Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 21/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 050: Tội Địa ngục Vô Gián
Vô gián là không gián đoạn, không có một giây ngừng nghỉ. Trong Địa Ngục Vô Gián, tội nhân bị nung cháy đỏ thành than khi nằm trên giường sắt hay ôm cột đồng. Khi gió nghiệp thổi đến, tội nhân lại có thân, song họ lại cảm thấy lạnh buốt đến chịu không nổi nên lại tiếp tục ôm cột đồng cháy đỏ. Ôm rồi thì liền cháy thành than. Sau khi cháy thành than, một cơn gió thổi qua, thân liền hồi phục v..v… Cứ thế, tội nhân phải chịu như vậy trong vô lượng kiếp. Đó chính là Địa ngục Vô gián.
Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật nói năm tội nghịch ác đọa vào Địa ngục Vô gián trong một đại kiếp, thọ khổ đến vô cùng vô tận. Trong năm tội nghịch này, tội thứ nhất là làm thân Phật ra máu. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời, Đề Bà Đạt Đa đã rắp tâm lăn đá đè Phật, muốn hại Phật, thế nhưng Phật có thần hộ pháp. Thần hộ pháp đã làm cho hòn đá nát ra không đè được Phật, tuy nhiên, trong một duyên nghiệp nên có một viên đá nhỏ đã làm cho thân Phật ra máu.”
Theo danh từ ngày nay, một đại kiếp chính là con số thiên văn, có rất nhiều số, không thể tính đếm được. Nếu nói đến 10 ngàn năm hay tám vạn năm thì đó là những con số hữu hạn còn một đại kiếp thì không thể tính được. Một khi đã phạm ngũ nghịch trọng tội đọa Địa Ngục Vô Gián, phạm nhân thọ tội trong một đại kiếp, là con số không thể tính đếm. Chúng ta phải cẩn thận đừng để phạm phải năm tội nghịch này.
Khi phạm rồi, chẳng ai bắt chúng ta vào địa ngục mà tự động chúng ta sẽ cảm thấy mình trải qua địa ngục. Trong bài giảng về Cảm Ứng Thiên, Hòa Thượng kể về ông Chương Thái Viêm từng yêu cầu bỏ hình phạt ôm cột đồng cháy đỏ. Phán quan liền yêu cầu tiểu quỷ đưa ông đến khu vực ngục đó. Gần đến nơi, tiểu quỷ thì run sợ còn ông Chương Thái Viêm, sau khi mở cửa bước vào, lại thấy đây là một gian phòng mát mẻ, không hề có cột đồng cháy đó. Điều này có nghĩa là tội nghiệp của tội nhân sẽ khiến cho họ tự cảm nhận thấy mình đang bị hành hình trong Địa Ngục.
Cũng vậy, cảnh giới của người sắp chết là do tội nghiệp của họ chiêu cảm. Có người thì thấy rất nhiều người bóp cổ họ hoặc làm những việc tổn hại họ, khiến họ la hét. Trước đây, tôi từng gặp một trường hợp, có một bà cụ bệnh nặng sắp qua đời liên tục kêu ầm lên là có nhiều chuột đang cắn xé. Mọi người xung quanh đều không thấy chuột nhưng riêng bà cụ đó thấy, rõ ràng là người có tội nghiệp mới cảm thấy như vậy. Một ví dụ khác làm rõ hơn ý này, đó là hai người cùng nhìn ngắm Hồ Tây, người đang vui thì sẽ thấy Hồ Tây đẹp, còn người thất tình thì thấy Hồ Tây thật xấu xí. Thật ra, đẹp hay xấu do tâm mỗi người.
Có hai vị tăng cùng nhìn vào lá phướn tại một pháp hội giảng pháp, một người nói là phướn động, còn vị còn lại nói gió động. Lúc ấy Lục Tổ Huệ Năng đến và nói “Không phải là gió động hay phướn động mà tâm của các vị động”. Câu nói này giúp chúng ta hiểu rằng tội báo là tự mình cảm nhận, tự mình thấy bức bách chứ không ai hành hình, ép buộc mình. Trong thế giới này, có những người sống thanh thảnh tự tại, ngày ngày hy sinh phụng hiến, tâm tràn ngập hoan hỉ nhưng cũng có những người đang muốn đi tìm cái chết, không muốn sống nữa. Đây là do tâm cảnh của mỗi người - “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Tâm cảnh của chúng ta có tội lỗi, có phiền não thì chính những điều đó làm chúng ta bất an. Hòa Thượng từng nói rằng: “Cho dù chúng ta nắm tay cùng đi với Phật, chúng ta thì sống trong tâm cảnh đầy phiền muộn còn Ngài sống trong tâm cảnh tự tại vô ngại.” Cũng vậy, mỗi người trên zoom lớp học cùng đều đang có tâm cảnh khác nhau người thì vui, người thì buồn, ảo não, người thì tập trung học tập, người lại buồn ngủ. Tự tại không phải do giàu có mang lại mà là do trong tâm không vướng bận mang lại.
Tương tự như vậy, cảnh giới Địa Ngục không phải do vua Diêm La tạo ra mà do chiêu cảm của tội nhân. Vua Diêm La cũng là một Bồ Tát. Bồ Tát Địa Tạng từng phát thệ rằng: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề”. Người ôm cột đồng là do lạnh thấu xương nên ôm vào. Họ thấy cột đồng, giường sắt mà thấy thích thú nên ôm lấy, nằm lên. Vừa ôm vào, vừa nằm lên thì cháy thành than. Không ai ép buộc tội nhân mà do nghiệp chiếu cảm khiến họ làm như thế. Giống như người uống rượu, họ thích cảm giác lâng lâng nên phải uống. Người không quen uống rượu thì uống sẽ thấy đắng. Người nghiện rượu, trong đầu nghĩ rằng, không uống không chịu được. Cho nên, chúng sanh tự tạo tội nên tự phải gánh, tự phải chịu. Con thiêu thân cũng vậy, cứ thấy ánh lửa thì bay vào nên bị cháy xém.