Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 28/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 057: Theo thầy, học thầy để trải sự luyện tâm
Giáo huấn của Phật rất thiết thực, không phải là những đạo lý cao siêu khiến chúng sanh khó hiểu hay không thực tiễn được trong đời sống. Phật đến thế gian là để cứu giúp, đưa ra phương tiện, phương pháp, đạo lý gần gũi chúng sanh để họ có thể tu tập, cải đổi quan niệm, hành động, việc làm của bản thân. Giáo huấn của Phật là Phật hóa đời sống của con người, tuy nhiên, có một số người cố tình biến giáo huấn của Phật trở nên huyễn hoặc, bí mật. Hòa Thượng khẳng định không có bí mật.
Trên Kinh Pháp Hoa Phật nói: “Ta ra đời là để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” tức là Ngài đến thế gian là để dẫn dắt chúng sanh thấy được tánh Phật vốn có của bản thân, để giúp họ biết rằng tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng, năng lực giống y như Phật nhưng đang bị tập khí phiền não sâu dày che lấp. Từ nhận biết này, chúng sanh áp dụng lời dạy của Phật để tự mình chuyển đổi, tự mình tìm lại thứ vốn có bên trong. Cho nên giáo huấn của Phật gần gũi chứ không xa vời, không phải để đó mà chiêm bái hay để đó mà nghiên cứu.
Người học trò đi theo thầy là để học tập những kinh nghiệm mà thầy đã trải qua trong quá trình tự mình chuyển đổi, tự mình thực tiễn lời giáo huấn của Phật trong đời sống. Mọi sự mọi việc trong Phật pháp và trong thế gian đều cần có sự truyền thừa của thầy, như câu nói thế gian: “Không thầy đố mày làm nên”. Tuy nhiên có thầy chánh pháp tức là làm theo lời Phật dạy và có thầy tà pháp tức là chỉ làm theo thói hư tật xấu bản thân mà không làm theo lời Phật dạy. Cho nên gặp được một vị thầy chánh pháp là thiện căn phước đức nhân duyên của chúng ta. Thành công đã được một nửa, nửa còn lại là nỗ lực bản thân. Nếu gặp thầy tà là sự bất hạnh, khiến cả một đời không đủ thời gian để tìm thầy, để thay đổi.
Có người hỏi tôi rằng họ đã quy y sáu lần rồi, quy y thêm lần nữa có sao không? Họ đã đứng ở ngã sáu rồi nên chẳng biết đi đường nào. Hơn 70 tuổi rồi mà còn như vậy, nếu có bước sang ngã bảy thì cũng vẫn vậy. Trước đây, họ có một vị thầy rất đáng kính nhưng khi vị thầy ấy viên tịch thì họ bắt đầu bôn ba đến những nơi vui, lạ, huyễn hoặc, có cảm ứng. Giá như họ tập trung cả đời vào lời dạy bảo của một vị thầy khả kính ấy, họ đã không bị xen tạp và đã có thành tựu.
Hòa Thượng nói: “Trải sự luyện tâm là luyện tâm gì? Luyện nhất tâm. Trong mọi cảnh giới, trong mọi sự mọi việc, xem bạn có nhất tâm hay không? Cái gì gọi là nhất? Nhất định không có vọng tưởng, không có phân biệt chấp trước, sự sự vô ngại. Nếu bạn đạt đến cảnh giới này thì đây là hành pháp rất cao. Nếu chưa đạt được cảnh giới này thì nhất định cần một vị thầy dẫn dắt. Bởi vì bạn phân biệt, chấp trước rất nặng, chưa xả được nên bạn cần có một vị thầy. Nếu theo một vị thầy thì bạn chỉ có một phân biệt. Cũng như khi chúng ta bị bệnh mà theo một thầy thì uống một toa thuốc, theo hai vị thầy thì uống hai toa thuốc. Hai người sẽ có hai cách nói khác nhau, vậy thì bệnh của chúng ta nhất định sẽ nặng hơn chứ không nhẹ đi.
“Trong tu hành cũng vậy, chúng ta chỉ được thân cận với một vị thiện tri thức, không thể tiếp cận hai vị thiện tri thức. Vì sao? Vì hai người có hai con đường, hai phương hướng, hai lối đi, chắc chắn bạn sẽ không đi đến được nơi bạn cần. Một người muốn có thành tựu thì nhất định phải đi theo một vị thầy, người xưa gọi là sư thừa. Ví dụ về Thiện Tài Đồng Tử trên Kinh Hoa Nghiêm rất tốt, cho thấy rằng khi Thiện Tài Đồng Tử tu học nhưng căn bản trí của Ngài chưa khai mở thì Ngài chỉ theo một vị thầy, đó là Bồ Tát Văn Thù.
“Một vị thiện tri thức chân thật khi nhận dạy một người học trò thì liền hỏi người đó rằng: “Trước đây anh học với ai, thân cận thiện tri thức nào và đã đọc qua những quyển sách gì?” Nếu chúng ta nói rằng đã đọc qua rất nhiều sách và đã thân cận với thiện tri thức nào đó, thì người thầy sẽ khuyên chúng ta hãy quay về học với vị thiện tri thức đó. Nếu đã tiếp xúc qua, đã có nhiều kiến giải xen tạp thì không thể dạy thêm được gì!
“Tất cả thế gian và xuất thế gian pháp đều phải có thầy dẫn dắt. Nếu không có vị thầy hướng dẫn thì chúng ta sẽ tu mù luyện quáng. Chúng ta nên biết, thầy thì có thầy tà, thầy chánh. Trên Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói rằng hiện tại ở thế gian này, tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng. Một minh sư không dễ mà tìm, không dễ mà gặp được. Gặp được thiện tri thức là thiện căn, phước đức, nhân duyên của bạn, còn nếu gặp ác tri thức (thầy tà) thì đó là bất hạnh của bạn, bạn phải xem lại thiện căn, phước đức, nhân duyên của mình. Người tu hành ở hiện tại rất khó vì không có sư thừa, tức là không có vị thầy dẫn dắt và còn quá nhiều sự xen tạp. ”