Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 30/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 059: Phép tắc chuẩn mực là quan trọng
Vũ trụ và trời đất thì rộng lớn bao la nhưng sự vận hành của chúng lại luôn có quy luật. Nếu có bất thường thì đó là do sự tác động của con người. Trong một gia đình, trong một đoàn thể hay mỗi cá nhân đều như vậy, cũng có phép tắc, chuẩn mực. Giới luật của nhà Phật hay còn gọi là phép tắc, chuẩn mực không phải do bề trên chế định ra để ép buộc bề dưới. Nhà Phật gọi giới luật là biệt giải thoát nghĩa là hành giả giữ được giới nào thì sẽ giải thoát khỏi giới đó. Ví dụ, người không nói dối sẽ được người tín nhiệm, người không uống rượu thì đầu óc luôn mình mẫn không bị lu mờ. Người uống rượu thường không phát sanh trí tuệ. Đối với giới trộm cắp, không có ai nói rằng họ rất thích bị mất trộm kể cả cọng rau, trái ớt. Cho nên bất kỳ ai vâng giữ giới luật, người đó chính là người được giải thoát chứ không phải bị ràng buộc.
Nhìn một đàn kiến đang đi, chúng ta sẽ thấy tính kỷ luật, tính nghiêm túc của chúng. Có lần tôi đi vào rừng nguyên sinh, tôi thấy chúng di chuyển rất nhanh nhưng rất trật tự, không con nào phá hàng mà đều đi trong hàng. Khoảng cách giữa các con kiến luôn rất đều nhau. Đàn kiến mà còn có kỷ luật nghiêm túc, vậy thì con người chúng ta nếu không có các nguyên tắc thì tư cách chúng ta sẽ trở nên thô tháo, không thể chấp nhận được.
Người có tướng mạo uy nghiêm, vóc dáng đĩnh đạc không phải là do bộ đồ và trang sức đắt tiền họ mặc mà do sự tuân thủ phép tắc chuẩn mực. Đoàn ngựa tham dự chương trình diễu binh cũng vậy, đều tuân theo người điều khiển, không có một động tác thừa nào. Chúng đã được rèn luyện chuẩn mực. Đội cảnh khuyển cũng rất có quy củ. Tiếng còi thứ nhất thì cất đầu lên, tiếng còi thứ hai thì nhổm người và tiếng còi thứ ba thì tất cả đồng loạt đứng dậy, sẵn sàng hành động. Đây chính là phép tắc, chuẩn mực.
Nhà Phật gọi những phép tắc đó là giới luật. Người thế gian nghe từ giới luật sẽ cảm thấy không liên quan, họ cho rằng mình không phải là phật tử, cho rằng đó là ngôn ngữ nhà Phật. Người thế gian đặc biệt là giới trẻ thời hiện đại cảm thấy phép tắc là một sự ràng buộc, khiến cuộc sống không được thoải mái. Đây là cách nhìn sai lầm! Mọi phép tắc, chuẩn mực vô cùng quan trọng đối với tư cách làm người. Hãy bớt chút thời gian xem tictok, lướt facebook của chúng ta mà quán sát lại mọi hành động việc làm, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của mình.
Việc không quán sát sẽ khiến hành nghi của chúng ta ngày càng thô tháo, bất cẩn mà không hề hay biết. Chúng ta là phàm phu nên phải hết sức cẩn trọng, chỉ cần không kiểm soát là những tập khí phiền não xấu ác, những thói quen đã theo từ vô lượng kiếp sẽ biểu hiện ra bằng những hành nghi thô tháo. Em nhỏ một, hai tuổi chẳng cần ai dạy bảo mà cũng có sẵn những tập khí tự tư ích kỷ, ham cầu ngay từ khi chào đời.
Hòa Thượng nói: “Trong ba năm đầu tôi học Phật, thân cận với Chương Gia Đại Sư, mỗi tuần tôi đến gặp ngài một lần, thường từ một đến hai giờ. Tôi thường được nghe Đại sư giảng giải và dùng bút viết nhiều lần câu nói: “Giới luật rất là quan trọng”. Sau khi Đại sư Chương Gia vãng sanh, tôi liền suy nghĩ lại rằng mình gần Ngài 3 năm thì mình học được gì? Tôi kiểm soát, nhớ đi nhớ lại, tôi mới thấy câu mà Đại sư nhắc đến nhiều nhất đó là giới luật rất quan trọng, phải tuân thủ giới luật. Không chỉ nói mà Đại sư còn giảng giải một cách tỉ mỉ, không rườm rà mà nói rất tinh gọn.
“Giới luật cũng giống như thẻ tàu hỏa, cầm thẻ mới được lên tàu, cầm thẻ không được tùy tiện đánh rơi, phải cầm cho đến khi tới ga cuối cùng. Trên tàu, đôi lúc người ta sẽ soát vé. Giới luật từ khi mới phát tâm tu hành cho đến khi thành Phật đều phải vâng giữ. Do đó, chúng ta đối với giới luật phải nhận biết rõ ràng. Trên Kinh Đại thừa, Tiểu thừa, Thế Tôn đều đã nói rằng: “Nhân Giới sanh Định, nhân Định sẽ khai Huệ”.
“Chúng ta tu hành là mong cầu Định Tuệ mà Giới hạnh lại là nền tảng của Định Tuệ. Thiếu nền tảng này thì Định Tuệ nhất định không thành tựu. Chỗ này cũng nói rõ vì sao người học Phật thời hiện đại không giống với người xưa. Chính là vì không có nền tảng Định Tuệ. Giới luật có chỉ, có tác. Chỉ là không được làm, tác là phải làm. Nói cho dễ hiểu là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Việc ác không làm mà việc thiện phải làm). Năm giới mười thiện là chỉ trì, phải vâng giữ. “Chư ác mạc tác” là chỉ, là không được làm và “Chúng thiện phụng hành” là tác, tức là phải nỗ lực mà làm. Việc lợi ích chúng sanh đều phải làm, nếu không làm là trái phạm tâm từ bi của chúng ta.