Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 04/5/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 063: Có chướng ngại thì phải xem lại chính mình
Việc xem lại chính mình đó là phản tỉnh. Việc phản tỉnh hằng ngày giúp giảm thiểu hành động sai phạm. Tuy nhiên, phần nhiều con người tự đắc, tự mãn, tự cho mình là đúng, là biết hơn người, nên thường gặp chướng ngại. Phật là tự giác, tiếp theo là giác tha, tiếp theo nữa là giác hạnh viên mãn. Cho nên, hành giả phải đề khởi được tự tánh giác của mình thì mới có thể giác tha và giác hạnh viên mãn.
Người thế gian khi gặp khó khăn đều đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài mà không hề biết đấy là do chính mình, cho nên, hãy phản tỉnh mỗi ngày. Ví dụ, mỗi lần tôi đánh xe đi công việc và khi trở về đến nhà, bao giờ tôi cũng phản tỉnh về chuyến đi, xem bản thân có khởi ý niệm sai lầm không? có thao tác kỹ thuật sai không? Có làm cho người khác chướng ngại không? Hành trình của một chuyến xe ngắn mà còn phản tỉnh huống hồ là hành trình của cả một cuộc đời này lại càng đòi hỏi chúng ta nghiêm túc hơn. Nếu không làm được như vậy, bản thân không được lợi ích và cũng không làm lợi ích cho mọi người.
Hòa Thượng chỉ dạy rằng sở dĩ có chướng ngại là do chính mình. Phiền não tập khí xấu ác của mình tạo nên chướng ngại. Ngày nay, nhiều người luôn phải đi xem ngày giờ tốt xấu. Không có ngày tốt hay giờ xấu cho riêng ai! “Nhật nhật thị hảo nhật, thời thời thị hảo thời” - Thời gian vẫn đang diễn ra, chẳng tốt với ai, chẳng xấu với ai. Nếu con người có tâm tự tại thì ngày ngày, giờ giờ đều là ngày, giờ tốt. Ngay đến người học Phật nhiều năm mà còn khờ khạo việc này.
Ngày giờ tốt xấu sẽ hiện hữu với những người luôn sống theo tập khí phiền não của bản thân. Cho nên họ phải chọn ngày, chọn giờ. Từ rất lâu bản thân tôi, chẳng để ý hôm nay là ngày gì, có phải hoàng đạo hay không? Tôi chỉ nhớ hôm nay là thứ mấy để lên lớp. Ngay đến việc tổ chức sự kiện lớn như Đại lễ Tri Ân Cha Mẹ, cũng không ai xem ngày giờ, chọn ngày và giờ nào cũng được, miễn là thuận tiện cho mọi người. Chúng ta “vì tất cả mọi người mà lo nghĩ”, không phải “vì ta mà lo nghĩ” nên các đại lễ vẫn diễn ra suôn sẻ. Những người muốn thu lợi cá nhân, “tự tư tự lợi” thường sẽ bận tâm việc xem ngày giờ.
Người luôn chăm lo đến lợi ích cho mọi người, không có “cái ta” trong đó, thường tự tại trước việc ngày giờ. Vì sao? Vì họ hiểu rằng chỉ cần toàn tâm toàn ý, hết lòng hết dạ làm việc lợi ích cho mọi người, còn việc thành công hay thất bại là do phước báu của mọi người. Nếu không thành công chính là mọi người chưa có phước để hưởng.
Các trường trong Hệ thống Khai Minh Đức cũng vậy, gắng làm hết sức hết lòng, lao tâm khổ trí, mà vẫn không phát triển được thì dừng lại. Dù đã dành ra rất nhiều tiền phục vụ trường lớp nhưng nếu đã là lý tưởng phục vụ lợi ích chúng sanh, lý tưởng làm giáo dục thì dù năm, 10, 15 học sinh, chúng ta vẫn chân thật mà làm, không nghĩ đến chuyện phải thu đủ bù chi, chỉ để ý đến việc dạy tốt các em học sinh. Cứ như vậy mà làm đến khi không còn đủ sức nữa thì nghỉ. Tư duy và làm như thế sẽ rất tự tại, đâu cần phải lao tâm khổ trí. Chúng ta dạy người cũng chính là dạy mình.
Cho nên Hòa Thượng nói nếu có chướng ngại, nếu mọi việc cứ rối tung thì phải xem lại chính mình. Mình là nhân tố chính gây nên mọi sự chướng ngại. Mình luôn sợ được mất, hơn thua, tốt xấu nên làm cho mọi việc rối tung. Hãy cố gắng giữ được trạng thái tâm ổn định, cho dù lần này tốt hay lần sau xấu đều không bận tâm, không phiền não. Chúng ta chỉ cần xét tâm mình khi làm việc có dụng tâm như nhau ở lần trước hay lần sau không? Kết quả tốt và xấu lại do cộng nghiệp sở cảm, là do rất nhiều duyên hợp thành. Cho nên chúng ta phải quay lại kiểm điểm chính mình để giảm bớt những động loạn.
Hòa Thượng nói, chúng ta cũng không cần đi tìm hiểu, tra cứu xem người ta có đúng, có làm tốt hay không. Quan trọng nhất là mình phải quay lại xem mình có đúng hay không? Người xấu tốt là việc của người, còn bản thân chúng ta phải là tốt, phải là chuẩn chỉ, phải nghiêm khắc với chính mình. Cho dù làm tốt cũng không tự mãn, luôn kiểm soát nội tâm bởi chỉ cần một chút ý niệm tự mãn là tập khí phiền não vô lượng kiếp sẽ khởi lên. Đây là “phản cầu chư kỷ”, ngay đó là mọi vấn đề liền được hóa giải! Đạo lý này chúng ta đã nghe rất nhiều lần nhưng chúng ta thường không nhìn thấy lỗi mình mà chỉ thấy lỗi người. Khi ra chiến trường, có rất nhiều chiến sỹ tử nạn, chúng ta thấy họ như vậy thì không thể nói rằng anh không được chết, tại sao anh chết? Anh không được nằm lại ở đây. Cho dù họ có nằm xuống, chúng ta vẫn phải tiến lên.