13Thứ Hai, 05/05/2025, 16:04

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 05/5/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 064: Học Phật là học làm người giác ngộ

Phật chỉ cho một người tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Chúng ta học Phật là học làm người giác ngộ. Tuy nhiên, phần nhiều người học Phật đang trở nên mê tín, xoay quanh vấn đề cầu cúng. Họ đã âm thầm chuyển Phật trở thành đấng thần linh mà chính họ cũng không biết. Người ta dát vàng tượng Phật và cho rằng như thế sẽ được phước, vậy hãy suy xét xem đó có thật là được ban phước hay không? Người học Phật đang tự biến mình trở thành người si mê, tăng thêm sự mơ hồ mê tín. Hòa Thượng nói tượng Phật mà Ngài hay mang đi (bằng vải lụa) không đáng một đồng, đi đến đâu Ngài cũng mang theo. Điều quan trọng là khi chúng ta niệm Phật, thờ vị Phật nào thì chúng ta phải niệm ra vị Phật ấy. Tự tánh của chúng ta phải tương ưng với vị Phật mà chúng ta đang thờ.

Thánh tượng chúng ta thờ có thể gợi nhớ cho hành giả tu hành tự tánh Giác, tự tánh Chánh, tự tánh Tịnh. Có người đầu tư dát vàng tượng, làm gian thờ rất đẹp và ngày ngày đau đáu, bận tâm giữ bức tượng giá trị đó. Họ trân trọng thánh tượng không phải vì cảm được lời giáo huấn cũng như hạnh nguyện độ sinh của các Ngài, mà vì giá trị của bức tượng đó. Họ tưởng rằng mình như vậy là công phu sâu. Điều này cho thấy một số người học Phật đã không hiểu sâu sắc lời giáo huấn của Phật, khiến trở thành người mơ hồ, mê tín, ỷ lại, nương nhờ, không có chút giác ngộ nào.

Có lần, một người tặng tôi một xâu chuỗi 108 hạt có rất đắt tiền, tôi nhận và liền tặng cho người khác. Tôi biết rằng nếu nó thật sự là đồ quý thì nó sẽ khiến mình động tâm, đi đâu cũng sợ người ta lấy mất. Cho nên xâu chuỗi như vậy không cần thiết! Hòa Thượng nói học Phật để trở thành người giác ngộ chứ không phải để trở thành người hồ đồ. Gần người giác ngộ, gần người tri thức thì phải trở thành người giác ngộ, người tri thức!

Nói cho rõ hơn là Phật đến thế gian để làm người hy sinh phụng hiến, Bồ Tát đến thế gian là để làm bạn không mời của chúng sanh, sẵn sàng hy sinh cho chúng sanh đủ duyên. Chúng ta là người học Phật thì chúng ta phải giống như các Ngài, đừng để chính mình học rồi mà càng lúc càng bỏn xẻn, ti tiện, không có một chút tâm đồng cảm nào với chúng sanh khổ nạn thậm chí còn ác tâm, gây chướng ngại, phá hoại người làm thiện. Chúng ta đừng nghĩ việc này là của ai đó, hãy quán sát lại chính mình xem. Những tập khí xấu ác này có đang hiện hành trong mỗi chúng ta không? Thầy Thái nói nếu có thì sửa đổi, không có thì khích lệ, đừng để những tập khí đó chi phối.

Bài học hôm trước Hòa Thượng nói, lời giáo huấn mà Phật chỉ dạy là đang nói với chính mình chứ không phải là nói cho ai đó. Tổ Ấn Quang từng dạy rằng: “Hãy xem tất cả chúng sanh là Bồ Tát, chỉ riêng ta là phàm phu. Phải thấy mình ít tu phước mỏng nghiệp dày” để chính mình nỗ lực hơn. Nếu thấy mình làm được nhiều việc phước là sai rồi. Tổ Ấn Quang đã cho chúng ta cái nhìn giác ngộ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật là phải làm theo Phật chứ không phải để nghiên cứu, xem lời giáo huấn của Phật như một môn học để tranh biện, để trao đổi cho hay. Học Phật phải giống như một vị Phật. Phật là một người giác ngộ nên học Phật, chúng ta cũng phải là người giác ngộ. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, nhất định không mơ hồ, không mê tín. Bạn mê tín thì bạn không phải là người học Phật. Vì sao? Vì Phật là người giác ngộ, tường tận mọi sự mọi việc. Giác mà không Mê. Chúng ta là người mê hoặc điên đảo, hiện tại, chúng ta muốn học với một người giác ngộ. Đó chính là Phật! Người giác ngộ thì gọi là Phật!

Học Phật không phải để nói mà là để làm, Hòa Thượng sách tấn chúng ta hãy trở thành người học Phật chứ đừng là người Phật học. Tô Đông Pha là người Phật học, từng nói thao thao bất tuyệt rằng mình tám gió không động nhưng chỉ một cái đánh rắm là qua sông. Khi gặp Ngài Phật Ấn, Tô Đông Pha vui vẻ vì đã thắng được Ngài, khi nói Ngài ngồi như một đống phân bò còn Ngài Phật Ấn thì nói rằng lâu ngày mới gặp hiền giả, hiền giả như một vị Phật. Tâm của Ngài Phật Ấn là tâm Phật nên nhìn ai cũng giống Phật còn Tô Đông Pha có góc nhìn của một đống phân bò nên thấy ai cũng giống đống phân bò.

Có câu rằng: “Xưa không học Lương Khải Siêu, nay không học Tô Đông Pha”. Vì sao? Vì đây chỉ là những nhà nghiên cứu, nhà Phật học chứ không phải là người thật tu thật làm. Chúng ta phải là người thật tu thật học thì mới thật là người giác ngộ, nếu không, cũng chỉ mơ mơ hồ hồ. Kết quả sẽ hiện ra trước mắt để chúng ta thấy mình làm đúng hay sai! Có người suốt ngày chỉ mong cầu sự gia trì của Phật nhưng lại không thật làm. Ví dụ việc giáo dục con cái, phải có phương hướng biện pháp cụ thể, chứ không phải chỉ cầu Phật gia bị.