
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 16/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 045: Phép tắc là căn bản của Phật pháp
Cư sĩ tại gia có năm giới, Sa di có 10 giới, Tỳ kheo tăng có 250 giới và Tỳ kheo ni có 350 giới. Đây chính là phép tắc chuẩn mực, là căn bản của Phật pháp! Chúng ta làm người ở thế gian có chuẩn mực, mực thước trong đối nhân xử thế, thì đó chính là phép tắc. Người không học thì không biết đến chuẩn mực và phép tắc. Hòa Thượng nói Đệ Tử Quy là căn bản của Phật pháp. Chữ “Đệ tử” có nghĩa là “người học trò” khi đối với Thánh Hiền và có nghĩa là “người con” khi đối với cha mẹ. Mỗi người học trò, mỗi người con đều có phép tắc trong vai trò bổn phận của mình. Chúng ta học Phật pháp hay học Đệ Tử Quy đều phải nắm chỗ cốt lõi. Học Phật pháp không phải để bình an, mạnh giỏi mà là để tu tâm thanh tịnh.
Khi nhỏ, tôi đã được thầy dạy “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” - khi ăn, khi ngồi thì phải ăn, phải ngồi như thế nào? Đĩa thức ăn mà người lớn gắp rồi thì mình là người nhỏ mới được gắp. Chọn chỗ ngồi cũng không thể ngồi hướng ánh nhìn vào cửa phòng người ta. Ghế dài, ghế chính không nên ngồi vì nơi đó là vợ con người ta sẽ thường ngồi. Lúc nhỏ, tôi chẳng để ý việc này nhưng đến khi đọc sách Thánh Hiền, mới thấy mình đã được thầy giáo chỉ dạy.
Tuy vậy, ngày nay, nhiều người lại không biết những phép tắc này. Khi đến nhà người khác, họ ngổ ngáo chọn ngay chiếc ghế chính, ghế dài để ngồi, thật là vô phép vô thiên! Mặc dù như vậy nhưng hễ có ai nói đến chuẩn mực, phép tắc, thì người ta lại cho rằng đó là xen tạp, là không cần thiết. Chính vì suy nghĩ này mà tạo nên hành nghi vô lối như vậy.
Việc tạo một thói quen tốt cũng là phép tắc, là chuẩn mực. Khi tôi đến một nhà hàng, tôi sẽ ngồi đúng một vị trí mà tôi vẫn hay ngồi. Khi tôi đỗ xe ô tô, tôi sẽ đỗ ở vị trí mà tôi từng đỗ nếu còn chỗ trống. Mấy ngày nay tôi đi bấm huyệt ở Hội người mù, lần nào đến, tôi cũng mang rau sạch tặng họ, tôi nói rằng kể cả tôi không bấm huyệt nữa hay tôi đi công tác thì sẽ có người khác đến mang rau tặng cho họ.
Cho nên, ai nói rằng phép tắc không phải là căn bản của Phật pháp thì cần xem lại vì trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói ra Tịnh Nghiệp Tam Phước, trong đó Phước thứ nhất là “Hiếu dưỡng Phụ mẫu, Phụng sự Sư trưởng, Từ tâm bất sát, Tu Thập thiện nghiệp”. Đây là căn bản của căn bản nên nếu chúng ta tu pháp gì đó cao siêu mà điều cơ bản không làm được, vậy thì những thứ cao siêu chỉ là trống không. Giống như hoa cắm trong bình không có gốc tuy đẹp nhưng chỉ vài ngày là héo.
Hòa Thượng nói: “Đệ Tử Quy là căn bản của Phật giáo. Chúng ta tu học Tịnh Tông, không chỉ là Tịnh Tông, chỉ cần là Phật pháp, không luận là Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ đều là lấy Tịnh Nghiệp Tam Phước làm nền tảng. Phật nói được rất hay. Ba điều này (Tịnh Nghiệp Tam Phước) là chánh nhân của ba đời chư Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai).
Hòa Thượng tiếp lời: “Tất cả Bồ Tát tu hành đạt đến quả vị Như Lai đều là y theo đây mà làm nền tảng, có thể thấy Tịnh Nghiệp Tam Phước quan trọng đến nhường nào! Điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “Hiếu dưỡng phụ mẫu; Phụng sự Sư trưởng; Từ tâm bất sát; tu Thập thiện nghiệp”. Ở hai câu phía trước, tôi hỏi bạn, bạn làm thế nào để “Hiếu dưỡng Phụ mẫu và Phụng sự Sư trưởng”? Mấy người có thể nói ra được rõ ràng và mấy người có thể làm được? Xin nói với các bạn rằng “Hiếu dưỡng Phụ mẫu; Phụng sự Sư trưởng” chính là Phép tắc Người con, chánh văn gọi là Đệ Tử Quy. Vậy thì ai nói đó không phải là Phật pháp? Đương nhiên đó chính là Phật pháp!
Hòa Thượng giải thích: “Chữ “Đệ Tử” nghĩa là học trò. Học trò thì phải có quy củ, vậy bạn tự nhận mình là học trò của Phật Pháp Tăng-Tam Bảo nhưng quy củ của một học trò bạn lại không biết, vậy thì bạn là đệ tử của Tam Bảo không phải là thật, mà là giả. Thật là hổ thẹn đối với Tam Bảo! Cho nên, phải nên biết rằng Phép tắc Người con được thực tiễn trong hai câu đầu tiên - “Hiếu dưỡng Phụ mẫu; Phụng sự Sư trưởng” - của Phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước.
“Thập Thiện Nghiệp Đạo thực tiễn ở hai câu sau của Phước thứ nhất, chính là “Từ tâm bất sát; Tu Thập Thiện Nghiệp”. Cho nên, dù cho bạn học thế pháp hay Phật pháp thì căn bản nền tảng chính ở hai bài khóa “Hiếu dưỡng Phụ mẫu; Phụng sự Sư trưởng” và “Từ tâm bất sát; Tu Thập Thiện Nghiệp”. Nếu bạn không từ đây cắm gốc thì dù bạn tinh tấn thế nào, nỗ lực ra sao thì bạn, đến sau cùng, vẫn là trống không. Tôi chí ít cũng đã học Phật hơn 50 năm rồi, tôi đã thấy được rất rõ ràng về việc này. Người có thành tựu đều cắm gốc từ nơi đây. Nếu không có gốc này thì không có thành tựu. Việc này chúng ta không thể không biết!”