26Thứ Tư, 16/04/2025, 17:53
44 · PHTT - Phát Tâm Bồ Đề - Một Lòng Chuyên Niệm - 44

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 15/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 044: Phát tâm Bồ Đề - Một lòng chuyên niệm

Trên Kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta “Phát tâm Bồ Đề - Một lòng chuyên niệm”. Điều này có nghĩa nếu thiếu một trong hai vế của câu nói này thì hành giả tu pháp môn niệm Phật không thể vãng sanh. Người chỉ “một lòng chuyên niệm” mà không “phát tâm Bồ Đề” thì không vãng sanh và ngược lại chỉ “phát tâm Bồ Đề” mà không “một lòng chuyên niệm” cũng sẽ không vãng sanh. Tâm Bồ Đề là trên cầu Phật đạo tức là cầu vãng sanh, dưới hóa độ chúng sanh tức là mở rộng tâm lượng, hoằng pháp độ sanh không hề mệt mỏi.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ hiểu tâm Bồ Đề là một lòng một dạ cầu vãng sanh cho nên từ giảng nói cho đến hành động, họ chỉ tập trung vào vấn đề này. Họ không phát tâm hoằng dương Phật pháp, không phát tâm rộng độ chúng sanh. Chúng ta vãng sanh là để tu hành thành tựu và thành tựu là để đạt mục đích cuối cùng là độ chúng sanh. Mặt khác nếu không có những người phát tâm rộng độ chúng sanh, như Hòa Thượng Tịnh Không kế thừa sứ mạng của Phật, Bồ Tát, dành 70 năm bôn ba không mệt mỏi trên toàn thế giới vì chúng sanh phục vụ, thì chúng sanh làm sao có cơ hội gặp được Phật pháp thuần tịnh, gặp được Tịnh Độ thuần chánh.

Đến đời chúng ta và nhiều đời sau, nếu không có người tiếp nối, Phật pháp sẽ đi đến chỗ bế tắc. Mỗi thời đại đi qua, Phật pháp vẫn đang chuyển mình phù hợp với đời sống hiện đại. Hòa Thượng nói, chúng ta không nên mang lối cũ, hình thức cũ đưa vào Phật pháp. Ví dụ như việc ăn mặc, nếu chúng ta mặc không phù hợp sẽ khiến chúng sanh sợ không muốn tu học Phật pháp. Khi Hòa Thượng còn tại thế, Ngài ăn mặc rất chỉn chu nhưng không quá sang trọng, lòe loẹt.

Hòa Thượng 70 năm bôn ba độ chúng sanh nhưng số người ngài tâm đắc đếm không quá 10 đầu ngón tay. Lão Hòa Thượng Hải Hiền vãng sanh khi ở tuổi 112. Bản thân Hòa Thượng Hải Hiền không có tuổi thọ dài như vậy nhưng vì Phật muốn Ngài ở lại để chờ cơ hội biểu pháp. Nếu Ngài vãng sanh sớm hơn thì tấm gương của Ngài không ảnh hưởng đến nhiều chúng sanh. Lão Hòa Thượng với sứ mạng chờ Hòa Thượng Tịnh Không thành tựu rồi, Ngài mới vãng sanh. Các đồng tu làm video về sự kiện vãng sanh của Hòa Thượng Hải Hiền và trình chiếu tại đại pháp hội ở Hồng Công nên sức ảnh hưởng rất lớn, người biết đến pháp môn niệm Phật rất đông. Tuy nhiên, một số người cho rằng tự tại vãng sanh lưu toàn thân xá lợi là do cơ thể một vài người có một sự đặc biệt nào đó. Họ không tin rằng sức định ở câu “A Di Đà Phật” có thể làm thân tứ đại này trở thành thân kim cang bất hoại.

Trong hai vế “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”, nếu không “một lòng chuyên niệm” thì không thể vãng sanh. Tuy nhiên, nếu không “phát tâm Bồ Đề” thì không có trợ duyên, có thể nói đây là cách để tích công bồi đức. Kinh A Di Đà nói thánh chúng ở thế giới Cực Lạc đều là bậc thượng thiện câu hội. Vậy thì nếu chúng ta không là một bậc thượng thiện thì không đủ tư cách vãng sanh. Muốn trở thành một bậc thượng thiện, thì chúng ta phải làm đúng tiêu chuẩn như trên Kinh Vô Lượng Thọ đã nói là phải đủ hai vế nêu trên.

Hòa Thượng nói: “Phát tâm Bồ Đề chính là Tín Nguyện, nhất hướng chuyên niệm chính là chấp trì danh hiệu. Hai câu này chính là Tín Nguyện Hạnh mà trên Kinh A Di Đà đã nói. Ba điều Tín Nguyện Hạnh không thể thiếu được. Phát tâm Bồ Đề vô cùng quan trọng. Bồ Đề là tiếng Phạn, có ý nghĩa là chân tâm bổn tánh của chúng ta không chỉ là giác ngộ mà phải là giác ngộ viên mãn. Cho nên Phật ở trên Kinh dạy bảo rằng tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật. Chư Phật Như Lai xem thấy tất cả chúng sanh đích thực là Phật. Điểm này không giả! Phàm phu chúng ta không thừa nhận chính mình là Phật. Cách nói này thực tế không dễ hiểu, chúng ta vẫn là dùng thí dụ của người xưa mà nói. Ví dụ chất liệu món đồ đều là làm bằng vàng, chân tâm bổn tánh của chúng ta được ví như vàng. Từ vàng chúng ta làm ra các món đồ. Các món đồ tuy hình dạng khác nhau nhưng chất liệu đều là vàng.

Tại sao chư Phật Như Lai xem thấy tất cả chúng sanh là Phật? Là vì các Ngài xem từ nơi chất liệu. Giống như các món đồ kia có hình tướng khác nhau nhưng chất liệu vẫn là vàng. Chất liệu vàng chính là Như Lai, vàng chính là chư Phật. Chư Phật Bồ Tát nhìn chúng sanh ở chín pháp giới từ nơi tánh của họ. Tánh là pháp tánh còn tướng là tướng pháp giới. Tướng thì có khác biệt còn tánh thì không khác biệt.