
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 24/04/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 53
GIÁO DỤC NỀN TẢNG LÀ GIÁO DỤC NHÂN QUẢ
Giáo dục nền tảng của giáo dục Phật Đà là giáo dục nhân quả, giáo dục nền tảng của Thánh Hiền thế gian là giáo dục luân lý đạo đức. Giáo dục nhân quả là vô cùng quan trọng. Một đứa trẻ từ nhỏ được dạy về nhân quả thì khi lớn lên chúng sẽ biết thu liễm khởi tâm động niệm. Nếu các con được dạy không được giết hại chúng sanh nhỏ bé thì khi lớn lên, chúng sẽ không tùy tiện sát sanh. Thí dụ, khi một cô giáo bảo các con xếp vào hàng thì có một đứa trẻ nhất định không đứng vào hàng, con nói với cô là chỗ của con đang đứng có rất nhiều kiến. Những đứa trẻ tùy tiện giết hại côn trùng là vì chúng không được dạy là phải yêu thương, không làm tổn hại chúng sanh.
Thầy Trần nhắc, Bố Mẹ phải luôn dõi theo từng hành động nhỏ nhất của con, nếu không điều chỉnh thì các con sẽ dần phạm phải những sai lầm lớn. Khi tôi ở Hòa Phú, tôi nhìn thấy những đứa trẻ đuổi bắt những con bướm, nếu không có người lớn quán sát thì trẻ sẽ tùy tiện, từ nhỏ các con đã tùy tiện thì khi lớn lên các con sẽ càng tùy tiện hơn. Cha Mẹ, Thầy Cô phải luôn để các con trong tầm mắt của mình.
Hòa Thượng nói: “Trên Kinh luận, Phật đã giảng nói tiêu chuẩn của thiện ác, đối với người sơ học thì chú trọng giáo dục của Mười thiện, giáo dục của “A-nan vấn Phật kiết hung Kinh”. Người tu hành tại gia tuân theo “Năm Giới”, “Mười Thiện”. Người xuất gia tuân theo tiêu chuẩn, giới luật mà trên Kinh Phật đã chế định, ngoài ra còn có “Di Lặc Bồ Tát sở vấn Kinh”. Chúng ta đều đã thuộc những điều Phật đã dạy trên “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Cuốn “A-nan vấn Phật kiết hung Kinh” và “Di Lặc Bồ Tát sở vấn Kinh” chưa phổ biến nên có thể nhiều người trong chúng ta chưa biết.
Cư sĩ tại gia chúng ta chỉ cần làm tốt “Năm Giới”, “Mười Thiện”, đây là tiêu chuẩn đỉnh cao của làm người. “Mười Thiện” là thân không Sát, đạo, dâm; Miệng không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác và nói lời thêu dệt; Ý không tham, sân, si. Chúng ta có thể hoàn thiện mười điều này thì hành nghi của chúng ta đã khiến Trời, Người cung kính. Nếu “Trời” cung kính thì Quỷ thần và chúng sanh ở các tầng không gian khác cũng sẽ cung kính. Chúng ta không cần phải làm điều gì lớn lao mà chúng ta chỉ cần làm tốt “Năm Giới”, “Mười Thiện”. Hằng ngày, chúng ta vẫn đang phạm phải “Năm Giới”, “Mười Thiện”.
Hòa Thượng nói hai lỗi mà chúng ta dễ phạm nhất là nói dối và ăn cắp. Chúng ta thường ăn cắp thời gian. Một ngày theo quy định thì chúng ta phải làm việc 8 giờ, nếu chúng ta tăng ca thì chúng ta nhận lương gấp đôi. Ngày trước, tôi cũng phạm phải việc này, khi được giao việc thì tôi cố ý kéo dài thời gian, sau đó, tôi ở lại thêm 2 giờ để hoàn thành công việc đó và tôi được tính là làm thêm 4 giờ. Nhiều người cho rằng họ đã làm tốt, nhưng họ không được Trời Người cung kính, đó là do họ chưa làm đạt đến tiêu chuẩn nhất định.
Trên giới Kinh kể câu chuyện, Ngài Tuyên Luật Sư giữ giới tinh nghiêm nên đến giờ cơm thì có Tiên nhân mang cơm đến cúng dường cho Ngài. Việc này không kỳ bí hay mê tín, nếu chúng ta tinh chuyên “Năm Giới”, “Mười Thiện” thì Trời, Người, Quỷ thần đều sẽ cung kính với chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành mà Quỷ Thần trêu trọc, quấy nhiễu thì chứng tỏ bạn chưa tu gì cả!”. Chúng ta phải phản tỉnh về điều này! Chúng ta tu học mà bị ma đến phá, thì chứng tỏ chúng ta chưa chuyển được tâm phàm của mình. Nếu chúng ta chuyển được khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thì mọi sự, mọi việc sẽ hết sức tốt đẹp. Tôi ở đây rất nhiều năm, tôi không nhìn thấy hiện tượng gì lạ thường nhưng rất nhiều người đến đây gặp phải những chuyện ly kỳ. Hằng ngày, chúng ta phải lão thật, thành thật làm việc lợi ích cho mọi người. Ở đây, nơi tôi ở cách xa nhà của mọi người, nếu tôi muốn tặng quà cho người khác thì tôi phải dùng xe ô-tô để chờ đồ đi. Chúng ta không ngại khó thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng, bình an.
Hòa Thượng nói: “Tổ Sư Ấn Quang là Bồ Tát tái lai, Ngài đại từ đại bi vì thời hiện đại này mà định đặt ra giáo dục nền tảng, đó chính là giáo dục nhân quả. Chúng ta quán sát, tư duy thì thấy giáo dục nhân quả là vô cùng cần thiết!”. Khi còn nhỏ, tôi đi chùa cùng bà nội, tôi rất sợ khi nhìn thấy hình ảnh Thập Điện Diêm Vương, ở đó trưng bày các hình phạt, thí dụ như người ăn cắp thì bị chặt tay, người nói dối thì bị cắt lưỡi. Có những người nói dối, nói đôi chiều mà khiến người khác tan nhà, nát cửa, buồn phiền.
Hòa Thượng nói: “Ngài không dùng Phật pháp mà dùng “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “An Sĩ Toàn Thư” làm tiêu chuẩn của tâm hạnh thiện và ác, để thay thế giới luật. Những tác phẩm này rất sâu sắc, phù hợp với mọi người, rất dễ dàng được tiếp nhận”. Điều quan trọng là giúp mọi người được tiếp nhận giáo dục nền tảng về nhân quả. Đây là sự khải thị cho chúng ta. Mỗi quốc gia có phong tục tập quán riêng, điều quan trọng là phải giúp mọi người dễ dàng tiếp nhận giáo dục nhân quả. Người xưa dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây cũng là giáo dục nhân quả.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thống nhất đất nước, tôi đã phát động mọi người đến thăm các di tích lịch sử, đến các nghĩa trang, thăm các mẹ Việt Nam anh hùng. Đây chính là chúng ta “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Không phải chúng ta xây chùa, tháp thì chúng ta mới có phước, chúng ta xây trường học, thúc đẩy giáo dục lợi ích cộng đồng xã hội, giúp mọi người hướng thiện chính là chúng ta đang làm công tác giáo dục nhân quả.
Chúng ta là người tại gia, nếu chúng ta mặc quần áo nâu, tự tiện cắt tóc thì sẽ khiến mọi người cảm thấy khó gần gũi thậm chí cảm thấy sợ. Gần mười năm nay, tôi thay đổi cách ăn mặc để phù hợp với hoàn cảnh, khi mọi người nhìn thấy tôi thì họ không còn thấy chướng ngại, mọi người nhìn thấy tôi thì đều chào niềm nở. Hôm trước, khi tôi đi ăn, tôi mặc một bộ quần áo vest, có một quý Thầy ngồi bàn bên cạnh nhìn tôi, sau đó, Thầy hỏi tôi, có phải tôi là người tổ chức lễ tri ân Cha Mẹ không, sau đó, Thầy gật đầu chào tôi.
Tổ Sư Ấn Quang là Tổ sư thứ 13 của Tịnh Tông nhưng Ngài in sách thiện nhiều hơn in sách Phật. Năm 1977, khi Hòa Thượng đến Hồng Kông giảng Kinh, Ngài vào thư viện, Ngài xem số lần tái bản của các bộ sách thiện thì nhận thấy số sách thiện được in nhiều hơn rất nhiều so với Phật Kinh. Ngài cảm thấy rất ngạc nhiên nhưng sau đó, Ngài hiểu rằng, Tổ Sư đã rất đại từ, đại bi, sách giáo dục nhân quả đó gần gũi với cộng đồng xã hội nên Tổ Sư đã in rất nhiều. Ngày nay, rất nhiều người phát tâm in Kinh, in sách, họ in theo cách của mình, tốn rất nhiều tiền nhưng không dùng được.
Trước đây, mọi người cho rằng “Kinh Vô Lượng Thọ” hay “Kinh Pháp Hoa” rất tốt, mang lại nhiều phước đức, mọi người in rất nhiều, nhưng những Kinh sách này không có người đọc, một thời gian ngắn thì chúng trở thành thức ăn cho mối. Trước đây, có một người in 5000 bản cuốn “Quan Âm Cứu Khổ” để tặng, tôi bảo họ, họ có thể dùng tiền làm việc khác được không, có một vị Phật tương lai đang rất khổ, họ cần một chút tiền để trang trải cuộc sống nhưng người này vẫn chỉ muốn dùng tiền để in sách. Chúng ta phải làm những việc chân thật có lợi ích cho chúng sanh, nếu chúng ta tùy tiện nghe theo lời người khác thì chúng ta sẽ phạm sai lầm. Gần đây, có một Spa chăm sóc sắc đẹp, mọi người ở đó rất thích đọc “Những tấm gương đức hạnh Việt Nam”, tôi đã gửi tặng họ 100 quyển và họ đã lập nhóm cùng nhau nghiên cứu, học tập những tấm gương đức hạnh Việt Nam.
Tổ Ấn Quang đã sống cách chúng ta rất nhiều năm, Ngài không in Phật Kinh mà in sách thiện của Nho giáo, Đạo giáo. Chúng ta phải xây dựng giáo dục nền tảng, giáo dục nhân quả trong mỗi gia đình. Trong gia đình, Ông Bà phải dạy con cháu, Bố Mẹ phải dạy con về giáo dục nhân quả. Người xưa đã dạy: “Bánh ít đi bánh quy lại” hay “Con ăn thì hết người ăn thì còn”.
Hòa Thượng nói: “Tổ Sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí của thế giới Tây Phương Cực Lạc tái sanh, Ngài dạy chúng ta những việc làm này nhất định không sai! Tổ sư Ấn Quang cả đời tích cực đề xướng giáo dục nhân quả, chúng ta những đồng tu Tịnh Độ phải nên kế thừa chí nguyện này của Tổ Sư”. Cách dạy của Tổ Sư Ấn Quang tương ưng với cách dạy của Bồ Tát Đại Thế Chí trên Kinh. Chúng ta phải kế thừa, tiếp nối lời dạy của Tổ Sư Đại Đức. Hiện tại, chúng ta đang dạy các con kỹ năng sống như quét nhà, nấu cơm, trồng rau, nhổ cỏ. Ngày trước, có một người đến ở đây với tôi, họ đã lập gia đình, khi tôi đi công tác, tôi dặn anh ở nhà nhổ cỏ, anh đã nhổ hết rau bạc hà của tôi. Anh không được dạy nên không biết cách phân biệt giữa rau thơm và cỏ.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải chân thật phát tâm gánh vác việc hoằng pháp lợi sanh, tiếp nối sự nghiệp của Như Lai, đem giáo huấn của Tổ sư mở mang rộng lớn, việc này đích thực là có thể cứu giúp xã hội”. Phật Bồ Tát đến thế gian để giúp ích, phục vụ chúng sanh. Chúng ta muốn phục vụ chúng sanh thì chúng ta phải chọn phương pháp phù hợp để mọi người dễ dàng tiếp nhận. Chúng ta mở lớp dạy kỹ năng cho các con chính là chúng ta cúng dường chúng sanh.
Hiện nay, nhiều người chỉ thích phóng sanh, in Kinh nhưng tôi không muốn làm những việc này nữa, chỉ cần mọi người sử dụng điện thoại thì họ có thể đọc được tất cả các bộ Kinh. Trên Kinh nói, sau này, Kinh sách sẽ không còn tồn tại, chúng ta có thể thấy được điều này vì hiện tại, mọi người không đọc sách in bằng giấy, công tác bảo quản Kinh sách cũng không tốt. Ngày nay, Kinh sách được lưu trữ trên Internet, nếu đường truyền Internet bị đứt hay mất điện thì nhiều người sẽ không thể đọc được.
Giáo dục nhân quả có thể cứu giúp xã hội, nhiều người không biết là việc làm nào đó là tạo tội nghiệp nên họ mới làm. Có người nói với tôi, họ không biết rằng giết hại chúng sanh là tạo nghiệp, đây là do họ chưa được tiếp nhận giáo dục nhân quả. Trên mạng Internet có hướng dẫn cách diệt kiến, mối, ngày trước, tôi chưa biết nên tôi cũng làm theo. Chúng ta chỉ cần mang thức ăn chúng thích để ở một nơi cách xa nhà của chúng ta thì chúng sẽ dần dần tự đến đó. Ngày trước trên bàn học của tôi có một đàn kiến nhỏ, khi tôi vừa để một chiếc bánh bông lan trên bàn thì chúng đã kéo đến ăn. Tôi đã để đĩa bánh ở đó một tuần, đàn kiến vừa ăn vừa mang đi cất trữ, từ đó về sau tôi không còn nhìn thấy chúng nữa. Đây là cách giải quyết hòa bình. Nếu chúng ta dùng chai thuốc xịt côn trùng thì chúng ta đã tạo ra rất nhiều oan nghiệp.
Hòa Thượng nói: “Bốn chúng đồng tu học Phật chúng ta phải nên đọc thuộc, chăm chỉ học tập, thực tiễn Kinh giáo, đề xướng của Tổ sư ngay trong đời sống hằng ngày, trong đối nhân xử thế tiếp vật, nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta sẽ chân thật có lợi ích”. Chúng ta thuộc, rõ đạo lý thì chúng ta mới có thể khuyên người. Chúng ta hiểu rõ đạo lý thì chúng ta mới khuyên người, nếu chúng ta chưa hiểu rõ thì chúng ta thỉnh cầu trưởng bối. Chúng ta khuyên người không đúng đạo lý thì chúng ta không thể thoát được nhân quả!
Chúng ta thật học, thật làm thì chúng ta chắc chắn thật có kết quả. Tôi rất cảm xúc với câu nói của Hòa Thượng là: “Chúng ta tặng quà nhiều thì người khác sẽ vui!”. Hiện tại, chúng ta tặng quà cho mọi người một cách vô điều kiện và tặng quà lâu dài nên mọi người đều rất vui. Chúng ta vẫn đang nghiên cứu cách để có nhiều sản phẩm hơn, cách để các sản phẩm ngon để mang tặng. Thí dụ, chúng ta đã nghiên cứu ra khuôn ép thuỷ lực, mọi người mang đậu đi thì sẽ không cần dùng khuôn.
Người xưa nói: “Giáo nhân bất quyện”, chúng ta tặng quà cho người là giáo dục người biết bố thí, biết quan tâm đến người khác. Chúng ta làm việc mà không cảm thấy mệt mỏi, càng làm càng cảm thấy thích thú. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Có rất nhiều việc để chúng ta có thể làm để lợi ích cộng đồng, ngoài việc trồng rau, làm đậu, sắp tới, chúng ta sẽ triển khai nhiều việc khác.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm thiện thì tạo ra thiện nghiệp, chúng ta làm ác thì tạo ra ác nghiệp. Thiện nghiệp thì sẽ có sức mạnh chiêu cảm quả thiện, ác nghiệp sẽ có sức mạnh chiêu cảm quả ác, cho nên đây gọi là nghiệp lực”. “Lực” là sức mạnh. Sức mạnh của nghiệp sẽ đẩy chúng ta, chúng ta làm thiện thì nghiệp lực của thiện nghiệp đẩy chúng ta về hướng kết quả tốt, chúng ta làm ác thì lực của nghiệp ác đẩy chúng ta về kết quả xấu.
Hòa Thượng nói: “Trong nhà Phật nói: “Nghiệp lực bất tư nghị”. Nghiệp lực là không phải nghĩ bàn, chúng ta tưởng nó còn xa nhưng rồi nó sẽ đến, khi quả báo chín muồi, chúng ta muốn tránh cũng không thể tránh! Chúng ta đã tạo nhân thì nhất định gặt quả, chúng ta gieo nhân thiện thì nhất định nhận quả thiện”. Chúng ta đã tạo ác nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp. Người thế gian thường nói: “Ngày xưa quả báo thì chày, ngày nay quả báo một giây nhãn tiền”. Hôm trước tôi hái đậu, cây đậu rất sai quả, tôi tự nhắc nhở mình: “Chỉ là mình không chịu nỗ lực làm, nếu nỗ lực thì nhất định có kết quả!”.
Hòa Thượng nói: “Nhà Phật nói, không phải là không có báo ứng chỉ là thời giờ chưa đến mà thôi”. Khi thời gian đến chúng ta hối hận thì đã muộn. Nếu chúng ta chân thật hối cải, quay đầu thì chúng ta phải mang thân tội nghiệp làm tất cả việc thiện lành lợi ích cho cộng đồng, chúng ta nỗ lực làm thì có thể tiêu được một chút nghiệp cũ.
Chúng ta đã gây ra rất nhiều đau thương, tang tóc cho rất nhiều chúng sanh, chúng ta không thể vừa mới quay đầu mà đã mong được tiêu hết nghiệp. Có người nói với tôi, họ đã tu khoảng 4 năm nhưng họ không thấy cuộc sống thay đổi. Họ đã 54 tuổi vậy thì họ đã có 50 năm tạo nghiệp, họ mới chỉ 4 năm tu hành, mà 4 năm này chưa chắc họ đã thật tu. Mỗi ngày có 24 giờ, nếu chúng ta tu hành 2 giờ thì chúng ta vẫn còn 22 giờ tạo nghiệp. Thậm chí, trong 2 giờ đó chúng ta có tu hành nghiêm túc hay không? Có người trong thời gian tu hành mà trong đầu vẫn chiếu phim 3D. Chúng ta có 54 năm tạo nghiệp thì ít nhất chúng ta phải có 22 năm tu hành thì mới có thể chuyển đổi được nghiệp lực. Ngày trước, chúng ta chân thật tạo tội thì ngày nay chúng ta phải chân thật chuyển đổi, làm thiện nhiều hơn tội mà chúng ta đã tạo.
*******************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!