PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO KINH
Tập 2
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Thư Viện Phật Giáo Hoa Tạng
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ, Diệu Hương cư sĩ
Kinh văn: “Vân hà ngã đẳng, đương tác Phật da, bất tác Phật da”. Đây là thí dụ cụ thể để nói rõ họ thường hay hoài nghi: “Chúng ta học Phật, học Phật tốt hay là không học Phật tốt chứ? Làm Phật tốt hay là không làm Phật tốt chứ?” Họ thường hay có vấn đề này, đó là hoài nghi thiện pháp.
“Ư đọa lạc pháp, diệc bất năng liễu”. Phật giảng qua ba cõi sáu đường, trồng nhân thiện được quả thiện, tạo ác nghiệp nhất định phải chịu ác báo. Phật cũng giảng được rất rõ ràng nhưng họ cũng hoài nghi đối với việc này.
“Vân hà ngã đẳng, đương đọa lạc da, bất đọa lạc da”. Chúng ta có thể đọa lạc hay không? Chân thật đọa lạc hay là giả đọa lạc? Những nghi vấn này của họ thường hay hiện tiền.
“Dĩ thị nhân duyên, thiện pháp dục sanh, thường vi nghi hoặc, chi sở phược phú”. Đương nhiên bất cứ một thời đại nào, bất cứ một chúng sanh nào, không thể nào không có một thiện niệm. Tất cả chúng sanh đều là thiện ác hỗn tạp, chỉ là thiện nhiều ác ít hay là ác nhiều thiện ít, do đó mới hình thành sáu cõi cùng mười pháp giới. Thiện niệm của họ sanh, thế nhưng họ có hoài nghi. Khi hoài nghi thì thiện không thể thành tựu, thế là rất dễ dàng thoái chuyển. Những vị Bồ Tát này đều rất thành thật, rất khó được, họ vẫn có tự biết mình rất rõ ràng, vẫn xem là không tệ, tuy là họ phạm phải lỗi lầm nhưng vẫn còn cứu được, cho nên Bồ Tát Di Lặc đến cứu họ.
“Nhĩ thời Di Lặc Bồ Tát nhi cáo chi viết chư nhân giả khả cộng vãng chỉ Như Lai ứng cúng chánh biến tri sở, nhi bỉ Như Lai nhất thiết tri giả nhất thiết kiến giả cụ túc thành tựu vô chướng ngại trí, giải thoát tri kiến dĩ phương tiện lực, thiện tri nhất thiết chúng sanh sở hành đương vi nhữ đẳng tùy kỳ căn tánh chủng chủng thuyết pháp”. Đây cũng là chỗ cao minh của Bồ Tát Di Lặc. Bồ Tát Di Lặc có thể giảng kinh nói pháp với họ hay không? Đương nhiên có thể, nhưng Bồ Tát Di Lặc tại vì sao không nói pháp với họ vậy? Bởi vì Ngài là địa vị của Bồ Tát, những người này chưa chắc có thể tin tưởng Ngài giảng kinh nói pháp, cho nên Bồ Tát Di Lặc giới thiệu họ đi gặp Phật. Mọi người nghe đến Phật, đương nhiên không có lời gì để nói, nên họ cùng nhau đi đến nơi Phật ở.
“Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri”, đây là ba loại trong mười hiệu của Như Lai, ở chỗ này chúng ta cũng không giải thích cụ thể. “Nhi bỉ Như Lai nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả”, đây là tán thán trí tuệ đức năng của Phật. “Vô sở bất tri, vô sở bất năng”. Trên quả vị Phật cụ túc thành tựu, tức là một tí kém khuyết cũng không có, trí tuệ của Phật là viên mãn, tự tại của Phật là viên mãn, hơn nữa phương pháp của Phật rất xảo diệu, cho nên sức phương tiện giáo huấn chúng sanh khế cơ khế lý. Phía trước giảng cụ túc thành tựu không chướng ngại trí, giải thoát tri kiến, đây là lý, Phật thuyết pháp khế lý.
Lại nói: “Thiện tri nhất thiết chúng sanh sở hành”. Tất cả chúng sanh đời đời kiếp kiếp tạo ra cái nhân hay quả báo màchúng sanh đã nhận, Phật đều biết được, cho nên Ngài nói pháp liền khế cơ. Đi gặp Phật, Phật nhất định tùy theo từng loại chúng sanh mà nói pháp, đó là khế cơ khế lý.
Kinh văn gồm ba phần, phần tựa là phần phát khởi phải nên đến chỗ này, đây là một đoạn lớn, phần tự ở chỗ này là một đoạn lớn. Phía sau là bắt đầu phần chánh tông của bổn kinh, phải nên đơn cử một hàng. Lúc sao chép kinh này ra, tôi bảo thầy Ngộ Quảng (thầy Ngộ Quảng hiện tại không có ở đây) chép ra từ trong Tần Già Tạng, lại nhờ vào Đại Chánh Tạng để phân ra đoạn này. Câu đoạn phân ra và chấm phẩy trong Đại Chánh Tạng có rất nhiều vấn đề, thế nhưng kinh văn này các vị vừa xem thì liền hiểu được, vì một câu có bốn chữ, bạn tỉ mỉ mà xem, bốn chữ một câu, cho nên không khó đọc tụng.
PHẦN CHÁNH TÔNG
“Thị thời ngũ bách chúng trung, hữu lục thập Bồ Tát dữ Di Lăc Bồ Tát vãng nghệ Phật sở ngũ thể đầu địa, đảnh lễ Phật túc bi cảm lưu lệ bất năng tự khởi, Di Lặc Bồ Tát tu kính dĩ tất thoái tọa nhất diện”. Trong hội lúc đó có 500 Bồ Tát, nhưng trong 500 người chỉ có sáu mươi người nghe lời của Bồ Tát Di Lặc nói, cùng với Bồ Tát Di Lặc đến gặp Thích Ca Mâu Ni Phật. Những vị Bồ Tát này vừa rồi đã nói qua, họ là “đại quyền thị hiện”. Thế là Bồ Tát Di Lặc dẫn những người này đến gặp mặt Thế Tôn. Sau khi hành lễ xong, liền ngồi xuống.