
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 04/04/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 33
HỌC PHẬT PHẢI BẮT ĐẦU TỪ CHỖ NÀO
Nhiều người học Phật không biết phải bắt đầu từ đâu, họ tu mù luyện quáng nên không có kết quả. Nhiều người xem Phật như một vị Thần, họ đến với Phật để cầu bình an, bảo hộ, che chở. Chúng ta muốn có cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn thì chúng ta phải biết đủ. Người xưa nói: “Tri túc thường lạc”. Biết đủ thường vui. Người không biết đủ thì sẽ không thể cảm thấy vui. Người xưa nói: “An bần lạc đạo”. Chúng ta biết đủ thì chúng ta mới có thể có niềm vui với đạo. Nếu chúng ta không biết đủ thì chúng ta sẽ luôn tìm cầu, chúng ta luôn muốn có nhà đẹp, xe đẹp. Người thế gian cho rằng phải có tiền, có địa vị thì mới có thể hạnh phúc.
Ngày trước, tôi nhìn thấy bức ảnh của hai ông bà ngồi bên đống lửa, ông bà sống ở dưới chân cầu, không có người chăm sóc nhưng nụ cười của ông bà vô cùng tự tại, như một đóa hoa đang nở. Hằng ngày, nụ cười của chúng ta có như một đóa hoa đang nở hay không? Người đang lo toan, phiền não thì nụ cười của họ không thể tự tại. Người biết đủ thì mới có thể thường vui. Người biết đủ thì mới có nhân sanh hạnh phúc viên mãn. Người không biết đủ thì cho dù sống trong cuộc sống giàu sang, họ vẫn thường khổ đau. Có những người có danh vọng, địa vị, tiền tài nhưng sau đó bản thân họ và người thân đều rơi vào vòng lao lý, đó là vì họ không biết đủ. Hòa Thượng từng nói: “Người biết đủ thì mới tận lực hy sinh phụng hiến”. Người không biết đủ thì sẽ tự tư ích kỷ, không thể hy sinh phụng hiến vì người.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhìn thấy các bậc Tổ Sư Đại Đức, các bậc tu hành chân chánh, các Ngài không có tiền tài, không có địa vị nhưng các Ngài rất tự tại, an vui, trong khi đó, những người giàu có thì họ đi đâu cũng phải có vệ sỹ”. Người thế gian cho rằng có tiền là có quyền, có tiền thì sẽ dễ dàng sai sử người khác. Các bậc tu hành chân chánh có thể sống ngoài thiên nhiên một cách tự tại mà không cần có người bảo vệ.
Hòa Thượng nói: “Người đại phú, đại quý địa vị rất cao, tiền của rất nhiều nhưng đời sống của họ không tự tại, thậm chí là không an vui, không hạnh phúc. Nếu bạn muốn có đời sống an vui, tự tại thì bạn phải biết “tri túc”, phải biết đủ”.
“Tri túc”, nghĩa là biết đủ. Hai chữ này rất đơn giản, tưởng chừng như dễ hiểu nhưng không nhiều người hiểu được! Nhiều người học Phật lâu năm nhưng cũng không hiểu được hai chữ này, họ nói rằng họ đang làm lợi ích cho chúng sanh nhưng thực ra là họ đang xây dựng bá đồ riêng.
Hòa Thượng Tịnh Không đã làm ra biểu pháp cho chúng ta, Ngài nói: “Tôi đến thế gian như một lữ khách và ra đi cũng như một lữ khách”. Một người đến ở trong một khách sạn, sau một vài ngày, khi họ ra đi, họ sẽ để lại tất cả tài sản, họ không cần quan tâm là sau đó ai sẽ đến ở. Thế gian cũng như quán trọ, chúng ta ở một thời gian sau đó rời đi. Chúng ta ở quán trọ không phải để hưởng thụ, chìm đắm trong “năm dục sáu trần” mà để chúng ta ở đây để hoàn thành những vai trò, trách nhiệm nhất định. Chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta sẽ chân thật hạnh phúc, an vui. Chúng ta đang ở quán trọ để hoàn thành sứ mạng, trách nhiệm, bổn phận mà Phật Bồ Tát đã giao phó.
Hòa Thượng nói: “Tri túc là đại quý, tri túc là đại phú thế nhưng người thế gian không biết điều này. Người “tri túc” thì sẽ thấy cuộc sống của họ luôn đầy đủ”. Người biết đủ thì cuộc sống của họ rất đơn giản, họ phát tâm toàn tâm toàn lực giúp đỡ người. Người không biết đủ thì sẽ luôn tìm cầu, chất chứa, không bao giờ cảm thấy mình đủ. Người không biết đủ thì luôn luôn là người nghèo. Người biết đủ là những người rất giàu.
Hòa Thượng nói: “Giúp đỡ người khác là trồng nhân thiện. Chúng ta trồng nhân thiện thì nhất định kết được quả thiện, nhất định gặt hái được thiện báo.” Người không biết đủ thì luôn vơ vét, gom vào đây là họ đã tự đoạn con đường tiền tài của chính mình.
Cách đây gần 20 năm, khi tôi chia sẻ ở một ngôi làng mù, tôi giảng về đề tài “tái tạo phước báu”, tôi nói với mọi người: “Hôm nay mọi người đến đây được nghe pháp, nhận quà, đây là chúng ta đang hưởng phước thừa trong sinh mạng của mình vậy thì chúng ta có biết tạo phước hay không? Có ai có ý niệm là chúng ta sẽ chia sẻ món quà này cho người khác không?”. Hôm đó có khoảng vài trăm người, mọi người được nhận tiền, gạo, nhu yếu phẩm nhưng không một ai nghĩ đến việc chia sẻ với người khác. Nếu chúng ta có tâm cho đi thì chúng ta sẽ không bao giờ nghèo, thiếu.