42Thứ Hai, 21/04/2025, 17:32

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 20/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 049: Tuyệt đối không bị thế duyên nhiễu loạn

Thế duyên chính là “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi”, ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần, tham sân si”. Do đó, hành giả tu hành phải biết buông bỏ mọi thế duyên. Mọi chấp trước trong lòng đều chướng ngại, đặc biệt là chướng ngại lúc vãng sanh. Tu hành giống như luyện binh, thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường ít đổ máu. Tu hành có công phu thì công phu đó giúp hành giả vượt chướng ngại. Mọi việc lúc bình thường có thể vượt qua dễ dàng nhưng lúc lâm chung, lại khó gấp trăm gấp ngàn lần. Nếu không hiểu thấu, thì không chỉ thế duyên mà Phật duyên cũng là chướng ngại. Đó là vào giờ phút lâm chung mà có ai bảo chúng ta trì thêm Chú, trì thêm Kinh là vô cùng chướng ngại.

Những thứ làm chướng ngại vãng sanh đều là thế duyên nên Hòa Thượng khuyên chúng ta rằng: “Tuyệt đối không để bị thế duyên nhiễu loạn”. Hằng ngày, làm sao để tránh thế duyên cũng là một quá trình, một công phu dài lâu. Chúng ta gần danh có dính danh không? Gần lợi có dính lợi không? Phải chăng lợi nhỏ thì không sao, lợi lớn mới động tâm? Gần sắc có dính sắc không? Sắc nghiêng nước nghiêng thành có bị động tâm không?

Vài chục năm trước, có một người đi học ở nước ngoài, tương lai có thể mang lại lợi ích cho Phật pháp. Người này đã được một gia đình chăm sóc, hỗ trợ trong suốt quá trình du học. Gia đình ấy có một cô con gái rất đẹp. Khi người này về nước, cả gia đình họ đã đến sân bay rước người đó về. Câu chuyện cho thấy thật không dễ dàng tránh được thế duyên. Công phu ít thì thế duyên nhỏ, phước báu ít thì lợi dưỡng nhỏ. Khi phước báu lớn thì cám dỗ càng to. Đây là then chốt vì sao người ta không giữ được tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Trong Phẩm Hạ phẩm hạ sanh, trên Quán Kinh, nói rằng người nghiệp chướng nặng thì khi lâm chung mà gặp được thiên tri thức, tuy không thể niệm Phật nhưng dạy họ xưng danh hiệu Phật, chỉ cần một đến mười câu, cũng có thể vãng sanh. Chúng ta niệm Phật mong cầu “Nhất Tâm Bất Loạn”! Nếu trên lý không thấu đạt, trên phương pháp không rõ ràng, cảnh giới không tường tận thì bạn khó đạt được “Nhất tâm”. “Bất loạn” là không bị thế duyên làm cho nhiễu loạn. Danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần ở thế gian này sẽ làm nhiễu loạn chúng ta rất lớn.

Bất loạn” là chúng ta chẳng những không bị nhiễu loạn bởi danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần mà còn không bị nhiễu loạn bởi Phật pháp. Những công phu (bất loạn) này, phải được bồi dưỡng ngay lúc bình thường của cuộc sống thường ngày. Phật pháp có Đại thừa, Tiểu thừa, Tông môn giáo hạ v..v mà mỗi tông phái lại khác nhau, lại có đạo lý và phương pháp rất nhiều. Vậy chúng ta tiếp xúc rồi, chúng ta có bị nhiễu loạn không?

Điểm này, thực tế, chúng ta phải cảm tạ Thiện Tài Đồng Tử và 53 vị thiện tri thức. Các Ngài trên hội Hoa Nghiêm đã thị phạm cho chúng ta. Năm mươi ba vị thiện tri thức đã hiển thị 53 pháp môn hoàn toàn khác nhau. Thiện Tài Đồng Tử học pháp môn gì? Vị Thầy của Thiện Tài Đồng Tử là ai? Điểm này chúng ta nhất định phải biết! Là Bồ Tát Văn Thù, vậy Bồ Tát Văn Thù tu pháp môn gì? Trên Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Văn Thù niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Môn sinh đắc ý, truyền nhân của Ngài chính là Thiện Tài Đồng Tử nên đương nhiên Thiện Tài Đồng Tử cũng là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải từ chỗ này mà quan sát thì mới chân thật thấy được sự ảo diệu của Kinh Hoa Nghiêm, mới chân thật đem đạo lý của Kinh Hoa Nghiêm nhìn thấu ra được.

Chúng ta thấy Thiện Tài Đồng Tử đã đi tham học ở 53 vị thiện tri thức. Vị thầy bên ngoài đầu tiên của Thiện Tài Đồng Tử là Tỳ Kheo Đức Vân. Người xưa thường nói “Tiên nhập vi chủ” tức là vị thiện tri thức đầu tiên dạy chủ tu điều gì thì điều đó trở thành “Tiên nhập vi chủ”. Tỳ Kheo Đức Vân dạy Thiện Tài pháp môn niệm Phật. Bồ Tát Văn Thù niệm Phật cầu vãng sanh đi tham phỏng, gặp Tỳ Kheo Đức Vân, vậy thì, Bồ Tát Văn Thù và Tỳ Kheo Đức Vân cùng đi một con đường.

Chúng ta nhìn lại phía sau là những thiện tri thức đã biểu diễn cho chúng ta. Trên thực tế là họ đang biểu diễn các ngành, các nghề, tức là hằng ngày từ sáng đến chiều, chúng ta có rất nhiều sự xen tạp. Chúng ta sống trong xã hội này, không thể không tiếp xúc với thế pháp, tiếp xúc với Phật pháp. Tuy là tiếp xúc nhưng tâm vẫn định, không bị nhiễu loạn. Đây chính là Nhất Tâm Bất Loạn”.