Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 10/04/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 39
MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ Ở ĐÂU?
Người thế gian ngày ngày rong chơi, chìm đắm trong “năm dục sáu trần”. Nhiều người cả cuộc đời tranh giành, truy cầu “năm dục sáu trần”, mong có “miếng cơm manh áo” nhưng cũng không có được. Khi chúng ta tìm mọi cách truy cầu “năm dục sáu trần” thì đã tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Nhiều người đã mất đi tính mạng, tổn hại đến huệ mạng vì truy cầu “năm dục sáu trần”. Ở thế gian, rất ít người thoát ra được sự ràng buộc của “năm dục sáu trần”, nên Phật gọi chúng ta là “Kẻ đáng thương!”. Đây là lời dành cho cả chúng sanh chúng ta, những người đang chìm đắm trong “năm dục sáu trần”. Nhiều người đau khổ đến tận cùng mà không biết lý do vì sao! Chúng ta chỉ cần dừng lại, không chạy theo “năm dục sáu trần” thì chúng ta sẽ tự tại. Hầu hết chúng ta đều đang bị “năm dục sáu trần” xỏ mũi, kéo đi, không có sự phản tỉnh.
Hòa Thượng thường nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy Địa ngục ngũ điều căn”. Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm căn gốc dẫn chúng ta vào Địa ngục. Chúng ta chưa nhìn thấy Địa ngục nên chúng ta không cảm thấy sợ! Những cám dỗ của “năm dục sáu trần” giống như giọt mật trên lưỡi dao, chúng ta thường chỉ nhìn thấy giọt mật mà không nhìn thấy lưỡi dao. Các bậc Thánh Hiền không bị “năm dục sáu trần” trói buộc, các Ngài tự tại, biết sử dụng nó.
Hòa Thượng nói: “Từ khi tôi tiếp xúc Phật pháp đến nay đã gần 60 năm tôi ngày ngày ở trên đài giảng Kinh, dạy học, đến nay đã 49 năm, chưa từng có nghỉ ngơi, càng học càng hoan hỷ, càng dạy càng có niềm vui”. Hòa Thượng mỗi năm, mỗi tháng, ngày ngày đều giảng Kinh, dạy học. Người xưa nói đây là: “Giáo nhân bất quyển”. Dạy người không biết mệt mỏi. “Dạy người” chính là chúng ta dạy mình, ngày ngày cùng với người học tập. Chúng ta lên bục giảng nói cho người nghe cũng chính là nhắc nhở chính mình, chính mình được tiếp nhận. Người đạt được cảnh giới này sẽ càng đứng trên bục giảng, càng học, càng cảm thấy vui, hoan hỷ, không có sự mệt mỏi, nhàm chán.
Những năm qua, tôi phải làm tròn vai trò, bổn phận trong các mối quan hệ xã hội, cho dù phải di chuyển nhiều nơi nhưng tôi không vào học muộn một phút nào. Hôm trước, tôi di chuyển đến Nha Trang, hôm nay, tôi về thành phố Hồ Chí Minh để gặp con gái lớn của tôi, cháu đang chuẩn bị đi nước ngoài. Cả tuổi thơ của các con, tôi đã không có thời gian dành cho con, hôm qua, tôi đã phải nói lời xin lỗi con: “Con à! Mấy mươi năm qua, Ba phải bôn ba khắp nơi, Ba cũng không nhận ra là con đã lớn lên từ lúc nào!”. Ngày trước, khi mới gặp con rể của tôi, con rể tôi là người nước ngoài, tôi nói chuyện với cháu bằng tiếng Hán, tôi hỏi con rể tôi là cháu nói chuyện với con gái tôi bằng tiếng gì. Tôi ngạc nhiên vì chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Khi tôi hỏi thì con gái tôi nói, con gái tôi đã học tiếng Anh từ lớp 6, khi lên Đại học, con gái tôi cũng học chuyên ngành ngoại ngữ.
Chúng ta làm người, chúng ta khó làm tròn tất cả vai trò, bổn phận của mình, chúng ta phải biết việc gì là chính, trong từng giai đoạn, chúng ta phải ưu tiên những việc quan trọng. Khi chúng ta bước qua tuổi 60, chúng ta phải nỗ lực, tăng tốc hơn trong việc tu hành để con đường vãng sanh thuận lợi hơn. Việc học tập, việc làm lợi ích chúng sanh cũng là việc quan trọng. Việc học tập bổ trợ cho việc tu hành của chúng ta. Tôi đã học xong “1200 chuyên đề”, “Tịnh Không Pháp sư gia ngôn lục”, “Phật học vấn đáp” và đang học “Phật học thường thức”, tôi lên học không trễ một phút nào vì tôi càng học, càng có niềm vui.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật nhất định phải có người chỉ đạo, phải có phương pháp để việc học tập của chúng ta có thứ lớp, không được học vượt bậc. Đại sư Chương Gia dạy tôi bắt đầu từ học lịch sử của Thích Ca Mâu Ni Phật và phát tâm học tập với Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật xuất thân là một vương tử nhưng Ngài đã xả bỏ vương vị, quyền lực, tiền của, gia đình, Ngài xả bỏ mọi thứ nên Ngài không còn bị ràng buộc”. Rất nhiều người học vượt bậc, họ không muốn học lớp 1 mà muốn học lớp 3. Trong việc học tập, trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ về cuộc đời Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã xả bỏ cả vương quyền trong khi đó chúng ta lại luôn truy cầu, tìm cầu “danh vọng lợi dưỡng”.