33Thứ Hai, 14/04/2025, 14:42
42 · PHTT - Làm Người Không Thể Quên Gốc - 42

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 13/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 042: Làm người không thể quên gốc

Hòa Thượng thường nói rằng chúng ta phải biết tri ân báo ân, người luôn khởi niệm tri ân báo ân thì mọi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của người đó đều hết sức cẩn trọng. Người mà trong tâm của họ luôn có hình bóng của Phật, của thầy, của cha mẹ thì hằng ngày không dám làm việc sai trái. Người vong ân bội nghĩa, sống không cần biết trên đời này có ai, chẳng biết có ai là trưởng bối ở bên trên mình thì những người này sẽ làm càn làm quấy.

Là con cháu trong một gia tộc, nếu chúng ta làm điều sai trái thì hậu quả sẽ khiến xấu hổ cả một gia tộc. Vô danh tiểu tốt thì sức ảnh hưởng không lớn, còn nếu là người có danh có phận, có địa vị trong xã hội thì chúng ta tạo ra sự tổn hại rất lớn. Người tận trung, tận hiếu thì tấm gương của họ không chỉ lưu truyền một đời mà trong nhiều đời. Do đó, nếu chúng ta làm điều sai trái thì chẳng những người ở đời không ngẩng mặt nhìn đời mà ông bà, cha mẹ đã quá cố vẫn phải bị vạ lây, bị gánh thêm tội. Vì sao? Vì không giáo dục tốt con cháu nên mới dẫn đến những con cháu đời sau như vậy.

Lời tựa của bài học cũng là lời nhắc nhở của Hòa Thượng, “Làm người không thể quên gốc” đã khiến chúng ta rất cảm khái. Cả đời của Hòa Thượng có ba vị thầy. Một thầy ở thế gian là giáo sư Phương Đông Mỹ và hai vị thầy trong Phật pháp là Đại Sư Chương Gia và lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Hòa Thượng nói: “Tôi thật may mắn là có giáo sư Phương Đông Mỹ giới thiệu Phật pháp cho tôi. Nếu không có giáo sư giới thiệu thì tôi đã không tin tưởng Phật pháp. Pháp sư mà có giảng Kinh thuyết pháp cho tôi nghe thì tôi có đủ đạo lý để cãi lại. Khi tôi chưa học Phật, có thể nói là tôi có tri kiến bất chánh nhưng lại có năng lực biện tài, biện luận, bẻ gẫy những lý luận của người khác.

Trước đây, pháp sư nói có đạo lý, tôi cũng phản bác. Phản bác đến nỗi họ không thể trả lời được, thế là không có người để phục được tôi, cho nên tôi không thể tin. Biện tài của tôi không vượt qua được giáo sư Phương Đông Mỹ. Tôi thua ông ấy cho nên tôi tin tưởng đối với ông. Ông giảng cho tôi nghe thì tôi tin còn người khác giảng thì tôi không tin vì họ không thể thuyết phục, không thể thắng được tôi. May mắn là nhờ giáo sư đã đem Phật pháp giới thiệu cho tôi, dẫn tôi vào cửa Phật.

Sau khi tôi vào Phật pháp, tôi chỉ có hai vị thầy. Vị thứ nhất là Đại sư chương gia, tôi theo Ngài ba năm. Sau khi Ngài viên tịch, trải qua một năm, tôi mới đến thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Tôi theo thầy 10 năm nữa. Tôi không phải đi bôn ba khắp nơi để tìm cầu học tập. Chỉ hai vị Thầy! Tôi học Phật trước sau chỉ có hai vị thầy, đã hết 13 năm. Tôi học Phật rồi, chân thật đạt được an vui không gì bằng, hoan hỉ tràn đầy. Cho nên, tôi đối với lão sư mỗi niệm không quên! Trong Phật đường nhỏ, ngoài thờ Tây Phương Tam Thánh, tôi đã thờ ba vị thầy của mình. Làm người không thể quên gốc. Hiện tại ba vị lão sư này đều đã qua đời nhưng tâm của tôi luôn cảm kích đối với thấy, tâm tri ân đối với thầy không bao giờ quên. Chỗ tốt của tôi ở đâu mà có vậy? Là vì tôi uống nước nhớ nguồn.

Hòa Thượng lúc trẻ rất kiên cường. Ngài tự nhận mình lúc chưa học Phật có tri kiến bất chánh lại có năng lực biện tài. Nếu không có một vị cao minh điểm ngộ thì người như vậy không thể quay đầu. Ngài đã được giáo sư Phương Đông Mỹ - một bậc Thầy của Triết học khẳng định rằng “Phật học không phải là triết học mà là đỉnh cao của triết học” để thuyết phục Hòa Thượng. Nhờ đó, Hòa Thượng chú ý và dụng tâm học tập Phật pháp, dần dần, Ngài đã có thể ngộ mỗi ngày một sâu hơn. Còn chúng ta, trình độ cao không cao, thấp không thấp nên rất khó để tiếp cận chánh tri, chánh kiến. Chúng ta không chịu tiếp cận, không chịu lắng nghe, thấy ai cũng không bằng mình.

Việc học tập dần dần sẽ cho chúng ta đủ độ ngấm, độ sâu, giúp chúng ta thể hội, vỡ òa ra được những đạo lý mà Hòa Thượng đã dạy. Thêm vào đó, việc nỗ lực thực hành còn giúp chúng ta giữ đạo tâm kiên cố. Nếu học tập càng sâu thì chúng ta càng hiểu được ân đức của Phật đối với chúng sanh. Không học, không làm thì sẽ không có cảm xúc. Rất tiếc là nhiều người nghe pháp còn sơ sài, hời hợt. Người học Phật ngày ngày đọc câu: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường” hay phát nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô lượng thệ nguyện đạo. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” nhưng điều quan trọng không phải là đọc mỗi ngày mà là chúng ta có thực tiễn, có làm, có khởi tâm tri ân báo ân không?