37Thứ Tư, 23/04/2025, 16:06

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 23/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 052: Thầy dạy sao làm vậy, mới học được thứ cần học

Hành giả tu hành thật học, thật làm thì mới học được những thứ cần học. Hòa Thượng theo học thầy Lý Bỉnh Nam 10 năm. Đây là trường hợp đặc biệt vì thường thì chỉ ba đến năm năm là học trò đã rời đi. Nhờ 10 năm này, Hòa Thượng thật học, thật làm thì mới thật có thành tựu, mới có 70 năm hoằng truyền Phật pháp viên mãn. Ngài là tấm gương cho chúng ta học theo. Bài học hôm nay, Hòa Thượng đã kể lại quá trình Ngài theo học với thầy của mình.

Hòa Thượng nói: “Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là truyền nhân của Tổ sư Ấn Quang. Khi tôi theo học với Ngài, các bạn đồng học ở liên xã Đài Chung có đến 20 người. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam hoằng pháp ở Đài Chung 38 năm, người nghe Ngài giảng Kinh nói pháp, tôi nhẩm tính, có đến năm sáu chục ngàn. Thế nhưng, xem kỹ lại thì người có thể tiếp nhận được Phật pháp từ Ngài để hoằng truyền được Phật pháp đến với chúng sanh thì chỉ có ba người. Đây không phải là lão sư bòn pháp hay thiên vị chỉ đặc biệt truyền dạy riêng cho một ai đó! Tâm lão sư thanh tịnh, bình đẳng, đại từ đại bi, vấn đề là học trò có thật học, thật làm hay không?

Người chịu học là người buông bỏ thành kiến, phiền não, tập khí của chính mình. Lão sư dạy bảo thế nào thì chúng ta làm như thế đó, lão sư không cho phép làm thì nhất định chúng ta không được vi phạm. Loại người như thế này mới là pháp khí, mới có thể học được thứ cần học. Lần đầu tiên khi tôi đến Đài Chung, gặp mặt với thầy, tôi đã nói rõ mong ước của tôi. Mục đích của tôi đến đây là để học giảng Kinh, nói pháp. Câu đầu tiên mà thầy nói với tôi là: “Con muốn đến đây để học thì phải đáp ứng với ta ba điều kiện. Ba điều kiện này mà con có thể tiếp nhận thì hoan nghênh con đến! Còn nếu không tiếp nhận ba điều kiện này thì con đến nơi khác mà cầu minh sư.

Hòa Thượng dạy chúng ta buông bỏ thành kiến tức là buông bỏ cái thấy của riêng mình, vốn dĩ kiên cố như thành lũy. Người biết nghe lời, thật làm theo thầy được gọi là bậc pháp khí, là người có thể kế vạn khai lai, tiếp nối mạng mạch truyền thừa của Phật Bồ Tát Thánh Hiền. Trên cuộc đời này, chúng ta có thấy ai không biết nghe lời thầy mình mà có thể thành công không? Người đời, người tri thức nhìn thấy người phản thầy thì cảm thấy vô cùng ngán ngẩm, tuy vậy, người đó lại không nhận ra, ngông nghênh mà cho rằng họ không cần đến thầy. Hình ảnh của một người phản thầy ngông cuồng như vậy sẽ đào tạo nên những người học trò bất hiếu, bất kính. Họ sẽ tồn tại được bao lâu? Chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vì nếu không bị nghiệp lực thì cũng bị oan gia trái chủ lôi đầu.

Người xưa nói một vị quan tốt xuất thân từ người con hiếu hạnh, một người có thể hoằng truyền Phật pháp phải là người chân thật biết nghe lời thầy của mình. Tuy vậy, ngày nay, thật ngược đời, người ta vẫn tung hô những người trái sư bội đạo. Đây là dấu hiệu hết sức đáng lo ngại! Nếu ai ai cũng được dạy từ nhỏ về hiếu kính cha mẹ thì khi lớn lên, họ thấy người bất hiếu bất kính, phản thầy bội đạo, họ sẽ không đến gần. Một người chân thật là đại trương phu thì ngay từ trong tâm tư tình cảm đến hành động tạo tác đều chánh đại quang minh. Tuy nhiên, ngày nay, người ta làm ra những việc bề ngoài như thể chánh đại quang minh, nhưng bên trong lại là tư tình, tư dục. Chúng ta từng thấy trên báo chí đang rộ lên thông tin người tu hành mà xâm hại rất nhiều đứa trẻ. Đây là việc nghiêm trọng về giới tính. Trong Giới luật nhà Phật luôn xem trọng một cách nghiêm ngặt về giới tính, hoặc thật là nam, hoặc thật là nữ mới được phép xuất gia.

Cho nên, chúng ta phải luôn nhớ tới lời dạy của Hòa Thượng Tịnh Thuận rằng: “Đừng tu quanh tu quẹo, đừng tu lợi tu danh, đừng tu dục tu tình, đừng tu gian tu dối”. Những gì thầy cho làm thì học trò mới được làm. Năm năm đầu tiên phải là tinh chuyên giới luật, chỉ ở bên cạnh thầy, làm theo lời thầy dạy bảo. Ngày ngày phải biết cách chăm sóc trưởng bối, biết giặt đồ, rửa bô, quét dọn. Thậm chí, việc ăn uống cũng ăn sau thầy, ăn thức ăn thừa của thầy. Không phải thầy muốn học trò phải ăn thức ăn thừa mà mục đích giáo dưỡng là để cho người học trò biết cách phục vụ trưởng bối, biết cách tu phước báu. Đi đứng nằm ngồi đều dưới sự giám sát của thầy, chịu sự dạy bảo nghiêm túc từ thầy.