
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 17/04/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 46
TÔI CHỈ TIN MỘT CÂU A DI ĐÀ PHẬT
Hòa Thượng nói, cả cuộc đời Ngài chỉ tin một câu “A Di Đà Phật”. Hòa Thượng là người thông tông, thông giáo, Ngài thông đạt rất nhiều Kinh điển. Người Thầy đầu tiên của Hòa Thượng là Đại sư Chương Gia, Ngài là bậc thượng sư của pháp môn Mật Tông. Nhờ phước đức, nhân duyên nhiều đời, nhiều kiếp nên Hòa Thượng có duyên may gặp các bậc tu hành chân chính. Tâm chúng ta chân thành thì chúng ta có thể gặp được Phật pháp chân chính. Chúng ta được tiếp nhận lời dạy của Hòa Thượng Tịnh Không thông qua băng đĩa, đây cũng là một việc vô cùng khó được.
Ngày trước, Hòa Thượng không tin Phật pháp, ban đầu, Ngài học Triết học với giáo sư Phương Đông Mỹ, Giáo sư giới thiệu Phật pháp cho Ngài. Khi Hòa Thượng gặp Chương Gia Đại Sư, Chương Gia Đại Sư dạy Hòa Thượng bắt đầu từ bố thí. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là truyền nhân của Tổ Sư Ấn Quang, Lão sư cả đời chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Hòa Thượng giảng rất nhiều Kinh, Ngài có thể giảng được Thiền, Mật nhưng Ngài cả cuộc đời chỉ tu pháp môn Tịnh Độ. Trong khi giảng Kinh, Hòa Thượng từng nói: “Nếu như được phép thì cả cuộc đời tôi sẽ chỉ giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”. Khi Hòa Thượng đến các đạo tràng, họ yêu cầu giảng Kinh gì thì Ngài sẽ giảng Kinh đó. Nếu mọi người yêu cầu Ngài giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, “Kinh Bát Nhã”, “Kinh Kim Cang” thì Ngài sẽ dùng “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải cho các Kinh đó. Đây là cách Ngài chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ.
Hòa Thượng hiểu rất rõ căn tính của chúng sanh, Ngài biết mọi người tu pháp gì có thể có thành tựu, tu pháp gì thì cả đời cũng không có thành tựu. Có người hỏi Hòa Thượng, Ngài giảng Thiền hay như vậy tại sao Ngài không tu Thiền. Hòa Thượng nói: “Tôi giảng Thiền để những người có căn tính tu thiền tu, căn tánh của tôi chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ”. Căn tánh của Hòa Thượng mà chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ vậy căn tánh của chúng ta phù hợp với pháp môn nào? Có những người tu pháp môn Tịnh Độ nhưng họ không xác quyết với pháp tu mà còn xen tạp những pháp khác. Có nhiều người hỏi tôi, chánh tu là pháp môn Tịnh Độ, vậy trợ tu thì nên tu pháp nào? Chúng ta nên chánh tu là câu “A Di Đà Phật”, trợ tu cũng là câu “A Di Đà Phật”.
Ngày trước, khi có người đề xướng lạy “Địa Tạng sám pháp”, có rất nhiều người làm theo, họ không biết nhân duyên của bộ “Địa Tạng sám pháp” này. Khi có người bảo tôi dịch bộ “Địa Tạng sám pháp”, tôi đã từ chối dịch vì tôi thấy thông tin trên vỏ đĩa không phải là của Tịnh Tông học hội. Sau đó có một người đã dịch và một người thân thiết với tôi mang in, tôi nói với họ không nên in vì bộ “Địa Tạng sám pháp” này có vấn đề nhưng họ không nghe theo lời khuyên của tôi. Sau này, người in bộ “Địa Tạng sám pháp” này đã bỏ không tu và bỏ tu cả pháp môn Tịnh Độ.
Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là một bậc thượng sư, Ngài cũng chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Lão Hòa Thượng Hải Hiền, Hòa Thượng Tịnh Không cả cuôc đời cũng chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Ở Việt Nam, Hòa Thượng Trí Tịnh hay Hòa Thượng Tịnh Thuận, người dạy chữ Hán cho tôi cũng cả đời chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”.
Hòa Thượng nói: “Tôi chỉ tin một câu “A Di Đà Phật”. Hòa Thượng chỉ tin vào pháp tu, tin vào lời Phật dạy. Pháp của Phật lưu xuất từ tự tánh thanh tịnh. Lời của người thế gian lưu xuất từ tham vọng, vọng tưởng. Chúng ta phải xác quyết đối với pháp tu, không thay đổi tín niệm. Nếu chúng ta không có niềm tin xác quyết với một pháp môn, chúng ta chạy theo nhiều pháp môn thì chúng ta không thể có thành tựu. Người thế gian nói: “An thân mới lập mệnh”. Đối với pháp tu thì chúng ta phải an ở một pháp. “An” là yên, là an ổn. Chúng ta an, yên ở một pháp thì chúng ta mới có thành tựu.
Trong “Kinh Kim Cang”, Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả những thứ có hình tướng đều là hư vọng, đều sẽ hoại, diệt. Tất cả mọi sự, mọi việc ở thế gian, đều chỉ là “trợ”, có thể giúp chúng ta có sức khỏe, kéo dài thời gian sống. Thí dụ, món ăn, phương thuốc là để hỗ trợ thân chúng ta khỏe mạnh một thời gian, đây không phải là chủ đề chính để chúng ta quan tâm.
Nhiều người luôn nghĩ đến những phương pháp để trị bệnh, giải độc. Tất cả những gì do người vẫn còn “danh vọng lợi dưỡng” làm ra thì không đáng tin, đây là họ làm bằng vọng tưởng. Cái gì miễn phí thì mới đáng tin. Thí dụ, người trồng rau để bán thường dùng rất nhiều thuốc hóa học để rau lớn nhanh, họ có nhiều lợi nhuận. Hiện tại, chúng ta tự trồng rau sạch để ăn và mang tặng. Hòa Thượng từng nói: “Chúng sanh ngày nay ăn đắng, uống độc”.
Nhà tôi có một bể nước để hứng nước mưa, sau một năm, lõi lọc nước trở nên rất đen. Con người đã thải khí độc vào bầu khí quyển, khi gặp lạnh khí độc kết tụ, sau đó trở thành mưa xuống mặt đất. Những cơn mưa đầu mùa thường là mưa axit, sau những cơn mưa axit, người nông dân phải dùng nước sạch để tưới, rửa cho cây, nếu không thì cây sẽ chết. Chúng ta không nên lệ thuộc vào thứ gì, nếu thứ đó tốt thì nó cũng chỉ giúp chúng ta khỏe mạnh thêm một thời gian, không phải là rốt ráo. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải định tĩnh, giữ tâm thanh tịnh, đề khởi được câu “A Di Đà Phật”. Nhiều Bác sĩ cũng không biết rõ bệnh tình của mình, gần đây, tôi biết có một bác sĩ phải đi đến bệnh viện cấp cứu. Đây cũng là nhân duyên tốt giúp họ nhận ra, không ai có thể tránh được Sinh – Lão – Bệnh – Tử, điều quan trọng là phải nhiếp tâm tu tập chánh pháp, chuẩn bị cho việc ra đi của mình.
Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta phản tỉnh, nếu ở thế gian, con người có thể giải quyết mọi sự, mọi việc vậy thì Phật Bồ Tát không cần phải ra đời”. Những người chuyên bào chế thần dược, các thần y cũng không thể tránh khỏi cái chết. Ngày trước hoàng đế Tần Thủy Hoàng cho người đi tìm thuốc trường sinh, nếu không tìm được thì họ sẽ bị xử tội chết, nhiều người đi thật xa và trốn để không bị chém đầu. Thân chúng ta là thân sinh lý, hình thành bởi rất nhiều vi lượng. Thí dụ, nếu cơ thể chúng ta thiếu sắt thì da tay của chúng ta sẽ vàng. Chúng ta phải ăn uống cân bằng. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta giữ được tâm thanh tịnh, kiên trì với pháp tu. Chúng ta thường lấy cái phụ làm cái chính, lấy cái chính làm cái phụ. Thứ do vọng tưởng của con người làm ra, liên quan đến “danh vọng lợi dưỡng” thì càng không đáng tin.
Hòa Thượng nói: “Từ nhỏ tôi tạo nghiệp sát sanh rất nặng. Khi còn trẻ, tôi rất thích đi săn bắn, sát nghiệp của tôi rất nặng, hơn nữa, cách làm người của tôi cũng không tốt, tôi thích trêu chọc mọi người khiến cho họ không chịu nổi, đến khi họ cảm thấy khổ đau thì tôi mới cảm thấy vừa lòng”. Hòa Thượng từng kể, một lần, trong giờ học mỹ thuật, Hòa Thượng vẽ hình một người bạn và nói, mọi người vẽ vật tĩnh còn tôi vẽ động vật. Hòa Thượng nói để nhắc nhở chúng ta, hằng ngày, chúng ta có khiến mọi người khó chịu, chúng ta có tạo ra nhiều nghiệp báo hay không?
Hòa Thượng nói: “Mọi người xem qua “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì biết, trước khi ông học Phật, ông là người như thế nào thì tôi cũng là người như vậy! Sau khi học Phật, tôi biết mình đã luôn tạo nghiệp, tôi mới chân thật phản tỉnh, sám hối. Trước đây, những người xem tướng, đoán mệnh đều đoán tôi không sống quá 45 tuổi, tôi cũng nghĩ rằng điều này là đúng, mình tạo nghiệp như vậy, chắc chắn không sống qua được 45 tuổi. Tại sao vậy? Vì tôi không có đức, vì cả thân tạo nghiệp”.
Hòa Thượng nói để nhắc nhở chúng ta. Ở thế gian, chúng ta đang tích công bồi đức hay hằng ngày, chúng ta làm những việc khuyết đức, tổn đức? Nếu hằng ngày, chúng ta đều dùng phước trong sinh mệnh của mình thì rất đáng sợ. Từ nhỏ, chúng ta ỷ lại, nương nhờ Cha Mẹ, được Cha Mẹ cung phụng, không tạo được phước lành. Lớn lên, khi chúng ta có một chút tiền thì chúng ta tùy tiện tạo nghiệp, phóng túng vậy thì chúng ta chắc chắn đoản mạng. Chúng ta phản tỉnh, chúng ta đã cần cù, tạo nhiều phước lành hay chúng ta chỉ đang hưởng phước, tạo nghiệp?
Hòa Thượng nói: “Sau khi tôi học Phật, tôi hiểu rõ nên tôi chăm chỉ tu học. Tôi biết mình tuổi thọ ngắn ngủi, không mau mau tu tích thì khi tuổi thọ đến sẽ không đủ thời gian. Cả cuộc đời tôi rất ít khi bị bệnh, năm tôi 45 tuổi, tôi bị một trận ốm rất nặng trong một tháng. May mắn là năm đó, có một ngôi chùa của Lão Hòa Thượng Linh Nguyên mời tôi giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, tôi mới chỉ giảng được 3 quyển trong số 10 quyển thì bị bệnh rất nặng. Tôi nghĩ rằng thời gian đã đến, tôi không đến gặp bác sĩ, không uống thuốc mà đóng cửa, niệm Phật, cầu vãng sanh. Tôi niệm Phật một tháng thì bệnh liền khỏi. Tôi tuyệt nhiên không cầu tuổi thọ, không mong tuổi thọ kéo dài, tuổi thọ này của tôi là do niệm Phật, do công đức hoằng pháp lợi sanh mà đến”.
Khi Hòa Thượng hơn 30 tuổi, Ngài được Thầy bói đoán là Ngài chỉ sống được đến 45 tuổi nên Ngài tự dặn mình phải thật tu, thật học. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam khuyên học trò nào gầy yếu, nhiều bệnh thì nên phát tâm học giảng Kinh. Chúng ta có thể học làm Thầy giáo dạy đạo đức Thánh Hiền, chia sẻ những tâm đắc học Phật, tâm đắc học đạo Thánh Hiền, những tấm gương đức hạnh cho mọi người. Nếu các con được chia sẻ về đạo đức Thánh Hiền thì chúng sẽ sinh khởi tâm kính trọng, tâm muốn học tập với các bậc Thánh Hiền.
Chúng ta phát tâm làm người truyền thừa giáo dục cũng là chúng ta giảng Kinh, nói pháp. Tất cả pháp đều là Phật pháp, điều quan trọng là chúng ta làm với tâm gì. Chúng ta làm mọi việc với tâm vô tư, vô cầu, vì lợi ích chúng sanh thì tất cả đều là Phật pháp. Nếu chúng ta chia sẻ Phật pháp với tâm tư lợi thì Phật pháp cũng trở thành thế gian pháp. Nhà Phật có câu: “Tâm viên nả pháp bất viên”. Tâm tròn đầy thì tất cả pháp tròn đầy. Chúng ta nói một điều chân thật lợi ích chúng sanh thì đó là chúng ta nói Phật pháp. Chúng ta làm việc gì chân thật lợi ích chúng sanh thì đó là chúng ta đang làm việc làm của Phật.
Hòa Thượng nói: “Công đức của niệm Phật, hoằng pháp lợi sinh là vô cùng to lớn, tôi đã tiêu được rất nhiều nghiệp chướng. Nếu như không tiêu được nghiệp thì bệnh khổ của tôi sẽ vẫn nghiêm trọng”. Khi Hòa Thượng 45 tuổi, Ngài đang giảng “Kinh Lăng Nghiêm” nhưng Ngài vẫn bị bệnh rất nặng, sau một tháng bị bệnh nghiêm trọng thì bệnh của Hòa Thượng tự nhiên khỏi, phần đời về sau Ngài không có bệnh, đây là do nghiệp chướng đã được tiêu.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Địa Tạng” đã nói rất rõ ràng quả báo của sát nghiệp là đoản mạng, bệnh khổ. Khi chúng ta tiêu được nghiệp thì tuổi thọ của chúng ta kéo dài, sức khỏe sẽ tốt hơn. Không việc gì tốt hơn là niệm Phật!”.
Hòa Thượng nói: “Không việc gì có thể tốt hơn niệm Phật”. Lời nói của Hòa Thượng giúp chúng ta có thêm niềm tin đối với việc niệm Phật. Khi chúng ta bị bệnh khổ, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc dùng thuốc nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ được chánh niệm, giữ được câu Phật hiệu. Có một quyển sách nói rằng niệm Phật có thể chuyển hóa được tế bào ung thư, nếu niềm tin của chúng ta đủ mạnh thì chúng ta sẽ chuyển hóa được tế bào bệnh.
Hòa Thượng nói: “Nhờ công đức của niệm Phật, của việc hoằng pháp lợi sinh mà tôi đã tiêu được nghiệp. Chúng ta dùng thuốc bổ dưỡng thì thuốc đó cũng không hữu dụng, người khác cho tôi thuốc bổ dưỡng thì tôi mang cho người khác, tôi không dùng. Tôi chỉ tin vào một câu “A Di Đà Phật”. Hòa Thượng có niềm tin mạnh mẽ, xác quyết nên Ngài thành công. Chúng ta không có niềm tin mạnh mẽ nên chúng ta cần có trợ lực, trợ lực là chúng ta đi làm thêm những việc nào đó, thí dụ như chúng ta uống thuốc bổ dưỡng. Hòa Thượng không uống những thứ nước có màu như trà, nước bổ, Ngài chỉ uống nước lọc. Hòa Thượng làm được vì tâm của Ngài thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì “bách độc bất xâm”. Đời sống của Hòa Thượng thanh đạm nên những thứ độc hại không thể xâm nhập.
Mỗi ngày, Hòa Thượng chỉ ăn một hai bữa hoặc thậm chí không ăn. Ngài chỉ ăn cơm với rau, cháo nhưng thân thể Ngài khỏe mạnh vì Ngài không có phiền não. Khoảng 70% năng lượng của chúng ta bị tiêu hao bởi phiền não,vọng tưởng. Những người tâm thanh tịnh thì họ sẽ tiêu hao rất ít năng lượng, do vậy họ chỉ cần ăn rất ít. Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, tâm Ngài thanh tịnh nên năng lượng của hạt mè đã đủ nuôi thân.
Trước đây, chúng ta ăn rất nhiều, hiện tại, chúng ta ăn ít hơn vì chúng ta đã giảm được tham cầu, vọng tưởng, giảm bớt sự bao chao, nóng vội. Chúng ta càng ít vọng tưởng, phiền não thì chúng ta càng tiêu hao ít năng lượng. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mỗi ngày chỉ ăn hai chiếc bánh bao, một chén nhỏ đồ kho, đồ xào. Chúng ta nhiều vọng tưởng, phiền não nên chúng ta phải ăn nhiều. Hòa Thượng không uống thuốc bổ dưỡng nhưng khi Ngài 90 tuổi da Ngài vẫn hồng hào, khỏe mạnh, không có đồi mồi. Điều này chứng tỏ, tâm thanh tịnh vô cùng quan trọng. Chúng ta muốn tâm thanh tịnh thì chúng ta phải niệm “A Di Đà Phật”. Chúng ta không niệm Phật thì sẽ niệm vọng tưởng. Chúng ta cho rằng chúng ta để tâm không, chúng ta không niệm gì nhưng nếu chúng ta không niệm “A Di Đà Phật” thì vô số niệm khác đã đang sanh khởi.
*******************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!