/ 5
11

PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO KINH

Tập 4

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thư Viện Phật Giáo Hoa Tạng

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ, Diệu Hương cư sĩ


Ngày trước, Pháp sư Đàm Hư ở trong Phật thất đã nói với chúng ta những câu chuyện đều là sự thật. Ngài nói một đồ đệ niệm Phật của Lão pháp sư Đế Nhàn xuất thân từ thợ vá nồi, niệm Phật ba năm thì đứng vãng sanh. Người này không có đi học cũng không biết chữ, thế nhưng rất thành thật. Sau khi xuất gia, Lão Hòa thượng chỉ dạy ông sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, không dạy thứ nào khác, chỉ nói với ông là ông niệm một câu Phật hiệu này, niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi thì niệm tiếp. Quả nhiên ông chỉ ở trong một cái chùa hoang không ra khỏi cửa lớn, chỉ niệm một câu Phật hiệu này ba năm, liền đứng mà vãng sanh, không bị bệnh, biết trước giờ chết, sau khi vãng sanh còn đứng ba ngày đợi Lão Hòa thượng Đế Nhàn đến làm hậu sự cho ông. Ông dựa vào cái gì để có thể thành tựu? Chính là ông không thân cận người giải đãi, xả ly tất cả chúng náo nhiệt. Cho nên nói giải thoát không khó. Tại vì sao ngày nay chúng ta học Phật khó đến như vậy? Chính là bạn đã phạm phải lỗi lầm này, ngày ngày tấu náo nhiệt, đem việc tấu náo nhiệt xem thành Phật sự, bạn nói xem có đáng lo hay không! Trên quan niệm đã sai lầm.

Thứ ba: “Độc xứ nhàn tịnh, thường cần tinh tấn”.

Đây là chân thật muốn liễu sanh tử ra khỏi ba cõi, chân thật muốn ở ngay trong một đời này phải giải quyết vấn đề. Bạn phải hiểu được niềm vui của tịch tịnh, trong hoàn cảnh thanh tịnh đó là hưởng thụ cao nhất của nhân sanh, ở trong đó có chân lạc. Cái gì gọi là tinh tấn? “Tinh” là tinh thuần chuyên nhất, “tấn” là không thoái. Hiện tại người học Phật chúng ta, bạn thấy họ cũng rất cần tấn, nhưng họ không phải là tinh tấn, họ là tạp tấn, loạn tấn, cho nên họ không có thành tựu. Nếu muốn thành tựu thì phải một môn thâm nhập.

Thứ tư: “Dĩ thiện phương tiện, điều phục kỳ thân”.

“Phương tiện khéo léo điều phục thân này”. Chúng ta xem tiếp kệ tụng phía sau thì liền hiểu rõ ý nghĩa câu này, trong kệ tụng là “tịch tịnh thường tri túc”, điều phục thân này, biết đủ thường vui, đời sống rất dễ qua. Có quần áo mặc, ba bữa cơm ăn được no, có một cái phòng nhỏ có thể che được mưa nắng là đủ rồi, không cần cầu thêm. Cầu thêm chính là cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, cầu thấy A Di Đà Phật, ngoài việc này ra ta không cầu bất cứ thứ gì, tâm của bạn định thì bạn mới chân thật hưởng thụ đến an lạc. Dùng phương pháp này để điều phục thân này. Tranh giành của người thế gian đều là giả, không thứ nào mang đi được, cũng không có thứ nào tranh được, đó là ngu si tạo tác tội nghiệp. Người rõ ràng tường tận, người giác ngộ sẽ không tranh giành, thảy đều buông bỏ, một lòng hướng đạo. Hướng đạo chính là hướng tâm thanh tịnh, hướng nguyện vọng chính mình cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở chỗ này Phật nói ra cho chúng ta nghe bốn loại pháp.

“Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạc thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp, an ẩn vô não, nhi đắc giải thoát. Nhĩ thời Thế Tôn, dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:

Đương xả ư giải đãi

Viễn ly chư hội náo

Tịch tịnh thường tri túc

Thị nhân đương giải thoát”.

Kinh văn:

“Nhĩ thời Thế Tôn, thuyết thử kệ dĩ, cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn: Di Lặc! Thị cố Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế thời, dục tự vô não, nhi giải thoát giả, trừ diệt nhất thiết chư nghiệp chướng giả”.

Đoạn kinh văn phía sau này vẫn là tổng kết đoạn phía trước. Bồ Tát Di Lặc vì chúng ta thỉnh giáo với Thế Tôn là ở vào thời kỳ mạt pháp (cũng chính là xã hội hiện đại), chúng ta học Phật phải nên tu mấy loại pháp mới có thể gìn giữ an ổn được độ? Thế Tôn nói với chúng ta bốn loại pháp, nói xong rồi lại nói thêm bốn pháp nữa, tổng cộng là tám pháp. Sau khi nói xong lại dặn bảo Bồ Tát Di Lặc. Kỳ thật, dặn bảo Bồ Tát Di Lặc chính là dặn bảo mọi người chúng ta, Bồ Tát Di Lặc là người đại biểu của chúng ta. Đoạn này rất là quan trọng.

Phật nói: “Ư hậu mạt thế ngũ bách tuế thời”.

Đây chính là chỉ xã hội của hiện nay. Nếu chúng ta muốn chính mình không có phiền não và có thể đạt đến được giải thoát... Hai chữ giải thoát này rất quan trọng, chúng ta đọc là “tạ” là đọc trại âm, làm thành động từ, nếu như đọc là “tỷ” thì là làm thành danh từ, đem phiền não giải trừ, đây gọi là giải trừ; thoát là liễu thoát sáu cõi luân hồi, đây mới xem là thành tựu. Nếu như không đoạn phiền não, không thể nào liễu thoát sanh tử luân hồi, thì không xem là có thành tựu, không luận tu pháp môn nào, tu được tốt hơn cũng không có thành tựu, bạn vẫn cứ phải sanh tử luân hồi. Cho nên, hai chữ này rất là quan trọng, có thể nói đây là mục tiêu tu học hiện tiền của chúng ta.

/ 5