Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 02/05/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 61
THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH MỚI LÀ CHÂN BẢO
Thuần thiện, thuần tịnh mới chân thật là chân bảo, những thứ của báu ở thế gian không phải là chân bảo. Chân bảo giúp chúng ta chân thật an vui. Người thế gian lao tâm khổ trí đi tìm của báu nhưng đó không phải chân bảo. “Tài, sắc, danh, thực, thùy” không phải là thật mà là giả, khi chưa có được thì chúng ta tìm cầu, khi có được rồi thì chúng ta lại phải tìm mọi cách bảo vệ.
Người trí thì đem vật chất chuyển thành phước báu. Người mê thì đem phước báu chuyển thành vật chất. Người có trí tuệ thì dùng tiền tài để làm việc lợi ích chúng sanh, đây là đem vật chất chuyển thành phước báu. Chúng ta ở cõi nào thì chúng ta cũng hưởng được phước báu nhưng vật chất chỉ có thể hưởng được ở thế gian. Chúng ta phải khó khăn để có được vàng bạc, châu báu nhưng những thứ đó chỉ là đất ở thế giới Cực Lạc. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cây làm bằng bảy báu, đất làm bằng vàng ròng.
Người mê cố gắng mang phước báu chuyển thành vật chất. Họ làm bất cứ việc gì thì họ cũng muốn chuyển đổi việc làm đó thành vật chất. Thí dụ, họ làm được một chút việc thiện lành thì mong muốn được “mua may bán đắt”, khỏe mạnh, sống lâu. Chúng ta chuyển phước báu thành vật chất, khi có nhiều vật chất thì chúng ta phải lao tâm khổ tứ tìm cách giữ gìn. Thí dụ, người có nhiều tài sản thì đi đến đâu họ cũng cần có vệ sĩ đi cùng. Người có phước báu lớn thì đến nơi nào họ cũng có cơm no, áo ấm, có nơi ở.
Khi Hòa Thượng đến Malaysia để giảng Kinh, Ngài được mời đến ở khách sạn 6 sao của ông Lý Kim Hữu, Hòa Thượng thường chỉ ở lại một đêm hoặc bất đắc dĩ thì Ngài ở lại hai đêm để phục vụ cho công tác giảng Kinh, nói pháp, xong việc Ngài rời đi, không có một chút lưu luyến. Ông Lý Kim Hữu rất kính trọng Hòa Thượng, khi ông mở pháp hội niệm Phật thì người đến niệm Phật được ở khách sạn hoàn toàn miễn phí.
Hòa Thượng không có tiền nhưng khi Ngài đến đâu mọi người chọn nơi tốt nhất để tiếp đãi Ngài, đây là vì lý do an toàn. Ở các khách sạn cao cấp, an ninh của họ rất nghiêm ngặt. Chúng ta chọn cách lao tâm khổ trí để có tiền tài, để được ở nơi cao cấp hay chúng ta chọn không cần lao tâm khổ trí? Tâm chúng ta thuần tịnh, thuần thiện, chúng ta toàn tâm toàn lực vì chúng sanh thì mọi việc đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ của chúng ta sẽ có sự sắp xếp, an bài.
Tôi cần đi đâu thì mọi người đã tự sắp xếp, tôi chỉ cần ra sân bay đúng giờ. Chúng ta hãy đem vật chất chuyển thành phước báu! Người không có trí tuệ thì đem phước báu chuyển thành vật chất, khi chúng ta có nhiều vật chất thì chúng ta cần có két sắt, có đội ngũ bảo vệ, việc này rất phiền phức! Hiện tại, chúng ta đi đến bất cứ nơi nào từ Sóc Trăng, Hồ Chí Minh đến Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắc-Lắc thì chúng ta đều có nơi để ngủ nghỉ, có rau sạch, đậu sạch để ăn. Nếu chúng ta chưa phát được tâm vì chúng sanh thì chúng ta có thể đi một chuyến để mở được tâm của mình.
Phật dạy chúng ta: “Bố thí tiền tài nhất định có tiền tài; Bố thí năng lực nhất định được thông minh, trí tuệ; Bố thí vô úy thì được khỏe mạnh, sống lâu”. Chúng ta đi một vòng để trải nghiệm thì chúng ta sẽ có niềm tin. Ngày nay, khi chúng ta nói điều gì cho mọi người nghe thì họ đều cần có bằng chứng, mọi người có thể đi để tự chứng thực. Đạo lý này chúng ta phải tham thấu, sau khi tham thấu thì chúng ta mới thật làm.
Sáng nay, khi tôi đang lạy Phật, tôi nghĩ đến các anh em trong đội cơ sở vật chất, tôi nhớ là sắp đến ngày giỗ Mẹ của một chú, tôi nhắc mọi người, nếu có vé máy bay giá rẻ thì đặt vé để chú được về nhà vào đúng dịp giỗ Mẹ. Chúng ta có “trăm công ngàn việc” nhưng những việc nhỏ nhất chúng ta cũng cần quan tâm. Hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm rất nhiều việc, mỗi khảy móng tay có hơn 32 triệu ý niệm, phần lớn những khởi tâm động niệm này là vọng tưởng, tham cầu, chấp trước, phiền não. Chúng ta phải khởi tâm động niệm đến những việc chân thật lợi ích chúng sanh.
Hiện tại, chúng ta đang đề xướng hiếu đạo, Phật pháp cũng chú trọng đến hiếu đạo. Hòa Thượng từng nói: “Đem tất cả Kinh pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật giảng trong 49 năm đúc kết lại trong một chữ thì đó chính là chữ “hiếu”. Khi nghe mọi người nói đến chữ “hiếu” thì tôi rất cảm động. Chúng ta cần quan tâm đến Cha Mẹ, chăm sóc khi Cha Mẹ đau ốm, nhớ đến ngày giỗ Cha Mẹ.