Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 18/04/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 47
BUÔNG BỎ CÁI THẤY CỦA RIÊNG MÌNH
Cái thấy của riêng mình được gọi là thành kiến. Cái thấy của chúng ta kiên cố, bền chắc nên được gọi là “thành”. Người tự thấy mình đã đầy đủ hiểu biết thì sẽ tự mãn, không muốn tiếp nhận. Điều này giống như một chum nước đầy thì sẽ không thể nhận thêm nước. Chúng ta cần cầu học tập, sẵn sàng tiếp nhận thì chúng ta mới có thể tiếp nhận lời dạy bảo của các thiện tri thức. Chúng ta có cách thấy, cách biết, cách làm của riêng mình thì chúng ta không thể học tập từ các bậc thiện tri thức.
Ngày trước, khi tôi dạy ở một lớp “Gia giáo”, vì tôi không có học vị cao nên trong lòng mọi người có sự hoài nghi, tôi nói, nếu mọi người không nỗ lực học tập thì mọi người học với Tiến sĩ cũng không thể “tiến” mà sẽ “lùi”; nếu mọi người muốn học với Tiến sĩ thì tôi sẽ mời một vị Tiến sĩ đến dạy cho mọi người. Sau đó, tôi mời được một vị Giáo sư Vật lý nổi tiếng người Việt Nam đang làm việc ở Đức đến giảng cho mọi người, mọi người nhận thấy vị Tiến sĩ cũng chỉ nói phương pháp, đạo lý, muốn có thành tựu thì chính mình phải nỗ lực. Sau đó, tôi chia sẻ với vị Tiến sĩ đó những điều tôi được học từ Hòa Thượng Tịnh Không, vị Tiến sĩ cảm thấy những điều đó rất đặc biệt. Trước đây Hòa Thượng Minh Cảnh cũng từng nói: “Hòa Thượng Tịnh Không giảng “Kinh Hoa Nghiêm” rất đặc biệt!”. Hòa Thượng Tịnh Không đã mang cảnh giới trong “Kinh Hoa Nghiêm” vào trong cuộc sống hằng ngày để chúng ta có thể ứng dụng trong cách đối nhân xử thế.
Chúng ta không thể “chứa” thêm được những lời dạy của bậc thiện tri thức vì chúng ta tự mãn, chúng ta tự cho là mình đã “đầy”. Đây là một trong những tập khí xấu ác nhất của chúng ta, nhiều đời nhiều kiếp chúng ta không thể có thành tựu chính vì sự tự mãn này. Khi chúng ta nghe một ai đó nói đạo lý, chúng ta thường có thái độ dò xét về thân thế, học lực, tướng mạo, giọng nói của người đó do vậy chúng ta không để lời của họ vào trong tâm trí. Chúng ta quán sát mình có đại bệnh này không?
Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, các bậc đại tri thức muốn độ chúng sanh nên các Ngài cẩn trọng trong mọi sự, mọi việc, nếu chúng sanh có điểm không vừa mắt thì họ sẽ không muốn nghe theo lời các Ngài. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, các bậc đại tri thức luôn cẩn ngôn, cẩn hạnh, thân giáo, ngôn giáo phải đạt đến tận thiện, tận mỹ.
Hôm qua, tôi đi bấm huyệt ở một cơ sở của hội người mù, tôi nói, tôi không biết hôm nay là ngày sinh nhật của ông hội trưởng, nếu tôi biết thì tôi sẽ mua hoa, bánh kem tặng ông. Tôi thường tặng đồ ngon cho mọi người ở hội người mù, họ rất vui khi được nhận quà. Các bậc thiện hữu tri thức muốn tiếp cận được chúng sanh nên các Ngài phải “tác sư tác pháp”, ngày ngày phải biểu diễn “quân, thân, sư”, làm ra tấm gương để chúng sanh tâm phục, khẩu phục. Một người Thầy bảo học trò phải dạy đúng giờ nhưng người Thầy đó ngủ dậy muộn thì lời nói của Thầy sẽ không có giá trị. Chúng sanh đều có tập khí, phiền não nhiều đời nhiều kiếp, nếu người Thầy không kiểm soát được tập khí thì sẽ khiến “thần tượng sụp đổ” trong mắt người học trò.
Ngày ngày, mọi người vẫn dùng Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền để “soi” tôi, đây cũng chính là do mọi người có thành kiến. Chúng ta chỉ nên thấy những việc cần thấy, nghe những việc cần nghe. Hiện tại, chúng ta thường lại đang nghe những việc không cần nghe, thấy những việc không cần thấy.
Trước đây, có người nói, tôi không dạy được con cái của mình mà đi dạy con cái người khác, nếu họ nhìn vào việc này thì họ sẽ chướng ngại rất nhiều việc làm của chúng ta, họ không nhìn thấy những thành quả mà chúng ta đã làm được. Ngày trước, khi tôi bắt đầu đi làm giáo dục, có nhiều người muốn cản trở, họ cho rằng tôi làm giáo dục là xen tạp. Sau một thời gian đến đi khắp nơi làm giáo dục, tôi quay về tiếp tục học tập Phật pháp. Từ trước đến nay, tôi chỉ theo một vị Thầy, một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”, một câu “A Di Đà Phật”, một hướng Tây Phương Cực Lạc.
Ngày trước, có người nói, tôi dịch Kinh, giảng về Tịnh Độ, làm văn hóa truyền thống đều rất tốt, rất thù thắng nhưng họ không hiểu tại sao tôi trồng rau, làm đậu. Sau một năm, họ mới hiểu tôi làm như vậy để kết duyên với chúng sanh. Cái thấy của riêng mình có đáng tin không? Cái thấy của riêng mình thật sự không đáng tin! Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải bỏ đi cách thấy, cách làm của riêng mình, học theo cách thấy, cách làm của Phật Bồ Tát”. Hiện tại, chúng ta làm theo các bậc đại thiện tri thức, Hòa Thượng Tịnh Không sống cùng thời đại với chúng ta, cả cuộc đời Ngài đã làm ra tấm gương, chúng ta học theo Ngài nỗ lực tu hành, làm lợi ích chúng sanh.