Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 27/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 056: Phải tu học Giác Chánh Tịnh
Phật pháp hoàn toàn không mê tín, ỷ lại, nương nhờ. Việc tu học Phật pháp phải bắt đầu từ Giác Chánh Tịnh, từ nỗ lực bản thân. “Quy y Phật là quy y Giác mà không mê, quy y Pháp là quy y Chánh mà không tà và quy y Tăng là quy y Tịnh mà không nhiễm”, không còn ý niệm tham cầu lợi dưỡng, không tự tư tự lợi, không có ý niệm hưởng thụ năm dục sáu trần. Tuy nhiên, có người cho rằng cuộc đời mà không đi chơi, mua sắm, không hút thuốc, không cà phê thì sống chẳng để làm gì. Đây là ý niệm sai lầm!
Người học Phật trước tiên phải quy y Phật, thọ trì Tam Quy, gìn giữ Ngũ giới. Quy y Phật Pháp Tăng là quy y Giác Chánh Tịnh chứ không nên hiểu lầm rằng quy y Phật thì sẽ được Phật che trở, được tai qua nạn khỏi. Quy y Pháp là Chánh mà không tà. Chữ “Tà” chỉ cho những ý niệm sai quấy. Chúng ta hãy quán sát để biết hằng ngày mình sống trong ý niệm tà vạy nhiều hơn ý niệm chánh.
Cho nên Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta tu học và mong cầu đều là Giác Chánh Tịnh, mong cầu trở về với tự tánh Giác, tự tánh Chánh, tự tánh Tịnh. Nếu người học Phật mà hằng ngày còn cầu cơm no áo ấm, mạnh giỏi bình an, tai qua nạn khỏi, tuổi thọ dài lâu thì vẫn là mê tín. Nếu tu học bắt đầu từ tượng Phật bằng gỗ, bắt đầu từ Kinh sách trên những đống giấy hay bắt đầu từ tăng là ai đó tu hành chứ không phải chính mình tu hành thì đã sai rồi!
Hòa Thượng nói: “Tu học nơi Phật pháp là tu Giác Chánh Tịnh, là học Giác Chánh Tịnh, là cầu Giác Chánh Tịnh. Vì vậy, nếu bắt đầu từ Giác Chánh Tịnh thì Phật giáo khộng phải là mê tín. Nếu đã đạt được Giác Chánh Tịnh thì Nhà Phật có câu Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng nghĩa là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, mọi thứ đều có thể đạt được. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả pháp đều là từ tự tánh biến hiện, cũng từ tự tánh mà cảm ứng. Nhân quả chính là đạo lý cảm ứng rất rõ ràng!
“Chúng ta thường nghe nhân thiện có quả thiện, nhân ác có quả ác. Tự tánh Giác, tự tánh Chánh, tự tánh Tịnh là thuần thiện vô ác, vậy thì có thiện quả nào mà chúng ta không đạt được? Tám vạn bốn ngàn pháp môn nơi nhà Phật, vô lượng vô biên phương pháp, phương thức của nhà Phật cũng là để tu Giác Chánh Tịnh. Cho nên Giác Chánh Tịnh là vô cùng quan trọng! Vì họ (những người tu học Phật pháp) không quay về với Giác Chánh Tịnh nên việc này đã khiến cho rất nhiều người xem Phật giáo là mê tín.
“Chúng ta không thể trách người vì điều này! Nếu không tin, chúng ta hỏi một người học Phật nào đó rằng: “Phật dạy bạn cái gì? Bạn tu học là tu học cái gì?” Đa phần là không ai trả lời được! Bạn quy y rồi thì quy y với ai? Quy y một vị nào đó thì điều này đáng lo rồi! Vậy thì làm sao mà không mê tín! Một môn giáo dục tốt đến như vậy lại trở thành một sự mê tín. Việc này rất là bi ai!
“Chúng ta đã rõ ràng tường tận việc này rồi thì hãy nói với những người học Phật và chưa học Phật để họ biết bản chất đích thực lời giáo huấn của Phật đối với chúng sanh. Nói rõ hơn là sở học, sơ tu, sở cầu của chúng ta là gì? (đều là Giác Chánh Tịnh). Mọi người đều chân thật thấu hiểu rồi thì mới thật làm, không đến nỗi bài trừ. Chẳng những không bài trừ mà còn bằng lòng tiếp nhận giáo huấn của Phật.
“Trước đây có một người, sau khi nghe tôi giảng tam quy ngũ giới, đã gặp và nói với tôi rằng: “Một người làm việc như tôi cũng có thể tiếp nhận Tam quy Ngũ giới”. Do đây có thể biết, đối với Phật pháp, không thứ gì không biết nên mới không tạo thành sự hiểu lầm. Cho nên cuốn sách “Nhận thức Phật giáo” là vô cùng cần thiết, mọi người phải đọc qua để nhận biết rõ ràng về giáo huấn của Phật.
“Tám mươi bốn ngàn pháp môn, cái tu chính là Giác Chánh Tịnh, nghĩa là chúng ta phải từ nơi mê hoặc, điên đảo quay trở về nương tựa vào tự tánh Giác, thì đây gọi là quy y Phật. Từ nơi tư tưởng sai lầm quay trở về nương tựa tri kiến của Phật, thì đây gọi là quy Pháp. Từ trong sự ô nhiễm quay về nương tựa tự tánh Tịnh, thì đây gọi là quy y Tăng. Cho nên chỉ cần sáu căn của bạn ở nơi cảnh giới sáu trần không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước thì đó chính là tự tánh Giác, tự tánh Chánh, tự tánh Tịnh.”