14Thứ Tư, 30/04/2025, 13:41

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 29/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 058: Không hiếu thân làm sao biết tôn sư

Người không hiếu thân tức là không biết hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ sẽ là người không thể biết tôn sư trọng đạo. Tôn sư trọng đạo chính là y giáo phụng hành, vâng lời dạy bảo của Thầy mà làm theo. Người xưa đã để lại lời chỉ dạy về đạo lý làm người, đó là khi ở nhà thì nghe lời cha mẹ, khi đến trường thì nghe lời thầy cô, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu. Đạo lý này ngàn đời trước và ngàn đời sau vẫn không hề thay đổi. Nếu có thay đổi nghĩa là con người đã làm mất đi bản chất làm người của mình.

Con người trong thời đại 4.0 hay 5.0 có thể tận dụng khoa học kỹ thuật giúp hỗ trợ cho đời sống tốt hơn, giúp hành hiếu tốt hơn, tôn sư trọng đạo tốt hơn thì đó mới là người có trí tuệ. Chúng ta là con người, không phải là cái máy cho nên nếu con người chạy theo khoa học kỹ thuật mà quên đi bổn phận làm người của mình thì thật là đáng tiếc. Ngày nay, chỉ cần bấm máy thì một chút xíu là đã có ngay nhiều thứ theo yêu cầu của mình. Sự thuận tiện này khiến con người có nhiều thời gian rảnh và họ có thể dùng thời gian ấy để cống hiến cho xã hội, cho chúng sanh, cho người thân của mình thì thật tốt. Tuy nhiên, người ta lại dùng thời gian rảnh đó để thỏa mãn tập khí xấu ác.

Niệm Phật thì Phật sẽ an bài tất cả. Việc này không sai nhưng nó chỉ đúng đối với người công phu có lực, với người tu hành đúng như lý như pháp. Công phu của họ sẽ chiêu cảm như vậy. Còn niệm Phật trong vọng tưởng và tham cầu thì phải cẩn thận. Có người mẹ niệm Phật đã rất lâu nhưng con của cô khi 13 tuổi đã bỏ nhà ra đi mặc dù lúc nhỏ nghe theo Mẹ cùng tu, cùng niệm Phật với Mẹ. Người Mẹ này đã không quan sát nên không biết con mình niệm Phật với thái độ gì, cho nên đến khi đứa bé đã chán cách sống mà Mẹ đưa ra nên bỏ đi. Rất nhiều con cái của những người học Phật đa phần đều trở hành bất hiếu vô nghì, thậm chí là phá gia chi tử.

Gần đây cũng có người có tình trạng tương tự gọi điện thoại cho tôi. Tôi khuyên rằng cần phải ngay từ gây giờ nỗ lực thay đổi, không nên ôn lại chuyện quá khứ. Câu chuyện của họ hiện đang diễn ra rất phổ biến trong nhiều gia đình. Lý do là vì họ đã lơ là giáo dục hiếu thân tôn sư và họ chỉ biết thương yêu và cung phụng con một cách mù quáng. Trước đây, tôi rất nghiêm khắc với hai đứa con, không cho chúng tiền, một tháng đi học, tôi chỉ gửi vừa đủ tiền ăn sáng, đổ xăng cho nên không dư tiền để làm việc sai trái. Cha mẹ quá cung phụng con khiến chúng dư tiền ra mà làm những việc đau lòng cha mẹ.

Nếu không xem trọng giáo dục làm người thì sau này khi lớn lên, trẻ không biết cách đối nhân xử thế tiếp vật, không biết cống hiến. Chúng chỉ biết hưởng thụ thì sẽ hoàn toàn tự tư ích kỷ, thậm chí tự tư ích kỷ với chính ông bà và cha mẹ. Người xưa đã dạy rằng: “Để sách lại cho con, chắc gì con đã đọc. Để tiền lại cho con, chắc gì con đã giữ được. Để âm đức lại cho con thì đời đời con cháu được hiển vinh.” Đạo lý này ngàn đời trước đã đúng và ngàn đời sau vẫn không thay đổi, cho dù là thời đại 4.0, 5.0 hay 6.0, 7.0 thì vẫn luôn đúng.

Một bài kiểm tra rất đơn giản về giáo dục đó là đồ ăn trong tủ lạnh khi được lấy ra thì ai sẽ là người ăn trước? Nếu là con ăn trước thì đã thấy ngay rằng đời sau sẽ là cháu ăn trước, ông bà ngồi nhìn. Cho nên người đi trước làm như thế nào thì người đi sau sẽ như thế đó! Cha mẹ biết hiếu kính, biết tôn sư trọng đại thì con cái sẽ không thể sống sai trái.

Hòa Thượng từng kể rằng ngày đầu tiên đi học, cha của Ngài đã lạy tam quỳ cửu bái trước tiền nhân, trước Khổng Lão Phu Tử và người thầy của Ngài một cách vô cùng cung kính và ai cầu thầy toàn quyền dạy dỗ. Ngài làm con đứng ở phía sau, thấy cha mình kính tổ tiên, kính thầy như vậy thì làm sao có thể dám xem thường, dám manh động. Vài năm trước, báo chí đưa tin cha mẹ đã đánh cô giáo, thậm chí đánh cả cô giáo đang mang thai. Người làm cha mẹ đối xử với cô giáo như thế thì tương lai con của họ sẽ trở thành người như thế nào? Đây là điều vô cùng quan trọng mà chúng ta phải tư duy quán sát! Mọi thứ khác như cơm gạo áo tiền, danh vọng lợi dưỡng đều không quan trọng bằng việc giáo dục con cái.

Hiện tại, nước ta đã tiến hành xóa nhà tạm, tương lai, giáo dục học đường và y tế được miễn phí và phần còn lại là giáo dục gia đình. Do đó, nếu chúng ta không dạy tốt con cái thì chúng ta là người vong ân trước bốn ân nặng. Bổn phận của chúng ta khi làm thầy cô thì phải dạy tốt học trò, làm cha mẹ thì phải dạy tốt con cái. Nếu chúng ta không biết làm việc này thì chúng ta chưa phải là trưởng bối. Trong Kinh Phật nói rằng: “Người trước không dạy thì đừng trách người sau” - Trưởng bối không dạy thì không thể trách con trẻ, chúng vốn dĩ như một tờ giấy trắng.