9Thứ Năm, 08/05/2025, 16:27

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 07/5/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 066: Học Phật phải lấy Giới làm nền tảng

Người chân thật học Phật luôn sống trong giới luật, luôn thúc liễm thân tâm, không có sự tùy tiện. Xét ở góc độ tiêu chuẩn Thánh Hiền, người xưa chỉ dạy: “Vào phòng trống như có người” – tức là không phải trong lễ đường, có nhiều người, chúng ta mới chuẩn chỉ mà ngay khi vào một căn phòng không có ai, chúng ta cũng phải đầy lễ tiết của một bậc quân tử hay có tư cách, chuẩn mực của Thánh Nhân. Ý nghĩa thâm sâu trong lời dạy của người xưa không dễ gì hiểu được, bản thân tôi hơn cả mười năm học tập và thực hành mới thể hội được điều này.

Có người nổi tiếng nhưng tùy tiện, không giữ giới nên trên hình thức thì tu Phật nhưng trong tâm thì theo Ma. Họ sẵn sàng ăn uống bất cứ thứ gì! Phật đã chỉ dạy rằng: “Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Đây chính là điểm để chúng ta quán sát xem một người có chân thật tu đúng pháp hay không? Một người không sống trong giới luật, không chịu rèn luyện, không chịu nỗ lực, vậy thì họ không phải là người tu Phật. Một người học Phật không xa lìa “Tham sân si mạn”, không xa lìa sự hưởng thụ “năm dục sáu trần”, luôn ảo danh ảo vọng, “tự tư tự lợi”, vậy thì đó cũng chẳng phải là người chân thật học Phật.

Nhiều người không có kiến thức này nên bị gạt cả tình lẫn tiền. Kẻ lừa đảo chỉ cần dùng một vài thủ thuật huyền bí một chút, linh hiểm một chút là họ đã tin theo ngay. Cho nên Hòa Thượng khẳng định: “Học Phật phải lấy giới luật làm nền tảng”. Cho dù một người ở vị trí nào mà không lấy giới luật làm trọng thì chúng ta cần phải tránh thật xa. Tôi từng gặp một người sống xa hoa hết mức, khi uống trà cũng phải đốt đàn hương hoặc trầm hương để thưởng thức. Một đời sống như vậy thật lãng phí không cần thiết! Tôi chỉ đến đó đúng một lần!

Hòa Thượng nói: “Trước khi Thế Tôn nhập diệt, A Nan thỉnh Thế Tôn hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là sau khi Thế Tôn diệt độ rồi, chúng con lấy ai để làm thầy? Phật ở đời, chúng con lấy Phật làm thầy, nương vào Phật và khi Phật không còn ở đời nữa, vậy thì, chúng con lấy ai làm thầy. Phật nói hai câu lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy.

Trong thời kỳ hiện đại này, pháp nhược ma cường, bạn dùng tâm tốt đối đãi với người nhưng họ lại không dùng tâm tốt để hồi báo mà dùng tâm mưu lợi để đối đãi lại, với mục đích làm sao để chiếm được nhiều lợi hơn. Vậy thì sự thống khổ đó có nhỏ đâu, thế nhưng vẫn phải nhẫn chịu, vẫn phải nhớ nghĩ đến lời của Thế Tôn dạy bảo: “Lấy khổ làm thầy”. Nhờ đó, tâm của bạn liền sẽ bình lặng và bạn sẽ hoan hỉ tiếp nhận những lời dạy mà Phật đã căn dặn trước khi vào Niết Bàn. Ngày nay chúng ta chọn pháp môn tu Tịnh Độ, chúng ta nương vào giới luật hay không? Nếu không nương vào giới luật thì sai rồi! Chúng ta phải lấy giới làm nền tảng tu hành. Nếu không y theo giới mà tu, thì cũng không có thành tựu. Không trì giới mà tu bất cứ thiện pháp nào cũng không thể có thành tựu.

Trong giới luật, 10 việc thiện là căn bản giới, bạn đã làm được hay chưa? Căn bản giới là Thập Thiện Nghiệp Đạo, không phải là Tam Quy, Ngũ Giới. Tam Quy, Ngũ Giới phía trên Thập Thiện Nghiệp Đạo một bậc. Thập Thiện Nghiệp Đạo là tầng thứ nhất và Tam Quy là tầng thứ hai. Ngũ Giới là tầng thứ ba. Sa Di là tầng thứ tư. Ngay tầng thứ nhất bạn chưa làm được, vậy thì làm sao bạn làm đến được tầng thứ hai và tầng thứ ba. Việc này không thể không biết.

Bạn tu bất kỳ pháp môn nào mà không có nền tảng 10 thiện này thì đều là giả. Chỉ hiểu thấu, tức là có Giải nhưng không có Hành, không thật làm thì chỉ là nhà Phật học, là những người nghiên cứu Phật chứ không phải theo Phật để học.  Người chân thật học Phật không phải như vậy. Trì giới chính là học Phật. Nếu không giữ giới chỉ là Phật học. Học Phật thì mới chân thật giải quyết được vấn đề còn Phật học, chỉ là đi nghiên cứu, thì không giải quyết được vấn đề. Học Phật chân thật có thể vượt thoát được sanh tử, người không học Phật mà chỉ nghiên cứu thì không giải thoát được sanh tử. Bạn phải phản tỉnh thật sâu vì sao 10 thiện mình vẫn chưa làm được?

Giáo dục của người xưa đều có nền tảng từ trong mỗi gia đình, cho nên, không luận là xuất gia hay tại gia đều dễ dàng thành tựu là vì sao? Là vì từ nhỏ, họ đã được cắm gốc rất sâu. Do đó, việc trì giới đối với họ không hề có một chút khó khăn. Vì sao người xưa giữ giới một chút khó khăn cũng không có? Là do tâm của họ thiện, lời nói thiện, hành vi và việc làm thiện. Người xưa rất xem trọng giáo dục gia đình, đây thật sự là căn bản. Tập đại thành giáo dục gia đình chính là phép tắc người con, tức là Đệ Tử Quy.