10Thứ Năm, 08/05/2025, 16:27

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 08/05/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

BÀI 67

PHẢI THẬT LÀM

Chữ “thật làm” bao hàm rất nhiều ý nghĩa mà Hòa Thượng muốn nói với chúng ta. Có những người bố thí rất nhiều tiền của nhưng họ không thể giúp người khác giác ngộ. Chúng ta nói với người khác một số đạo lý mà Phật, Thánh Hiền đã dạy để họ chân thật có lợi ích thì đó là chúng ta đã thật làm. Chúng ta quán sát, hằng ngày, chúng ta có làm mọi việc bằng tâm chân thật hay không? Tất cả khởi tâm động niệm, việc làm của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền đều là chân thật.

Người xưa kể câu chuyện, có một vị quan đi sứ qua một đất nước, khi ông nhìn thấy nhà vua nhìn thanh kiếm của mình một cách chăm chú, vị quan biết nhà vua rất thích thanh kiếm đó. Trong đầu vị quan khởi lên ý niệm, khi nào đi sứ xong ông sẽ tặng nhà vua thanh kiếm. Khi vị quan đi sứ về thì vị vua đã mất, vị quan tìm đến lăng mộ của vua để treo thanh kiếm lên đó. Những người hầu cận nói với vị quan rằng, ông mới chỉ khởi ý niệm, chưa có giao kết gì với vua nên không cần làm như vậy. Vị quan đó nói: “Tuy ta chưa nói ra nhưng ta đã hứa với chính mình!”. Đây chính là vị quan đó đã thật làm!

Trong cuộc sống, chúng ta thường hứa nhưng chúng ta không làm. Chúng ta mới khởi ý niệm chưa nói ra thì chúng ta vẫn phải thực hiện lời hứa của mình. Chúng ta quán sát, có bậc quân tử hay một vị Phật Bồ Tát nào thất hứa hay không? Mọi lời nói, hành động của các vị vua đều rất cẩn trọng vì tất cả đều được các nhà sử học ghi chép lại. Tiêu chuẩn của cư dân của thế giới Tây Phương Cực Lạc là thuần thịnh, thuần thiện. Các bậc thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ thì mới được về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Một người vong ân, bội nghĩa, không giữ chữ tín thì họ không có đủ tư cách để làm người.

Súc sanh cũng biết giữ chữ tín. Trên mạng Internet có rất nhiều video ghi lại hình ảnh các loài vật báo ân. Tôi đã từng xem video, có một con nai sau khi được một người cứu giúp, rửa vết thương thì một thời gian sau, nó dẫn con của nó về để cảm ơn người đã cứu mình. Một con đười ươi được một người cứu giúp, sau nhiều năm anh quay trở lại khu rừng, khi nghe thấy tiếng kêu của anh thì con đười ươi dẫn theo bầy đàn ra chào đón anh. Tất cả loài vật đều biết tri ân, báo ân. Người không thật làm thì không thể thành tựu đạo quả, chúng ta phải sâu sắc phản tỉnh!

Tổ Ấn Quang dạy chúng ta cách tu hành, cách sống rất ngắn gọn: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Cta phải dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình, khi rảnh rỗi giữ tâm không vọng động niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Khi chúng ta có thời gian rảnh rỗi, tâm chúng ta thường loạn động hay như người thế gian nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Chúng ta rảnh rỗi thì chúng ta thường làm những việc không thiện. Từ bốn câu dạy của Tổ Ấn Quang, tôi rút gọn thành chín chữ để chúng ta dễ nhớ hơn là: “Tận trách nhiệm, sống chân thành, tâm thanh tịnh”. Chúng ta niệm Phật thì tâm chúng ta mới thanh tịnh, chúng ta không niệm Phật thì chúng ta sẽ niệm danh lợi, niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần”, niệm “tham, sân, si, mạn”.

Hòa Thượng nói: “Trong “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm” nói rất rõ ràng, tường tận, chúng ta bố thí bảy báu bằng tam thiên, đại thiên cũng không bằng dạy người bốn câu kệ. Vì cúng dường pháp chính là giáo dục, chúng sanh tiếp nhận lời giáo huấn mà có thể giác ngộ thì công đức của chúng ta lớn hơn cúng dường tiền của rất nhiều”.

Chúng ta dùng tiền của vô cùng nhiều để bố thí thì cũng không bằng chúng ta nói cho người khác nghe lời dạy của Phật, của Thánh Hiền để giúp họ giác ngộ. Chúng ta bố thí nhiều tiền của nhưng chúng sanh không giác ngộ thì họ không đạt được lợi ích chân thật. Nhiều người không hiểu đạo lý này, họ chỉ muốn làm theo cách của mình. Ngày trước, có một người phát tâm in 5000 cuốn “Quan Âm cứu khổ” để tặng mọi người, họ in còn thiếu khoảng 1000 cuốn nên họ muốn nhờ tôi phô-tô thêm, tôi nói, cuốn sách này nếu phô-tô thì sẽ mờ, dễ hỏng, không có người đọc, ở đây đang có một vị Phật đang cần cứu giúp, cô hãy dùng tiền đó để cứu giúp người đó. Họ không nghe theo lời khuyên của tôi mà qua bên đường phô-tô thêm sách, những cuốn sách này chắc chắn không có người đọc và sẽ bị đốt bỏ.