
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 03/04/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 32
CHÍ THÀNH SẼ CẢM THÔNG
Tổ Sư Ấn Quang nói: “Kiền thành tự khả chuyển phàm tâm, niệm Phật siêng năng tiêu túc nghiệp”. Chúng ta niệm Phật nhưng chưa thể tiêu được nghiệp cũ vì chúng ta chưa niệm Phật đến mức độ “Kiền thành”, nghĩa là chưa đạt đến mức độ chân thành nhất. Hằng ngày, trong mọi sự, mọi việc chúng ta đều phải dùng tâm chân thành. Nếu chúng ta chỉ niệm Phật bằng tâm chân thành nhưng chúng ta dùng tâm hư ngụy để đối đãi với mọi người vậy thì chúng ta đã có hai tâm, tâm chúng ta chưa đủ chân thành. Tâm chúng ta phải là “một mảng chân thành”, không thể khi thì chân thành, khi thì không chân thành. Nhiều người cho rằng tâm của họ rất chân thành nhưng sau đó, họ dần bị ảnh hưởng bởi “danh vọng lợi dưỡng”, diễn biến của “Danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” trong tâm chúng ta rất vi tế.
Tổ Sư Đại Đức nói: “Chí thành cảm thông”. Tâm chúng ta chưa cảm thông vì chúng ta chưa đủ chí thành. Nhiều người làm việc nhưng không có được cảm ứng như mong đợi nên họ sinh tâm nghi hoặc. Tâm chúng ta nghi hoặc, niềm tin của chúng ta bị mai một thì chúng ta sẽ ngày càng càng xa với đạo. Chúng ta tin sâu thì chúng ta mới có thể chân thật làm!
Hòa Thượng nói: “Bạn phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính để niệm danh hiệu của Phật Bồ Tát, lễ kính Phật Bồ Tát, nghĩ tưởng Phật Bồ Tát, đây chính là cảm. Chúng ta có cảm thì Phật Bồ Tát nhất định sẽ có ứng”.
Trước đây, Hòa Thượng từng nói: “Khi chúng ta bước vào niệm Phật đường, chúng ta có cung kính với bức tượng Phật như là chúng ta cung kính với Phật A Di Đà không?”. Nếu chúng ta tin rằng tượng Phật ở trong chánh điện là hóa thân của A Di Đà Phật, chúng ta dùng tâm chân thành lễ kính thì chúng ta chắc chắn sẽ cảm thông được với Phật. Chúng ta bước vào niệm Phật đường mà chúng ta cho rằng bức tượng đó làm từ xi-măng thì tâm chúng ta tùy tiện, buông lung. Nếu chúng ta tin rằng trong Phật đường chân thật có Phật A Di Đà, có Bồ Tát Quán Thế Âm, có Bồ Tát Đại Thế Chí thì tâm chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt.
Hằng ngày, chúng ta không cần cầu Phật giúp chúng ta có cơm no, áo ấm, mua may, bán đắt, những thứ này đều do phước trong vận mệnh của chúng ta định đoạt. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do phước báu trong mạng của chúng ta định. Người thế gian tranh giành công danh, lợi lộc mà họ không biết rằng những thứ này “trong mạng có thì nhất định sẽ có, trong mạng không thì nhất định sẽ không”.
Trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi, chúng ta đều phải dùng tâm chân thành, thanh tịnh, cung kính. Trong tâm thanh tịnh không có tập khí, phiền não. Hằng ngày, trong tâm chúng ta vẫn còn có tập khí, phiền não, chúng như những bóng ma, khi thì xuất hiện một cách rõ ràng, khi thì xuất hiện một cách mờ ảo.
Hòa Thượng nói: “Phần đông mọi người cầu Phật Bồ Tát không có hiệu quả vì tâm họ không chân thành. Tâm họ không chân thành vì họ cầu quá nhiều. Nếu chúng ta có tâm chân thành thì chúng ta chỉ cầu một vị Phật, niệm một vị Phật. Bình thường chúng ta niệm một vị Phật, khi công phu đủ thì nhất định chúng ta sẽ đạt được cảm ứng”. Nhiều người gặp Bồ Tát Quán Thế Âm, gặp Bồ Tát Địa Tạng thậm chí gặp Quỷ thần cũng đều cầu, điều này chứng tỏ niềm tin của chúng ta rất hời hợt. Nếu tâm chúng ta chân thành thì chúng ta chỉ tin một vị Phật Bồ Tát. Nếu chúng ta cầu Bồ Tát Quán Thế Âm thì chúng ta chỉ cầu Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu tâm chúng ta chân thành thì Ngài nhất định sẽ hiển linh.
Nhiều người, ngày bình thường thì niệm Phật A Di Đà nhưng khi gặp tai nạn thì họ niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Trên Kinh Phật nói: “Phật Phật đạo đồng”. Tất cả mười phương chư Phật đều có năng lực như nhau. Phật Bồ Tát có năng lực độ sinh như nhau nhưng hạnh nguyện của các Ngài khác nhau. Thí dụ, Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế giới Ta Bà tiếp độ chúng sanh, Phật A Di Đà có hạnh nguyện thiết lập thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Thánh địa tu hành cho tất cả chúng sanh ở mười phương thế giới.