
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 14/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 043: Cần tu Giới Định Tuệ, diệt trừ Tham Sân Si
Mọi sự mọi việc đều có nhân, có quả cho nên muốn diệt trừ “Tham Sân Si” là quả thì cần tu “Giới Định Tuệ” là nhân. Trong Lễ Phép Thường Ngày có nhắc đến việc chúng ta khi đi đến đâu cũng phải hỏi cho rõ về những việc húy kỵ không nên làm. Chẳng hạn như đi Ấn Độ, nơi đó người ta tôn sùng con bò và lấy phân bò trét vào người hay đến vùng quê người Khơ Me có những món ăn kỳ lạ thì chúng ta không nên gờm nhớm, chê bài. Chúng ta không chỉ vâng giữ những quy chuẩn, quy điều nhỏ mà ngay các phong tục tập quán địa phương và nhiều việc lớn khác, chúng ta cũng cần vâng giữ. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng trong Giới luật có “Khai Giá Trì Phạm”. Những giới có thể “Khai” thì có thể làm được, những giới không thể “Khai” thì không được làm.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta đi tìm nguyên nhân của khổ đau phiền não mà không biết rằng đó là do chúng ta không có giới, nghĩa là luôn sống tùy tiện, phóng túng, thích làm theo tập khí phiền não của mình mà không biết thúc liễm thân tâm. Nếu có thể hạn chế thấp nhất những mong cầu, ham muốn, tham dục thì chắc chắn khổ đau, phiền não sẽ ít hơn. Con người sống ở thế gian làm sao có thể không phiền não, đây là việc khó! Tuy nhiên, Đệ Tử Quy có câu: “Nơi ồn náo chớ đến gần”, vì vậy dù là khó thì vẫn phải tránh xa. Những người có công phu tu hành thường không đến những nơi có danh lợi, những chốn ồn ào, những nơi làm tăng thêm thị phi nhân ngã, phải quấy tốt xấu của ta và người, là nơi sẽ khiến con người bị động tâm. Nếu ai dại dột dấn thân vào thì sẽ bị lừa, rồi lại khổ đau.
Người chân thật tu hành sẽ là người ngày ngày cần tu “Giới Định Huệ”. Người xa rời ba điều này thì cho dù họ tu cách gì đi nữa cũng là đi theo Ma đạo. “Giới” là mọi quy chuẩn quy điều, chứ không chỉ gói gọn trong giới điều Phật nói. “Giới” là hàng rào để chúng ta không được phép vượt qua, chỉ đến đó là dừng, nếu không dừng là phạm. Một khi đã phạm thì hỏng đi tâm thanh tịnh. Không còn tâm thanh tịnh thì không có “Định”, không có “Định” thì không có “Huệ”.
Trong Giới Kinh có một câu chuyện về một người phạm một giới “uống rượu”, sau đó người này tiếp tục phạm luôn giới “trộm”, giới “sát”, giới “dâm”. Đã phạm một giới thì rất dễ dàng phạm những giới còn lại. Người hằng ngày nói dối như thật, khi được hỏi thì trả lời rất nhanh nhảu, tưởng chừng là không ai biết. Giả sử mỗi lần nói dối mà bị đau lưỡi, đau miệng thì chắc không ai dám nói. Nhưng vì nói dối nhiều lần mà chẳng có gì xảy ra nên họ nói thành quen, nói 100 lần thậm chí cả ngàn lần. Nên biết rằng mỗi lần chúng ta nói dối, đều hình thành một nhân quả. Cho nên muốn diệt trừ “Tham Sân Si” thì phải tu “Giới Định Tuệ”.
Người không thể khống chế được “Tham Sân Si” là do họ đang coi thường, đang gạt bỏ “Giới Định Tuệ”. Tu nơi nhà Phật phải bắt đầu từ “Giới Định Tuệ”, tu nơi Ma đạo thì không cần ba điều này. Ngày nay, nhiều người thích tu theo Ma đạo vì không phải bỏ thứ gì, thậm chí thân vẫn “Sát Đạo Dâm”, ý vẫn “Tham Sân Si”, miệng vẫn “Nói Dối, Nói Lưỡi Đôi Chiều, Nói Lời Thêu Dệt, Nói Lời Ác Khẩu”. Họ nói dối mà tưởng rằng không ai biết, tưởng rằng chính mình là cao thủ nó dối. Họ đã nhầm, hễ họ mở miệng là người khác đã biết, không thể qua mặt được những người có chút tinh tế. Cho nên chúng ta không nên tùy tiện, không nên để tập khí xấu ác điều khiển, dẫn dắt mình.
Hòa Thượng nói: “Người tu hành nhiều năm, cho dù là tại gia hay xuất gia, mà xem thường, gạt bỏ Giới Định Tuệ thì mỗi ngày chắc chắn họ đang thêm lớn Tham Sân Si. Tương lai, họ cũng vãng sanh, tức thời đến ngay nơi đó luôn, nhưng không phải vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc mà vãng sanh về A Tỳ Địa Ngục. Phật ở trên Kinh dạy bảo chúng ta cần buông xả thứ gì thì phải buông xả thứ đó, nơi nào cần học tập thì chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực học tập.
“Từ “Sa môn” dịch nghĩa là “cần tức”, “cần” là cần tu, là siêng năng và “tức” là diệt. “Cần” là cần tu Giới Định Tuệ, “tức” là diệt trừ Tham Sân Si. Cho nên chữ “Sa môn” không phải chỉ riêng người xuất gia mà cả người tại gia cũng có thể đạt được. Nếu bạn ở tại gia tu hành đúng lời Phật dạy, ngày ngày cần tu Giới Định Tuệ, ngày ngày diệt trừ Tham Sân Si thì bạn có đầy đủ đức hạnh của một bậc Sa môn. Thân là tại gia nhưng tâm là xuất gia. Phật dạy bảo chúng ta tu hành thì việc nên làm chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực làm, việc không nên làm thì nhất định phải tránh xa.