21Thứ Hai, 14/04/2025, 14:42
41 · PHTT - An Định Nhẹ Nhàng - 41

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 12/04/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

BÀI 41

AN ĐỊNH, NHẸ NHÀNG

Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hằng ngày của chúng ta an định, nhẹ nhàng hay vội vàng, hấp tấp? Có những người luôn ở trạng thái vội vàng nhưng vẫn không làm được việc gì. Hằng ngày, chúng ta thường có tâm thái nóng vội, bao chao, bồn chồn, bất an. Người xưa dạy chúng ta: “Đứng như tùng, ngồi như chuông”. Những việc này chúng ta đều có thể luyện tập.

Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật nói, động tác của chúng ta phải thận trọng, an định, nhẹ nhàng. Trong cuộc sống, nhất cử nhất động của chúng ta không nên vội vàng, hấp tấp mà nên học cẩn trọng, anh tường”. Chúng ta có tu dưỡng thì tâm chúng ta mới có thể an định, nhẹ nhàng. Hằng ngày, chúng ta phải lên kế hoạch công việc rõ ràng, theo thứ tự. Nếu chúng ta không có kế hoạch thì mọi việc sẽ chồng chéo. Thí dụ, nhiều người khi nấu nướng, họ để dao, thớt, chén bát một cách tuỳ tiện, chồng chéo do vậy họ mất nhiều thời gian dọn dẹp, bát đũa dễ hư hỏng. Chúng ta tưởng chừng chúng ta làm nhanh nhưng chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian dọn dẹp.

Hòa Thượng nói: “Người xưa rất xem trọng việc động tác phải cẩn trọng, an định, nhẹ nhàng. Ngày nay, chúng ta gọi đây là phong độ, nghi thái rất trọng thị. Người ngày nay rất lơi là với việc này, trong xã hội hiện đại, tâm khí của mọi người đều bao chao, nghi thái này là biểu hiện không tốt, thể hiện sự không có tu dưỡng”. Mỗi môi trường đều là nơi để chúng ta học tập, khi chúng ta có cơ hội gần người lớn, gần người có tu dưỡng thì chúng ta phải cố gắng học tập cách ăn uống, đi đứng, tiếp xúc với mọi người. Nếu chúng ta không quan sát, chúng ta chỉ tập trung vào việc ăn uống thì chúng ta giống như kẻ phàm phu.

Tôi giống như một cây ngô đồng, lớn lên một cách tự nhiên không có sự uốn nắn, nhắc nhở. Tôi phải tự “nắn nót” chính mình. Khi hơn 40 tuổi, tôi đọc được sách Thánh Hiền, từ đó tôi tự kiểm điểm chính mình. Chúng ta phải cẩn trọng học tập cách đi, đứng, nằm ngồi. Chúng ta được gọi là Thầy mà cách ăn uống, đi đứng của chúng ta thô tháo thì mọi người sẽ chê cười.

Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Áo quý sạch không quý đắt”. Chúng ta không cần mặc quần áo thời trang, hiện đại mà chỉ cần ăn mặc phù hợp hoàn cảnh, sạch sẽ. Những việc này đều thể hiện sự tu dưỡng của chúng ta, chúng ta phải hết sức cẩn trọng.

Hôm trước, có người đến một ngôi trường trong hệ thống của chúng ta, anh ta mặc đồ tu, ngồi tự nhiênnhư ở nơi không có người. Khi chúng ta bước vào nhà, chúng ta phải biết trong nhà có chủ nhà, có trưởng bối. Ngày trước, tôi được mời đến dạy ở một nơi, họ đặt ghế của tôi ra giữa sân khấu nhưng tôi luôn điều chỉnh ghếsang bên cạnh,tôi muốn thể hiện sự kính trọng của tôi với vị Thầy ở nơi đó. Đây là như người xưa dạy: “Mục hạ hữu nhân”. Trong mắt có người. Chúng ta đi đến đâu, chúng ta phải biết kính trọng trưởng bối.

Tổ Sư Ấn Quang dạy chúng ta: “Một phần thành kính thì được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì được mười phần lợi ích”. Thầy Định Hoằng nói: “Một trăm phần thành kính thì được một trăm phần lợi ích, một ngàn phần thành kính thì được một ngàn phần lợi ích”. Ghế của Cha Mẹ, của Thầy thì cho dù bị rách chúng ta cũng không được ngồi, đây mới gọi là kính. Chúng ta không thể đề khởi được kính đức từ nơi tự tánh vì hằng ngày chúng ta không kính. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cầm vật rỗng như vật đầy. Vào phòng trống như có người”. Đây là chúng ta lễ kính từ nơi tâm. Nếu chúng ta không thấy có người mà chúng ta tuỳ tiện thì chúng ta đã làm tổn hại kính đức của tự tánh.

Ngày trước, tôi đến một nơi để dạy, sau khi dạy xong thì tôi lên núi ngủ, Thầy trụ trì nơi đó rất trẻ, Thầy trụ trì nhường tôi nằm ở trên một cái giường đơn nhỏ, tôi từ chối nhưng các Thầy nhất quyết không đồng ý. Khi về đến nơi đó đã hơn 10 giờ, tôi vừa nằm xuống giường thì nghe tiếng trống đám ma rất ồn ào. Khi không thể ngủ được, tôi nói, ngày mai tôi phải dạy tám tiết học, nếu mọi người làm cho tôi không ngủ được thì mọi người sẽ phải nhận nhân quả, nhưng tôi vẫn không ngủ được vì tôi đang nằm trên giường của vị trụ trì. Sau đó, tôi xuống nằm dưới đất với mọi người, Thầy trụ trì cũng không dám lên giường đơn nằm. Chúng sanh ở tầng không gian khác đã quy định đó là nơi nằm của người chủ nhà.