Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 03/05/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 62
CON NGƯỜI LÀ CÓ THỂ DẠY ĐƯỢC TỐT
Nhà Phật có câu: “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”. Trong nhà Phật không xả bỏ một ai. Nhà Phật khẳng định tất cả chúng sanh đều chân thật có thể độ. Chúng ta đủ lòng nhẫn nại thì chúng ta có thể độ được tất cả chúng sanh.
Khi Hòa Thượng giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú” Ngài nói, chúng ta không nên trách móc người khác mà nên bao dung, rộng lượng với mọi người, người khác làm sai là do họ không được dạy. Cha mẹ, ông bà, cụ của họ cũng không biết, Cao Tổ của họ có thể biết một chút về chuẩn mực, phép tắc làm người nhưng cũng chưa làm được nên không có ai dạy họ.
Người xưa nói: “Tiên nhân bất giáo vô thù quái tha”. Người trước không dạy thì không thể trách người sau. Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn”. Con người vốn dĩ là thuần tịnh, thuần thiện nhưng vì sao lại trở nên ô nhiễm như vậy? Con người vốn dĩ là rất dễ dạy nhưng vì sao trở nên khó dạy? Đó là do họ không được dạy từ nhỏ.
Một đứa trẻ từ khi mới sinh ra, Cha Mẹ phải dạy chúng cách ăn uống, đi đứng, những việc nên và không nên làm. Chúng ta phải quán sát lại cách dạy con, dạy cháu của chúng ta. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà thường dạy con theo những cách khác nhau, như người thế gian nói: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ngày nay, mọi người không được tiếp nhận giáo dục chuẩn mực, mỗi người có cách thấy, cách làm khác nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến con cháu, học trò ngày nay rất khó dạy. Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, người giỏi công nghệ có thể biết nhiều thông tin nhưng những thứ này chỉ là vọng tưởng. Nhiều con cái, học trò cho rằng Cha mẹ, Thầy cô lạc hậu nên hiện tại, chúng ta làm Cha mẹ, Thầy cô không dễ dàng.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay, toàn thế giới động loạn, bất an, mỗi ngày đều có tai nạn do con người làm ra”. Trong xã hội hiện đại có nhiều người phạm tội buôn người, lừa đảo tiền. Trên báo từng đăng, có một người đi chơi với bạn, sau khi ăn cơm thì người này bị bất tỉnh, khi tỉnh dậy thì họ thấy mình mất một quả thận. Con người vốn dĩ thuần tịnh, thuần thiện, vì sao trở nên như vậy? Đây là do từ nhỏ chúng đã được dạy tham cầu, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi nhìn thấy một đứa trẻ đã biết đi nhưng người nhà luôn phải bế lên xe, nếu đứa trẻ nhìn thấy người tài xế chưa mở cửa thì nó sẽ đá rất mạnh vào cửa xe. Một đứa trẻ như vậy thì khi lớn lên nó sẽ không có một chút đồng cảm với người lao động, người làm công. Ý niệm ác, hành động ác đều do nhân ban đầu, không có nhân thì không có quả. Con người vốn dĩ thuần tịnh, thuần thiện tại sao giờ lại trở nên ác, bất nhân, bất nghĩa?
Gần đây, báo chí đưa tin, có hai thanh niên mắng các bác cựu chiến binh trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Cha mẹ, dòng tộc, trường học của hai thanh niên này đều cảm thấy xấu hổ. Nếu không có các bác cựu chiến binh thì chúng ta không thể có ngày hôm nay. Hai thanh niên này là sinh viên đại học nhưng họ có văn hoá, đạo đức hay không? Sau này, nếu chúng làm bất cứ công việc gì thì cũng đều vì tự tư ích kỷ, không thể vì người khác mà làm. Chúng ta phải xem lại giáo dục gia đình đừng để con cháu khiến dòng họ tủi nhục.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta dùng phương pháp gì để dạy người? Chúng ta dùng “Đệ Tử Quy”, để dạy chúng. Đích thực “Đệ Tử Quy” có thể giải quyết được. Chúng ta đã làm thực nghiệm đủ để chứng minh con người có thể dạy được tốt, chỉ cần trong thời gian 3 tháng, hơn 40 gia tộc lớn nhỏ đã cùng nhau học tập chuẩn mực làm người”. Khi chúng ta mới đề xướng học tập chuẩn mực làm người, tôi đã mạnh dạn nói với mọi người: “Nếu mọi người học mười buổi một cách nghiêm túc mà không thay đổi thì tôi sẵn sàng nằm xuống làm đường để mọi người đi qua”.
Một người em của tôi khi làm việc ở Đà Nẵng, sau khi tham dự lớp học ở trường mầm non Minh Tâm khoảng 3, 4 buổi đã hoàn toàn thay đổi. Người em này trước đây là “phá gia chi tử” nhưng bây giờ đã về lạy mẹ, sám hối với ba, không còn uống rượu, gần như ăn chay. Trước đây, khoảng hơn 5 năm, người em này đã tránh mặt tôi, mỗi lần đi nhậu về thì mắng chửi mẹ. Đây là do họ không được dạy, khi được nghe đạo lý, hiểu được mình đã sai thì em tôi đã lạy, rửa chân cho mẹ và anh.
Hòa Thượng nói: “Con người có thể dạy được tốt”. Cái vốn thiện, lương tâm trong em tôi đã được trỗi dậy, nhưng họ cần có môi trường để tiếp tục tu dưỡng, nếu không thì họ sẽ trở lại như cũ. Tập khí xấu ác của chúng ta rất nhiều nếu không có môi trường thì chúng ta rất nhanh trở lại như cũ. “Phép tắc người con” có thể giải quyết được mọi vấn đề nhưng không nhiều người tin. Chúng ta đã chia sẻ về văn hoá truyền thống cách đây hơn 10 năm, hiện tại, trong tuần có rất nhiều lớp học, các lớp học đều miễn phí nhưng số người hưởng ứng học không nhiều, số người thật làm thì còn ít hơn.
Hòa Thượng nói: “Giáo sư, Tiến sĩ Thang Ân Tỷ nói, muốn giải quyết vấn đề của thế kỷ 21 thì chỉ có học thuyết của Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa. Nếu chúng ta dùng “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh”, “Thập Tam Kinh” có được không? Không thể. Những Kinh điển của Phật pháp Đại Thừa như “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Lăng Nghiêm” có thể giải quyết được không? Không thể. Những thứ bạn xem chỉ là hoa, lá, chưa tới được cành nhánh, cành nhánh cũng chưa giải quyết được. Chúng ta phải bắt đầu từ gốc thì mới giải quyết được. Gốc của nhà Nho chính là “Đệ Tử Quy”, gốc của Phật pháp chính là “Mười Thiện”.
Nhiều người giảng những đạo lý cao sâu, nhiệm màu nhưng vẫn chưa làm được tốt “Thập Thiện”, chưa biết cách làm người, cách đối nhân xử thế. Chúng ta quán sát, nếu việc này có đạo lý thì chúng ta phải nghe theo, làm theo! Chúng ta nói nhiều đạo lý nhưng không làm được những điều căn bản vậy thì chúng ta không có được lợi ích. Nếu từ nhỏ trẻ được cắm gốc nền tảng bằng “Thập Thiện”, “Đệ Tử Quy” thì lớn lên chúng chắc chắn sẽ hiểu được các Kinh điển khác. Đạo lý này chúng ta nghe nhiều lần nhưng chúng ta chưa thấu hiểu! Khi tôi được nghe Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc này thì tôi thử làm, ban đầu tôi cảm thấy khó khăn trùng trùng.
Cách đây hơn 10 năm, tôi đến chia sẻ ở một trường mầm non, mọi người đều rất cảm xúc nhưng khi làm, mọi người đều cảm thấy rất khó. Mọi người cảm thấy khó vì họ chỉ học mà chưa thật làm. Nếu chúng ta thật làm, sau đó chúng ta nói ra điều mình đã làm thì lời nói của chúng ta có lực, có sức chiêu cảm người. Hòa Thượng là người “giáo nhân bất quyện”, dạy người không biết mệt mỏi, Ngài nhắc đi nhắc lại để mọi người được thẩm thấu.
Trong xã hội hiện đại con người ngày càng sợ con người. Khi chúng ta nghe thấy điện thoại reo, chúng ta thường sẽ thấy có người nói chúng ta phạm pháp, nợ ngân hàng, chúng ta dần trở nên e dè, nghi ngại với người khác. Đây là tai nạn do con người làm ra. Ngày trước, một lần nhà tôi có khách, tôi chưa có máy lọc nước nên tôi đi ra chợ mua khoảng 4 thùng nước, tôi tự bê các thùng nước lên xe, người bán hàng sợ tôi là kẻ trộm nên tiến ra xe đếm lại. Đó là vì họ từng gặp những người làm việc sai trái nên họ nghi ngờ tất cả mọi người. Nếu con người luôn phải nghi ngại thì họ luôn phải ở trong tư thế phòng bị. Hôm qua, tôi đi mua đồ, tổng tiền hàng là 490.000 đồng nhưng người bán hàng là một thanh niên lại tính tiền cho tôi là 550.000 đồng, họ cho rằng họ có thể qua mặt, lừa gạt được mọi người. Tôi cảm thấy thương xót họ, họ có tâm thái luôn sẵn sàng lừa gạt người khác. Ngày nay, nhiều người luôn nghĩ cách lừa gạt người khác, họ cho rằng họ sẽ chỉ gặp người đó một lần, đây là họ đã cắt hết những nhân duyên tốt. Nếu họ được học phép tắc, chuẩn mực làm người, học không nói dối thì họ sẽ không làm như vậy.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dạy họ chuẩn mực, phép tắc làm người, không nên đem những đại Kinh, đại Luận phổ biến. Chúng ta phải đem “Đệ Tử Quy”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, phổ biến rộng rãi ra toàn thế giới, người người đều có thể thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày. Người người có thể thực tiễn “Đệ Tử Quy”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” thì tự nhiên thiên hạ thái bình, không hề có việc gì xảy ra”.
Khi còn nhỏ, tôi đi chùa cùng bà, tôi nhìn thấy hình ảnh Thập điện Diêm Vương, trong đó có hình ảnh người ăn cắp thì bị chặt tay, người nói dối thì bị cắt lưỡi, tôi cảm thấy rất sợ hãi, buổi tối về tôi nằm mơ nên tôi không dám ăn cắp, nói dối. Khi con người đạt đến trình độ nhất định thì họ sẽ tự tìm Đại Kinh, Đại Luận để học tập.
Khi chúng ta học xong “Phật pháp vấn đáp” thì tôi muốn cùng mọi người học tập “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú”, nhưng sau đó, tôi thấy, nếu học “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú” thì sẽ rất ít người hiểu được, do vậy tôi chuyển sang học “Phật học thường thức”. Khi mọi người có nền tảng vững chắc thì mọi người sẽ tự xây các tầng. Nếu tôi “tự tư tự lợi”, chỉ nghĩ đến mình học “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú” ngay thì trong giờ học nhiều người sẽ ngủ gục.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải bắt đầu cắm gốc từ chỗ này sau đó dần dần nâng lên. Đây mới là biện pháp tốt. Chúng ta giảng quá cao thì đó chỉ là lý tưởng, mọi người sẽ không làm được. Chúng ta nhất định phải cắm từ gốc. Gốc chính là giáo dục mười thiện, giáo dục chuẩn mực làm người. Những giáo dục này phải bắt đầu từ trong gia đình, từ cha mẹ”. Nếu không có nền tảng thì chúng ta không thể học lên cao, không xây móng thì không thể xây lên tầng. Nhiều người chỉ muốn học kiến thức rộng lớn mà không học kiến thức nền tảng, không học chuẩn mực làm người.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại, dạy học rất khó, không ít Thầy Cô từng kêu khổ trước mặt tôi, nói rằng học trò không dễ dạy, không nghe lời. Các bậc cha mẹ cũng nói con cái không nghe lời, rất khó quản, có rất nhiều vấn đề. Đây là căn gốc của xã hội động loạn. Chúng ta phải xem trọng giáo dục con cháu, phải dạy chúng chuẩn mực làm người”.
Nếu chúng ta không được giáo dục chuẩn mực, không có bạn bè tốt, chơi với bạn bè xấu thì chúng ta sẽ dần trở thành người xấu. Nếu chúng ta được tiếp xúc với người tốt thì chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta có thể nhận ra sai lầm, biết quay đầu hối cải. Chúng ta phải có thời gian, môi trường tu dưỡng thì chúng ta mới chân thật trở thành người tốt. Nếu không có môi trường tốt thì chúng ta sẽ “ngựa quen đường cũ”. Giác ngộ quay đầu mới chỉ là bước một, chúng ta cần có môi trường, có Thầy tốt bạn lành để dần chân thật thành người tốt. Hòa Thượng nói: “Con người có thể dạy được tốt”. Chúng ta có niềm tin, từ niềm tin đó chúng ta tích cực làm những việc lợi ích chúng sanh và nhắc nhở mọi người cùng làm.
*******************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!