Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 06/5/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 065: Thuận cảnh, nghịch cảnh không khởi tâm động niệm
Khi gặp thuận cảnh, chúng ta thường sanh tâm ưa thích và khi gặp nghịch cảnh lại sanh tâm chán ghét. Đây là lý do vì sao chúng ta mãi là phàm phu. Phật Bồ Tát trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch đều bình lặng. Có câu rằng: “Xúc cảnh sanh tình” nghĩa là khi tiếp xúc với hoàn cảnh thì chúng ta thường bị hoàn cảnh gây ảnh hưởng mà không thể chuyển đổi được, luôn bị cảnh dẫn dắt, không tự chủ. Người tự chủ được hoàn cảnh mới không khởi phân biệt, vọng tưởng, chấp trước.
Việc này tuy khó nhưng vẫn phải nỗ lực mà làm vì nếu không, con đường vượt thoát sanh tử của chúng ta không có cơ hội. Làm việc thiện, tích công bồi đức sẽ mang lại phước báu trời người, ngắn ngủi, rồi vẫn xuôi theo dòng sinh tử, rồi lại đọa lạc. Thiên nhân ở cõi trời cao nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ có thọ mạng tám vạn đại kiếp. Đây là con số thiên văn, không thể tính đếm nhưng vẫn hữu hạn. Thiên nhân cõi đó tưởng rằng họ đã chứng đắc, không bao giờ bị đọa lạc. Một khi đã đọa lạc thì đọa thật sâu chứ không phải rớt từ tầng trời cao xuống tầng trời thấp. Cho nên hưởng phước ở tầng trời cao nhất cũng không thoát được sanh tử.
Cho nên, Phật không dạy chúng ta hưởng phước báu trời người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát mà Phật dạy chúng ta phải đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trên Kinh Đại Thừa Phật nói rằng : “Vì chúng sanh không thể tiếp nhận pháp Nhất thừa, cho nên ta đành phải nói pháp Nhị thừa và Tam thừa”. Con người có một tập khí là khi gặp khó thì thoái lui nên trong tu hành cũng gây nên chướng ngại. Thuận cảnh một chút là đã bị mê hoặc và nghịch cảnh một chút thì người tu liền thoái lui. Đây là tập khí bao đời bao kiếp khiến chúng ta bị đọa lạc. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng trong sáu cõi luân hồi này, chúng ta không thể tránh được phiền toái nên đừng nên sanh tâm đắm chấp hoặc ghét bỏ. Sự phiền toái ấy kết từ nhân đã tạo trong đời quá khứ nên sẽ có quả.
Hòa Thượng nói: “Thuận duyên, thuận cảnh, chúng ta phải tùy thuận mà học tập. Học điều gì? Học không khởi tham luyến, không khởi ghét bỏ. Thuận cảnh, ác duyên không khởi sân hận, tuyệt đối không oán trời, không trách người. Chúng ta chính mình đã tạo ra quá nhiều nhân ác bất thiện nên cảm đến ác báo, cho dù không muốn tiếp nhận vẫn phải nhận. Nếu bây giờ bạn không tiếp nhận thì tương lai bạn vẫn phải gánh chịu.”
Chúng ta tự xét lại bản thân có bao giờ đổ thừa cho hoàn cảnh, có oán trời trách người hay không? Hòa Thượng dạy để giảm thiểu việc này thì cần phải quán sát nhân quả, làm sao để nghịch đến thì thuận nghịch, thuận lòng tiếp nhận, vui vẻ mà trả. Dù chúng ta có buồn phiền, không muốn tiếp nhận thì chúng ta vẫn phải trả, vẫn phải tiếp nhận. Hòa Thượng nói rằng không trả bây giờ thì tương lai sẽ vẫn phải trả, vui vẻ mà trả thì trả sẽ nhanh, trả mà không vui thì chỉ làm chúng ta đau khổ. Đạo lý này rất dễ hiểu nhưng lại khó làm!
Chúng ta chính mình đã tạo ra quá nhiều nhân ác bất thiện nên cảm đến ác báo, cho dù không muốn tiếp nhận vẫn phải nhận, tuyệt đối không oán trời trách người. Thế mới nói nhân quả thật đáng sợ, bởi vậy mà trên Kinh nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Chính vì vậy, Bồ Tát trước khi làm bất cứ việc gì thường quán sát rất kỹ xem việc làm này sẽ tạo ra nhân quả gì, còn chúng sanh khi làm thì làm bừa, đến lúc quả báo đến mới khiếp sợ. Dù khiếp sợ cũng vẫn phải gánh lấy. Nhân thiện gặp quả thiện, nhân ác gặp quả ác. Chúng ta đừng chủ quan mà tưởng mình đã làm đúng nhân quả. Hòa Thượng chỉ dạy rằng nếu hằng ngày làm đúng thì bản thân sẽ tự tại an vui, còn ngày ngày vẫn buồn phiền lo âu, bất an thì biết chúng ta đã làm sai rồi.
Nếu hiện tại, khi chúng ta gặp ác báo mà không muốn tiếp nhận thì tương lai vẫn phải tiếp nhận, vậy thì hãy chủ động tiếp nhận, hoan hỉ tiếp nhận. Nếu chủ động tiếp nhận thì sẽ chủ động chuyển hóa nó. Một dòng nước đang đổ xuống như thác, vậy nếu có thể gia cố phía yếu, dễ bị ngập để dòng nước sẽ chảy sang hướng khác. Cũng vậy, chúng ta biết mình có tập khí xấu ác nào thì chủ động chuyển đổi tập khí xấu ác đó. Cho nên hiện tại tiếp nhận là chủ động tiếp nhận còn nếu từ chối thì tương lai vẫn phải tiếp nhận mà tiếp nhận một cách bị động.