Kinh Đại Tập” tán thán pháp môn niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền, đây chính là công phu thành khối mà thiền tông đã nói, sự nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn gọi là niệm Phật Tam Muội. Chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này thì chúng ta tu học sẽ không có hoài nghi”. Câu “A Di Đà Phật” là vô thượng, là đại thần chú, đại minh chú, một câu “A Di Đà Phật” là tổng nhiếp tất cả các bộ Kinh. Câu nói trên của Hòa Thượng, có nơi ghi là trích dẫn từ “Kinh Đại Tập”, có nơi ghi là trích dẫn từ “Kinh Đại Bảo Tích”. Thích Ca Mâu Ni Phật nói “Tứ Y Pháp”, trong đó có: “Y nghĩa bất y ngữ”. “Ngữ” là ngôn ngữ, chữ viết. Chúng ta không nên dính mắc vào ngôn ngữ mà chúng ta cần hiểu ý nghĩa lời dạy của Phật.
Điều quan trọng nhất là khi chúng ta tu học, chúng ta không có hoài nghi. Hòa Thượng nói: “Chúng ta đến khám Bác sĩ mà chúng ta không tin Bác sĩ thì chúng ta không thể trị được bệnh!”. Chúng ta uống thuốc mà chúng ta nghi ngờ thuốc, sợ rằng thuốc không tốt thì bệnh của chúng ta không thể khỏi. Nếu chúng ta đến khám ở bệnh viện lớn, chúng ta khám với Bác sĩ có bằng cấp, Bác sĩ kê các loại thuốc có giấy phép và còn hạn sử dụng thì chúng ta có thể uống thuốc đó. Nếu chúng ta không tin Bác sĩ, nghi ngờ thuốc thì chúng ta không thể chữa khỏi bệnh. Trong tu hành, điều cấm kỵ nhất là chúng ta hoài nghi. Phật nói rất nhiều pháp môn, chúng ta chọn pháp môn phù hợp với căn tính của chúng ta để tu tập. Phật khuyên chúng ta: “Thời kỳ chánh pháp, Giới luật thành tựu; thời kỳ tượng pháp Thiền Định thành tựu, thời kỳ Mạt pháp Tịnh Độ sẽ thành tựu”. Hiện tại, đang là 500 đầu của 10.000 năm thời kỳ Mạt pháp, trong thời kỳ này, Phật khuyên chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ. Trong “Tứ Y Pháp”, Phật dạy chúng ta: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. “Liễu nghĩa” là pháp giúp chúng ta thành tựu.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành, nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý, phương pháp thì chúng ta sẽ không có hoài nghi. Chúng ta y theo phương pháp, lý luận trên Kinh dạy thì chúng ta nhất định có thành tựu!”.
*******************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!