30Thứ Năm, 10/04/2025, 07:20
38 · PHTT - Tiêu Chuẩn Của Tu Hành Là Giới Luật - 38

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 09/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 038: Tiêu chuẩn của tu hành là giới luật

Giới luật là nguyên tắc tối cao để có thể đánh giá một người có tu hành hay không. Không giữ phép tắc thì cho dù trên hình thức giống người tu nhưng thật ra không phải là người tu học Phật. Ngoại đạo cũng tu hành nhưng không giữ giới, thậm chí, họ vẫn sát sanh, uống rượu và tà dâm. Thích Ca Mâu Ni Phật khẳng định “Hãy lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy” khi Ngài A nan hỏi Phật: “Sau khi Ngài nhập Niết Bàn chúng con nương vào đâu?

Trong Giới Kinh, Phật nói: “Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Giới luật chính là chuẩn mực, không dừng lại ở những giới điều Phật dạy, mà còn là phép tắc, chuẩn mực, phong tục, tập quán, lễ lạt. Chúng ta đều phải tuân theo những điều này. Lời cha mẹ, lời thầy dạy bảo phù hợp với đạo lý mà chúng ta làm sai chính là đã vi phạm giới. Cho nên phạm vi của Giới rất rộng. Ví dụ như nói đến sát sinh, có những người cho rằng chủ yếu không giết những con vật lớn, không giết người. Nói như vậy là sai rồi! Giới Kinh nói rằng: “Trên từ chư Phật, dưới đến những côn trùng nhỏ đều không khởi tâm tổn hại, giết hại chúng.

Phật giảng giải rất tường tận, không chỉ có năm giới, 10 thiện, 10 giới của Sa-di hay 250 giới của tỳ kheo. Chúng ta chưa học giới Kinh nhưng cần biết giới căn bản là 5 giới 10 thiện, các phong tục tập quán. Trong mỗi thời đại, hình thái xã hội có thể thay đổi về hình thức nhưng căn bản của Giới điều sẽ không thay đổi. Giới là quy chuẩn, là hàng rào để hành giả tu hành không vượt qua quy chuẩn đó. Nếu không có Giới thì sẽ không biết điểm dừng đúng chỗ, đúng lúc. Nhờ Giới mới sinh Định, nhờ Định mới sinh Tuệ. Một đoàn thể ở nơi nhà Phật cùng sinh hoạt, cùng vui, cùng hòa thuận là do mọi người đều hoan hỉ tuân thủ quy định. Đây chính là Giới Hòa Đồng Tu, Kiến Hòa Đồng Giải, Thân Hòa Đồng Trụ.

Hòa Thượng nói: “Phật giảng kinh nói pháp đem vô lượng những hành vi quy nạp thành ba điều Thân Khẩu Ý. Những hành vi của ba nghiệp này có lỗi lầm thì bạn phải mang nó tu sửa lại thì đó chính là tu hành. Tiêu chuẩn của tu hành chính là Giới luật. Giới luật dạy bảo chúng ta nhất cử nhất động phải phù hợp với quy củ, lễ tiết. Đây là tiêu chuẩn vĩnh hằng bất biến.

Trên Kinh Phật nói phần nhiều là các nguyên lý, nguyên tắc, đây chính là phần vĩnh hằng bất biến. Ví dụ, Phật nói 10 thiện nghiệp có thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Đó là nói đến nguyên tắc! Phạm vi của sát sanh, phạm vi của trộm cắp, phạm vi của tà dâm, ở mỗi một thời đại, quan niệm đạo đức có sự khác nhau. Đó là trên sự tướng! Phật nói đến nguyên tắc thì phải hiểu, còn sự tướng thì có thể tùy theo thời đại. Bạn phải thuân thủ đạo đức của người hiện tại, những quy tắc, quy điều thì mới có thể làm cho thân thể của bạn nhất cử nhất động đều phù hợp quy củ. Hãy y theo tiêu chuẩn này để tu sửa hành động của thân nghiệp!

Chúng ta hãy nêu ra một thí dụ đơn giản như sau: Theo phong tục tập quán thời xưa, nam nữ thụ thụ bất thân nên ai cũng phải tuân thủ. Thế nhưng, vào thời hiện đại này, nam nữ có thể bắt tay. Nếu thời hiện đại này mà dùng lễ xưa thì sai rồi, làm sao có thể được. Người hiện đại phải học lễ của người hiện đại, vì bạn là người hiện đại, không phải người xưa. Ở mỗi một quốc gia cũng có lễ tiết riêng. Người nước ngoài rất nhiệt thành khi họ rất tôn trọng, tôn kính bạn nên họ có thể nói: “Pháp sư ơi, tôi có thể ôm Ngài một cái được không?” Đó là biểu hiện sự tôn kính, sự cung kính không có ác ý! Vì vậy, bạn đến bất cứ một nơi nào thì bạn phải hiểu lễ tiết của nơi đó thì bạn mới được người người hoan nghênh. Không thể không biết! Đây là thân nghiệp!

Ý nghiệp là điều rất quan trọng. Khi chúng ta đến đâu, cần phải hỏi rõ những vấn đề cấm kỵ ở nơi đó. Đây là lễ xưa. Mỗi một nơi đều có húy kỵ, nên chúng ta phải hiểu biết. Trong lúc nói chuyện, phải hết sức cẩn trọng để tránh lời nói của chúng ta đắc tội, kết oán với người. Do đó, ở một khu vực nào thì phải hiểu rõ phong tục, tập quán nơi đó, kỵ húy nơi đó.

Cho nên phải tu hành, phải y theo lý luận nguyên tắc quy củ trên Kinh đã nói. Chăm chỉ, nỗ lực mà làm. Quan trọng nhất là phải đoạn tham sân si mạn, đoạn thị phi nhân ngã (đúng sai của mình và người). Ngoài việc này, tiến thêm một bước nữa là phá trừ ngã chấp, phá trừ pháp chấp thì bạn mới có thành tựu. Nếu bạn chăm chỉ tu hành thì bạn liền cảm ứng tương thông với Phật Bồ Tát. Bạn nhất định sẽ được Tam Bảo gia trì. Người có thể thâm nhập đối với Phật pháp, chắc chắn sẽ được Tam Bảo gia trì, họ sẽ được tự tại an vui. Bạn y theo lý luận, nguyên tắc, quy củ mà Phật đã nói ra trong Kinh mà làm thì nhất định sẽ thành công, nhất định được Tam Bảo gia trì”.