Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 22/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 051: Sư phụ dẫn vào cửa, còn tu hành là ở mỗi người
Thích Ca Mâu Ni Phật từng nói: “Trên bước đường giải thoát ta chỉ là người dẫn đường còn đến được bến bờ giải thoát hay không là chính các con phải tự nỗ lực.” Phật từng phải vượt qua sự quấy nhiễu của Ma vương, cũng là biểu pháp cho thấy mọi sự tu hành, chuyển tâm phải là nỗ lực của bản thân chứ không thể ỷ lại nương nhờ. Do đó, sư phụ là người chỉ dạy cho chúng ta còn tu hành thì phải tự thân ở mỗi người. Nếu chúng ta được tiếp nhận lời dạy bảo rồi mà không chịu tu hành, vẫn chạy theo “danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần” thì phiền não, chướng ngại sẽ không hề thuyên giảm.
Cũng có câu rằng: “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Trong Kinh Địa Tạng, cô Quang Mục Nữ thấy mẹ đọa địa ngục nên đã nỗ lực tu hành, nhờ đó, người mẹ của cô Quang Mục cũng đã chuyển tâm tu hành. Mẹ của ngài Mục Kiền Liên cũng vậy! Mục Kiền Liên là đệ tử thần thông bậc nhất trong số các đệ tử của Phật. Ngài quán sát thấy Mẹ của mình đọa địa ngục do lòng tham, Ngài dùng bát cơm khất thực được dâng lên Mẹ, nhưng người Mẹ vừa cầm bát cơm thì lấy tay che lại, không muốn cho ai ăn, do đó, miếng cơm đưa lên miệng thì cơm hóa thành than. Đây là do tâm cảnh của con người sinh ra. Nếu lúc ấy, bà mang cơm chia cho quỷ đói thì bà liền thoát khỏi cảnh đói khổ. Con người ngày nay làm sao có thể phát được tâm sẻ chia như vậy khi lòng tham của họ là vô cùng vô tận? Đây là việc khó đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự chuyển đổi nội tâm. Trên bước đường chuyển đổi ấy, sư phụ là người dẫn lối vào đạo, còn thành tựu hay không là ở mỗi người.
Không phải cứ quy y Phật là có thể nương nhờ Phật để hưởng thụ an vui. Phật là người giảng dạy đạo lý, phương pháp cụ thể còn chúng ta phải là người dũng mãnh tinh tấn đặc biệt thì mới có thành tựu. Các tấm gương tu hành trong nhiều đời cho thấy các Ngài đều hết sức nỗ lực, đều buông bỏ “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”, không có chút gì vướng bận trong tâm. Các Ngài làm được nhiều việc cho chúng sanh nhưng không hề thấy bản thân làm được gì.
Tổ Ấn Quang từng dạy chúng ta: “Hãy xem thấy chúng sanh là Bồ Tát, chỉ riêng ta là phàm phu, phước mỏng, nghiệp dày’. Nếu dùng tâm thái này mà tu hành thì chắc chắn sẽ thành tựu. Ngược lại, ngạo mạn cho rằng “tự dĩ vi thị” - tự mình là đúng, tự mình là hơn, chẳng ai bằng mình thì sẽ thất bại. Đây chỉ là tự mãn, coi mình đã đủ đầy rồi nên không tiếp nhận thêm, thậm chí coi kiến thức sai lầm mình có được là đúng nên bản thân không thể hấp thụ thêm điều gì khác. Mỗi chúng ta đều có tâm cảnh này!
Do đó, tu học hay học vấn ở thế gian phải có thầy dẫn dắt. Điều quan trọng là người học trò phải biết làm theo chứ không nên học lý thuyết suông để tô điểm thêm cho cái “ta” và cái “của ta”, tránh trường hợp cho rằng mình là người học Phật, biết nói lý thuyết hơn người. Trường hợp, người học Phật lợi dụng Phật pháp để truy cầu danh lợi thì càng tệ hại hơn. Phật dạy Bồ Tát phải biết bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy.Thực hành điều này nghĩa là mỗi hành giả học Phật phải nên dâng tặng sự an lành cho mọi người một cách vô điều kiện, dâng tặng cho mọi người năng lực, trí tuệ của mình. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người học Phật chưa làm theo như vậy song lại gọi nhau là Bồ Tát! Bồ Tát mà còn tham sân si, còn tự tư tự lợi, còn hại người lợi mình sao? Điều này đã được Phật dạy trên Bồ Tát Chí Nhạo Kinh rằng Ma tử Ma tôn, trong thời kỳ mạt pháp, dùng hết mỹ từ của nhà Phật để tán thán nhau làm tăng thêm danh vọng.
Chúng ta phải biết rằng người tu hành làm bất kỳ việc gì mà tăng thêm “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” thì đều đã rơi vào Ma đạo, xa rời Phật đạo, uổng phí một đời gặp Phật pháp. Phật từng cảnh báo rằng: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, vậy mà giờ đây chúng ta đã có thân người, đã gặp được Phật pháp, đã gặp được chuẩn mực Thánh Hiền. Đây chính là thiện căn phước đức nhân duyên. Do đó, nếu chỉ vì tập khí phiền não xấu ác nêu trên mà bỏ lỡ cơ hội này thì biết đến bao giờ chúng ta mới có lại được!